Tiếng Việt | English

21/09/2021 - 14:16

Thích ứng an toàn để trở lại cuộc sống 'bình thường mới'

Thay đổi thói quen sinh hoạt, nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19 là những việc giúp người dân thích ứng an toàn để trở lại cuộc sống “bình thường mới”. Đây cũng là chiến lược đang được các gia đình và toàn xã hội xác định phải thực hiện quyết liệt, bền bỉ bởi “cuộc chiến” chống dịch còn lâu dài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa (bìa trái) kiểm tra công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại huyện Cần Đước

Thay đổi thói quen sinh hoạt 

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên địa bàn tỉnh Long An làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội và cuộc sống của nhiều gia đình. Bên cạnh những nỗ lực chống dịch, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân được các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh. Đến nay, tỉnh cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, cuộc sống người dân đang dần trở lại trạng thái “bình thường mới”. Theo đó, mọi người thay đổi cách nghĩ, cách làm để thích ứng với tình hình dịch bệnh.

Chị Nguyễn Thị Thu Hường (khu phố 1, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) cho biết: “Chồng đi làm xa nhà, tôi vừa làm công nhân, vừa chăm sóc các con. Trước khi dịch bệnh xảy ra, mỗi sáng, tôi thường ghé các quán ăn mua đồ ăn sáng, đưa con đến trường rồi mới đi làm. Tuy nhiên, mấy tháng nay, tôi thay đổi thói quen này bằng cách dậy sớm hơn để tự nấu ăn sáng. Kinh tế gia đình eo hẹp hơn trước do tôi phải tạm nghỉ việc để phòng, chống dịch bệnh nên cách chi tiêu cũng thay đổi. Theo tôi, mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch và thay đổi những thói quen sinh hoạt hàng ngày để góp phần cùng chính quyền trong “cuộc chiến” chống lại dịch bệnh. Có như vậy dịch bệnh mới mau chóng được ngăn chặn, đẩy lùi”.

Rửa tay trở thành thói quen hàng ngày

Tiết kiệm cũng trở thành thói quen trong tiêu dùng hàng ngày của nhiều người. Chị Huỳnh Thị Ngọc (khu phố 3, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Dịch bệnh khiến thu nhập giảm nên tôi tính toán lại trong chi tiêu, chỉ mua thực phẩm, đồ dùng thiết yếu. Tận dụng mảnh đất nhỏ trước nhà, tôi trồng thêm rau để cải thiện bữa ăn, nhờ vậy tiết kiệm được một khoản tiền chợ”.

Còn anh Nguyễn Minh Hải (phường 5, TP.Tân An), trước đây, sau giờ làm việc thường đi uống cà phê, gặp gỡ bạn bè. Từ khi dịch bùng phát, anh chỉ uống cà phê tại nhà, dành thời gian cho gia đình và bản thân nhiều hơn. “Ban đầu, tôi thấy như thiếu thiếu gì đó, không quen lắm nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp nên tôi tập thay đổi thói quen của mình. Không còn những cái bắt tay nhau khi gặp gỡ hay uống chung nhau ly bia, ly rượu, chấm chung chén nước chấm, gắp thức ăn cho nhau,... Thay vào đó, tôi tuân thủ các thông điệp “5K”, “5T” và vận động người thân cùng thực hiện” - anh Hải cho biết.

Dịch Covid-19 khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn nhưng cũng từ đây, nhiều người có thái độ sống tích cực hơn, biết cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng cũng như tự thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để có thể chung sống an toàn với dịch bệnh.

Trong buổi thăm, kiểm tra các chốt kiểm soát phòng, chống dịch khu vực giáp ranh trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Khải động viên lực lượng làm nhiệm vụ; đồng thời, chỉ đạo một số xã đóng các chốt ít người qua lại nhằm tiết kiệm nhân lực

Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất, kinh doanh

Từ giữa tháng 5/2021, huyện Cần Đước ghi nhận những ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng. Do huyện tiếp giáp với TP.HCM, Tiền Giang, huyện Bến Lức, Cần Giuộc, tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp, số lượng công nhân đông nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Đến nay, huyện ghi nhận 1.695 ca nhiễm, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hoa (thị trấn Cần Đước) chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi địa phương kiểm soát được dịch bệnh. Nhờ chính quyền áp dụng các biện pháp “ai ở đâu ở yên đó”, tổ chức xét nghiệm sàng lọc, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, hỗ trợ kịp thời những người có hoàn cảnh khó khăn,… nên chúng tôi an tâm ở nhà chống dịch”.

Với quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đưa kinh tế huyện phát triển bền vững, huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất kinh doanh. Huyện đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, công trình xây dựng cơ bản, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm công tác an sinh xã hội, sớm đưa công nhân tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện trở lại làm việc (ưu tiên cho người dân trên địa bàn huyện).

Đồng thời, huyện chỉ đạo các ban, ngành, UBND các xã, thị trấn vừa phòng, chống dịch, vừa khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương như công tác thu ngân sách, chương trình về nguồn, xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,…

Chủ tịch UBND huyện - Huỳnh Văn Quang Hùng khẳng định: “Huyện quyết tâm giữ vững địa bàn “vùng xanh”, siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “Lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch”. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nghiêm thông điệp “5K” và “5T” đối với các xã, thị trấn; duy trì và giữ vững thành quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để đưa cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới” cho người dân”.

Từ địa phương “vùng đỏ” trên bản đồ Covid-19 của tỉnh, nay Cần Đước đã chuyển sang “vùng xanh”. Đây là kết quả từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của huyện trong công tác phòng, chống dịch. Tuy dịch bệnh được kiểm soát nhưng toàn thể hệ thống chính trị huyện và người dân không chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch để giữ vững “vùng xanh” an toàn.

Thích ứng an toàn với cuộc sống mới 

Sau chuỗi ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19, hiện đời sống của người dân huyện Châu Thành dần trở lại “bình thường mới”. Huyện tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện “5K” và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch nhằm hướng tới cuộc sống “bình thường mới”.

Nhà của anh Tư Thịnh ở xã Thanh Phú Long nhưng vườn thanh long của anh ở xã Phước Tân Hưng nên trong suốt thời gian huyện áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, anh Thịnh không ra tới vườn. Vườn thanh long hơn 5.000m2 mọc đầy cỏ dại, cây không được chăm sóc nên bệnh gần hết, trái hư toàn bộ, nhìn mà xót xa.

Huyện trở thành “vùng xanh”, được phép áp dụng Chỉ thị 15, việc đi lại thoải mái hơn, anh Thịnh liền thuê một đội nhân công đến dọn vườn, cắt bỏ nhánh, trái bệnh, bắt đầu dưỡng lại cây để chuẩn bị xử lý ra hoa trái vụ. Vừa xịt thuốc trị đốm nâu cho vườn thanh long, anh Thịnh vừa chia sẻ: “Hôm trước, phần vì đi lại khó khăn, phần sợ dịch bệnh nên tôi chỉ chăm sóc mảnh vườn gần nhà. Nay dịch bệnh được kiểm soát, tôi mới tới chăm lại vườn này. Tôi tốn hơn 10 triệu đồng để cải tạo vườn, mong là vụ xông đèn tới bù lại được”.

Anh Thịnh cũng như nhiều người bắt đầu khởi động lại việc sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài gián đoạn. Các tiệm ăn uống mở cửa bán mang về, một số dịch vụ được kinh doanh trở lại, nhiều người khởi động lại công việc. Anh Huỳnh Tấn Hoàng (xã Phước Tân Hưng) là thợ xây. Chỉ thị 15 được áp dụng, các công trình xây dựng được phép hoạt động, anh cũng đi làm lại trong niềm vui mừng.

Tuy đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng huyện vẫn không chủ quan, buông lỏng trong công tác phòng, chống dịch. Các tổ Covid cộng đồng tiếp tục được duy trì, củng cố. Lực lượng công an kiểm soát chặt chẽ người ra, vào huyện song song với tạo điều kiện cho xe “luồng xanh” và hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của người dân. Huyện đang xây dựng phương án cho kho thanh long hoạt động trở lại vào đợt thu hoạch trái vụ sắp tới. Các đội test tầm soát cộng đồng hoạt động đều đặn, tập trung test tại các khu nhà trọ, kho thanh long, khu vực tập trung đông dân cư, vùng vừa hết phong tỏa và đại diện hộ gia đình tại các xã, thị trấn.

Trong buổi thăm, kiểm tra các chốt kiểm soát phòng, chống dịch khu vực giáp ranh trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Khải chỉ đạo một số xã đóng các chốt ít người qua lại nhằm tiết kiệm nhân lực. Ông nói: “Ít người quá thì rào kiên cố luôn. Ai có việc thì đi đường vòng. Cho anh em nghỉ ngơi ít ngày còn tập trung lực lượng cho tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2”. Trong chuyến thăm ấy, Chủ tịch UBND huyện cũng vận động xã hội hóa, tặng mỗi chốt một phần quà động viên tinh thần lực lượng tham gia trực chốt.

Sau chuyến đi, ông Khải yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tránh việc người dân chủ quan, không thực hiện đúng “5K” trong phòng dịch. Theo ông Khải, việc người dân đã tiêm được vắc-xin mũi 1 và huyện trở thành “vùng xanh” không có nghĩa là cộng đồng đã “sạch” bệnh hoàn toàn. Nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn, người dân cần chú ý thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch để tự bảo vệ mình và người thân, cùng chính quyền hướng tới cuộc sống bình thường mới./.

Quế Lâm - Kim Thoa - Thùy Minh

Chia sẻ bài viết