Thời gian qua, TP.Tân An quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (Trong ảnh: Đô thị Tân An nhìn từ trên cao)
Sự cần thiết của Đề án
TP.Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh với diện tích tự nhiên hơn 8.100ha, gồm 14 đơn vị hành chính. Thành phố có vị trí chiến lược, là “cầu nối” giữa Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM; đồng thời, nằm trong khu vực thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vai trò là đầu mối giao thông đường bộ của vùng với tuyến Quốc lộ 1 và cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
TP.Tân An đang trong quá trình đi lên đô thị loại I, phấn đấu cơ bản đạt chuẩn các tiêu chí năm 2025, được công nhận trước năm 2030. Hiện TP.Tân An có hơn 405km đường giao thông, trong đó: Đường bêtông nhựa 65,39km (chiếm 16%); đường láng nhựa 188,737km (chiếm 46%); đường bêtông xi măng có mặt rộng 4m là 23,685km (chiếm 5,8%); đường bêtông ximăng hẻm nội thành 54,312km (chiếm 13,5%);...
Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh, thành phố xác định từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đường liên phường, liên khu phố, đường trục chính nội thành là nhiệm vụ trọng tâm.
Thời gian qua, hạ tầng giao thông các tuyến hẻm nội thành được đầu tư hoàn thiện; cơ bản đáp ứng về tiêu chí cũng như nhu cầu phục vụ sự phát triển. Tuy nhiên, hẻm nội thành của thành phố nhìn chung chỉ phục vụ nội bộ, chưa đáp ứng hết khả năng, sự kỳ vọng và sức bật của đô thị trung tâm. Đa phần các trục giao thông bên trong nhỏ, gấp khúc, chưa kết nối liên hoàn.
Thành phố đã và đang lập quy hoạch thu hút nhiều dự án phát triển hạ tầng, KT-XH, một số dự án triển khai đầu tư sẽ là động lực làm thay đổi diện mạo đô thị trong tương lai. Song song với phát triển các khu đô thị mới, hình thành các trục giao thông đô thị quan trọng, thành phố vẫn còn những tuyến đường, tuyến phố, hẻm nhỏ, đan xen trong lòng đô thị.
Hơn nữa, tốc độ đô thị hóa của các phường nội thành hiện nay rất nhanh, đòi hỏi các tiện ích đô thị, không gian sống và hạ tầng đô thị phải đáp ứng. Vì vậy, mở rộng các tuyến hẻm là hết sức quan trọng và cần thiết, để bảo đảm phát triển đô thị theo định hướng.
Theo lộ trình, TP.Tân An phấn đấu đạt chuẩn đô thị văn minh vào năm 2024 để kỷ niệm 15 năm ngày thành lập thành phố. Về tiêu chí giao thông phải bảo đảm tất cả các phường đạt đô thị văn minh, có 100% số kilômét đường được nhựa hóa hoặc bêtông hóa; bảo đảm kết nối giao thông thông suốt không bị ngập.
Thi công 14 công trình
Việc hỗ trợ đầu tư bêtông đường giao thông cho các phường được thực hiện công khai, minh bạch với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” và tăng cường xã hội hóa trong việc đầu tư, phát triển đường giao thông liên phường, liên khu phố.
Giai đoạn 2024-2025, thành phố thực hiện 14 danh mục công trình, gồm: Hẻm nội bộ đường Nguyễn An Ninh, hẻm 52 đường Thủ Khoa Huân (phường 1); hẻm 182 đường Huỳnh Việt Thanh (phường 2); hẻm nội bộ đường Vành đai công viên (đường Nguyễn An Ninh), bêtông - cống thoát nước nhánh hẻm 154 đường Huỳnh Hữu Thống, hẻm 474 đường Hùng Vương (phường 3); hẻm 756 Quốc lộ 1 (phường 4); đường kênh Hai Tưởng, hẻm 23 đường Nguyễn Văn Tiếp, bêtông phần đất trước trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự thành phố (phường 5); hẻm 203/6 Quốc lộ 62 (phường 6); nâng cấp hẻm kênh Rạch Giồng (phường Khánh Hậu); bêtông đoạn từ đường Hoàng Anh đến đường Vành đai TP.Tân An (phường Tân Khánh) với tổng kinh phí dự kiến hơn 7,5 tỉ đồng.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo cho biết, thực hiện theo đề án, các tuyến hẻm tại các phường sẽ được thành phố triển khai thí điểm phương thức hỗ trợ bêtông thương phẩm (trộn sẵn và vận chuyển bằng phương tiện kỹ thuật từ nhà máy đến tận công trình) để thi công hoàn thiện mặt đường giao thông.
Các hẻm nội thành tham gia vào đề án bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông được duyệt, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển KT-XH tại địa phương trong giai đoạn 2024-2025 và định hướng về sau.
Thành phố không hỗ trợ đầu tư xây dựng đối với những đường giao thông nằm trong quy hoạch phát triển dân cư đô thị, phát triển công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Về quy mô, đối với phường 1, 2, 3, 4, 5, các tuyến hẻm có chiều ngang từ 3m trở lên, các phường còn lại 4m trở lên. UBND các phường cần bảo đảm đủ nguồn lực đối ứng và tự nguyện đăng ký nhu cầu hỗ trợ bêtông thương phẩm để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tuyến hẻm theo đề án.
Để phát huy hiệu quả của đề án, thành phố xây dựng phương thức đầu tư linh hoạt trong công tác xây dựng cơ bản, huy động tối đa các nguồn lực cùng Nhà nước triển khai danh mục các công trình đường giao thông nội thành trên địa bàn.
Song song đó, phát huy tối đa vai trò của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền, nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu cùng sự tham gia tích cực của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, ban quản lý khu phố, tổ quản lý kinh phí công trình trong triển khai, thực hiện đề án.
Đặc biệt, không để lạm thu, huy động vượt quá mức nguồn lực của người dân trong thực hiện đề án./
Thanh Nga