Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ, ngày 1/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h30 ngày 5/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 86.060.233 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.859.521 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 60.985.805 người.
Châu Phi ghi nhận tổng cộng hơn 2,83 triệu trường hợp mắc bệnh
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn số liệu từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết, tính đến ngày 4/1, toàn châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 2.830.462 trường hợp mắc COVID-19 và 67.246 ca tử vong.
Theo CDC châu Phi, tổng cộng 2.343.850 người bị mắc COVID-19 trên lục địa này đã được điều trị khỏi bệnh. Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất về số lượng trường hợp mắc bệnh tại châu Phi gồm (theo thứ tự) Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia, Libya, Algeria, Kenya...
Trong đó, Nam Phi là quốc gia có số trường hợp dương tính với COVID-19 cao nhất châu Phi, tổng cộng 1.100.748 người, đồng thời cũng là quốc gia có số người chết cao nhất châu lục này, với 29.577 ca tử vong.
Tiếp theo là Maroc, với 443.146 trường hợp mắc bệnh và 7.485 ca tử vong. Xếp thứ 3 là Tunisia, với 143.544 trường hợp mắc bệnh và 4.800 ca tử vong liên quan đến COVID-19.
Xét về khu vực, miền Nam châu Phi cũng là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất về số lượng mắc COVID-19, tiếp theo là khu vực Bắc Phi và Đông Phi.
Indonesia tăng 30% công suất giường bệnh
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 4/1, Chủ tịch Ủy ban xử lý dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế quốc gia (KPC-PEN) của Indonesia, ông Airlangga Hartarto cho biết số ca mắc COVID-19 ở nước này vẫn đang gia tăng, đặc biệt là kể từ cuối tháng 12/2020. Tính đến ngày 3/1, Indonesia vẫn còn 110.679 ca dương tính.
Phát biểu họp báo sau một cuộc họp nội bộ tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Jakarta, ông Airlangga cho hay Chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch tăng 30% công suất giường bệnh chữa trị COVID-19 ở cả các bệnh viện công lẫn các bệnh viện tư.
Ngoài việc tăng công suất giường bệnh, ông Airlangga cho biết Chính phủ Indonesia cũng sẽ thắt chặt việc thực hiện các quy trình y tế 3M (truy xuất nguồn gốc, xét nghiệm và chữa trị) bằng cách phát động một chiến dịch kiểm soát mới mang tên "Yustisi."
Ông Airlangga - người cũng đang giữ chức Bộ trưởng Điều phối Kinh tế - thông báo rằng Bộ Y tế sẽ triển khai thêm 10.000 nhân viên y tế, trong đó có 7.900 điều dưỡng viên, tại 1.141 cơ sở y tế trên khắp cả nước.
Palestine sẽ bắt đầu tiêm vắcxin phòng COVID-19 từ tháng 2
Ngày 4/1, một quan chức Bộ Y tế Palestine cho biết Palestine dự kiến tiếp nhận lô vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên từ tháng 2 nhằm phục vụ cho 20% dân số ở Bờ Tây và Dải Gaza thông qua chương trình được Liên hợp quốc hậu thuẫn.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Giám đốc chương trình Y tế công cộng của Chính quyền Palestine (PA) Yasser Bouzia nêu rõ: "Chúng tôi đã nhận được thư chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo đó việc chuyển vắcxin sẽ bắt đầu từ tháng 2 nhằm tiêm phòng cho 20% dân số."
Quan chức cho hay, vắcxin sẽ được phân phối thông qua COVAX, một chương trình hợp tác với GAVI - liên minh vắcxin có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ).
COVAX được WHO, Ủy ban châu Âu và một số tổ chức khác hậu thuẫn, sẽ tổ chức tiêm chủng ở Bờ Tây, nơi có 2,8 triệu người Palestine cư trú, và Dải Gaza đang bị Israel phong tỏa, với khoảng 2 triệu dân. Phần dân số còn lại của Palestine sẽ được ngân sách của PA và các nhà hảo tâm tài trợ cho tiêm vắcxin.
Mông Cổ cấm tổ chức lễ hội trong dịp Tết cổ truyền
Ngày 4/1, Chính phủ Mông Cổ quyết định không tổ chức lễ hội trong dịp Tết cổ truyền của nước này còn gọi là Tết Tsagaan Sar, nghĩa là "Mặt trăng trắng", do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong một tuyên bố, Văn phòng báo chí của Chính phủ Mông Cổ nêu rõ: "Chính phủ quyết định không tổ chức lễ hội trong Tết Tsagaan Sar trong năm nay nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 do việc tụ tập trong dịp lễ hội có thể làm số ca nhiễm gia tăng."
Tết Tsagaan Sar là một trong những kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất và được chờ đợi nhất ở Mông Cổ, tượng trưng cho sự bắt đầu của mùa Xuân sau khi mùa Đông kết thúc. Tết Tsagaan Sar năm nay rơi vào ngày 22/2 tới.
Vùng Scotland (Anh) áp đặt lệnh phong tỏa mới
Cùng ngày, Thủ hiến vùng Scotland của Anh Nicola Sturgeon thông báo áp đặt một lệnh phong tỏa mới trên toàn vùng, bắt đầu từ nửa đêm 4/1 cho đến hết tháng này, theo đó, người dân trong vùng bắt buộc phải ở trong nhà.
Ông Sturgeon đưa ra thông báo trên sau khi Nghị viện Scotland được triệu tập để thảo luận thêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 do số ca nhiễm tăng nhanh gây lên lo ngại nghiêm trọng. Theo ông, tình hình dịch bệnh ở Scotland hiện nghiêm trọng hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ tháng 3/2020.
Vùng Catalonia (Tây Ban Nha) siết chặt các biện pháp hạn chế
Trong khi đó, giới chức vùng Catalonia thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm đối với với số ca nhiễm mới gia tăng.
Theo đó, người dân không được rời khỏi vùng này, các phòng tập thể dục và trung tâm mua sắm phải đóng cửa, chỉ có các cửa hàng bán đồ thiết yếu như cửa hàng thuốc sẽ được mở cửa vào cuối tuần.
Các biện pháp này sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của các quán bar, nhà hàng khi các cơ sở phục vụ ăn uống này có thể phục vụ khách đến ăn sáng và ăn trưa trong khi cung cấp đồ ăn tối cho khách mang về. Các biện pháp mới này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7/1 và kéo dài đến ngày 17/1.
Các vùng khác của Tây Ban Nha như Andalusia, Murcia, Extremadura đều đã thông báo các biện pháp phòng dịch mới trong mấy ngày qua. Thủ đô Madrid tiếp tục triển khai các biện pháp hạn chế ở mức ít nghiêm ngặt hơn so với phần lớn các vùng của nước này, song áp đặt phong tỏa ở một số quận có tỉ lệ lây nhiễm cao hơn.
Tây Ban Nha nằm trong số những nước chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 với gần 2 triệu ca nhiễm và hơn 50.000 ca tử vong./.
Theo TTXVN