Tiếng Việt | English

18/04/2019 - 15:24

Thầy giáo “biến” lá chùm ruột thành xà phòng rửa tay thân thiện với môi trường

Từ hoạt tính kháng khuẩn của lá chùm ruột, anh Lê Trọng Đức - giáo viên Trường THPT Hậu Nghĩa (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), nghiên cứu chiết xuất làm cao tạo nên bánh xà phòng rửa tay thân thiện với môi trường.

Cùng với phong cách giảng dạy trẻ trung, chi tiết, dễ hiểu, anh Đức còn dành nhiều thời gian cho đam mê sáng tạo kỹ thuật

Anh Đức hiện là giáo viên phụ trách dạy môn Hóa học, từng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, anh được biết đến là sinh viên học tập chăm chỉ và rất đam mê sáng tạo. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học, anh về “đầu quân” cho Trường THPT An Ninh (xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa) và hiện được điều về giảng dạy tại Trường THPT Hậu Nghĩa.

Ngoài sự lôi cuốn bởi kiến thức, trí tuệ của mình, anh Đức còn làm “mê mẩn” học trò bởi sự vui vẻ, hóm hỉnh, góp phần làm cho tiết học trở nên sinh động.

“Cùng với phong cách giảng dạy trẻ trung, chi tiết, dễ hiểu, thầy Đức còn tận tình hướng dẫn chúng em nhiều mẹo hay khi làm bài. Đặc biệt, thầy dạy chúng em cách tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh, dành nhiều thời gian cho đam mê sáng tạo kỹ thuật” - em Phúc Bảo - học sinh lớp 10, Trường THPT Hậu Nghĩa, chia sẻ.

Anh Đức là 1 trong 3 thí sinh lọt vào top 3 (thể loại ý tưởng) cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo lần 1, năm 2018 do Tỉnh đoàn phối hợp Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức với mô hình Sản xuất xà phòng rửa tay thân thiện với môi trường, sử dụng hoạt chất kháng khuẩn từ lá cây chùm ruột. Qua đó, anh mạnh dạn đề xuất ý tưởng thành lập cơ sở, biến việc nghiên cứu công dụng của lá chùm ruột ở phòng thí nghiệm thành những sản phẩm cụ thể, phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người.

Lúc còn nhỏ, mỗi lần bị bệnh ngoài da (mề đay, lở, ngứa), anh Đức được cha điều trị bằng cách dân gian là đắp lá chùm ruột. Anh cứ ấn tượng mãi về công dụng của loại lá cây dân dã này và tự hứa với lòng khi lớn lên, có cơ hội sẽ phát huy hết công dụng vốn có của nó.

Theo anh Đức, muốn có cao kháng khuẩn, lá cây chùm ruột phải được chiết xuất bằng phương pháp ngâm với ethanol 960C trong bình nhựa. Cứ 1 ngày khuấy lên một lần, sau 3 ngày lọc lấy dung dịch 1 lần rồi cất giữ cẩn thận nơi ít ánh sáng. Phần bã rắn sau khi lọc tiến hành đổ dung môi vào để ngâm rồi lại lọc và thực hiện lại quy trình cho đến khi màu của phần dịch chiết thật nhạt. Dịch chiết ethanol qua vài bước xử lý tiếp theo sẽ thu được cao chiết từ lá chùm ruột.

Xà phòng rửa tay thân thiện với môi trường sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên: Lá chùm ruột khô, dầu ăn, xút

Việc sản xuất xà phòng rửa tay sử dụng hoạt chất kháng khuẩn từ lá cây chùm ruột được thực nghiệm theo quy trình: Phôi xà phòng được đun cách thủy 700C tạo thành dung dịch, sau đó cho hoạt chất kháng khuẩn và cho thêm tinh dầu thơm vào dung dịch này rồi đổ vào khuôn để nguội 1 ngày là thành xà phòng.

Xà phòng rửa tay thân thiện với môi trường được anh Lê Trọng Đức nghiên cứu, sản xuất khá đơn giản, không cần chi phí đầu tư nhiều, hầu hết sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên: Lá chùm ruột khô, dầu ăn, xút và lấy công làm lời, giá thành bình dân (4.000 đồng/bánh 200gr)./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết