Tiếng Việt | English

03/01/2023 - 14:33

Thế giới trước mối lo làn sóng Covid-19 trong năm mới

Trong khi niềm hân hoan năm mới vẫn chưa kịp lắng xuống thì thế giới tiếp tục đối mặt với nỗi lo làn sóng Covid-19 mới. Nhiều nước trên thế giới thông báo số ca nhiễm tăng vọt trong những ngày đầu năm 2023, đồng thời tuyên bố thực hiện các biện pháp hạn chế mới để kiểm soát dịch bệnh.

Hôm qua (2/1), Hàn Quốc ghi nhận hơn 81.000 ca mắc Covid-19 mới, tăng khoảng 22.000 ca so với ngày trước đó. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cũng thông báo số ca trung bình trong tuần trước của nước này vào khoảng 80.000 ca/ngày. Tại Nhật Bản, số ca mắc mới ghi nhận trong ngày 1/1 là 86.000 ca, con số trung bình trong tuần là 147.000 ca/ngày.


Ảnh minh họa: Reuters

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, Nhật Bản là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới và số ca tử vong vì Covid đứng thứ hai toàn cầu sau Mỹ. Tại Mỹ, tình hình cũng không khả quan hơn khi tính đến tuần cuối của tháng 12, Mỹ ghi nhận tổng cộng hơn 100 triệu trường hợp mắc Covid-19. Các chuyên gia cho biết con số nhiễm mới thực tế ở Mỹ có thể cao gấp đôi.

Giới chức y tế Mỹ đang chuẩn bị cho đợt bùng phát dịch bệnh sau kỳ nghỉ lễ, khi nhiều người đã từ bỏ hoàn toàn các quy tắc ngăn ngừa dịch. Lo ngại cũng gia tăng khi virus cúm và virus hợp bào hô hấp (RSV) vẫn lưu hành. Các chuyên gia gọi đây là “ba dịch chồng nhau”, dự báo có thể tạo thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã quá tải.

Trong khi đó, Trung Quốc - quốc gia mới đây đã từ bỏ chính sách “zero Covid” và sẽ mở cửa biên giới từ ngày 8/1, những ngày gần đây, nhiều tỉnh, thành của nước này đã liên tiếp đưa ra cảnh báo đỉnh dịch Covid-19 sẽ rơi vào giữa tháng 1/2023 với hàng trăm nghìn ca nhiễm mỗi ngày ở mỗi địa phương.

Mối lo ngại tiếp tục gia tăng khi tháng 1/2023 là thời gian tập trung nhiều kỳ nghỉ của các nước châu Âu và châu Á, lượng người di chuyển tăng đột biến có thể thúc đẩy làn sóng lây nhiễm. Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra cảnh báo “bóng ma Covid-19” vẫn hiện hữu và đòi hỏi các nước cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa: 

“Thế giới còn quá nhiều lỗ hổng trong giám sát, xét nghiệm và giải trình tự gene, nghĩa là giới khoa học chưa đủ hiểu về sự thay đổi của virus. Các thách thức trong việc điều trị khiến nhiều người tử vong một cách vô ích. Lỗ hổng trong hệ thống y tế khiến nhiều nước không thể đối phó cùng lúc với lượng người mắc cúm, Covid-19 và nhiều bệnh khác”.

Để đối phó với làn sóng dịch Covid-19 mới, ngoài việc khuyến khích người dân tiêm mũi vaccine bổ sung, thì kiểm soát dòng người nhập cảnh là biện pháp mà nhiều nước bắt đầu áp dụng.

Từ ngày 1/1, những người đến Ấn Độ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan sẽ phải xuất trình xét nghiệm âm tính. Ấn Độ cũng xét nghiệm ngẫu nhiên 2% tổng số hành khách quốc tế đến các sân bay. Mỹ, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản… yêu cầu hành khách từ Trung Quốc cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, Tây Ban Nha yêu cầu khách tới từ Trung Quốc có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc đã tiêm đủ vaccine. Liên minh châu Âu EU cũng sẽ tiến hành nhóm họp vào ngày mai (4/1) để xem xét liệu có nên tiến hành các biện pháp kiểm soát đồng bộ đối với hành khách đến từ Trung Quốc và một số quốc gia khác hay không.

Phản ứng trước làn sóng cân nhắc kiểm soát dịch Covid 19 đối với khách du lịch từ Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng, các biện pháp kiểm soát dịch nên được cân nhắc kỹ lưỡng, không để ảnh hưởng đến sự hợp tác và giao lưu thông thường. 

 “Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của tất cả các nước phải khoa học, phù hợp, không được ảnh hưởng đến tiếp xúc bình thường giữa người với người cũng như giao lưu, hợp tác bình thường. Những ngày gần đây, nhiều chuyên gia y tế hàng đầu các chuyên gia từ nhiều quốc gia đã nói rằng không cần thiết phải áp đặt các hạn chế đối với việc nhập cảnh biên giới của du khách từ Trung Quốc”./.

Hạnh Phúc/VOV1

Chia sẻ bài viết