Tiếng Việt | English

23/11/2018 - 10:14

Thấy gì qua Hội thi và trưng bày sản phẩm sinh vật cảnh?

Một góc khu hội thi sinh vật cảnh

1. Những lần Hội thi và trưng bày sản phẩm sinh vật cảnh (SVC) (hội thi) trước đây đều được “ăn theo” cuộc triển lãm của ngành công thương. Còn lần hội thi được Thành ủy và UBND TP.Tân An hỗ trợ 50% chi phí thuê mặt bằng tại Công viên TP.Tân An, các phần khác đều phải tự lực.

Năm nay, chi hội SVC các huyện, thị xã, thành phố và các chi hội, câu lạc bộ chuyên ngành của Hội SVC tỉnh đều đưa sản phẩm và tác phẩm nghệ thuật SVC đến tham dự theo chủ đề. Ngoài ra, Hội SVC các tỉnh miền Tây và miền Đông kết nghĩa với Hội SVC Long An cũng góp mặt cho sân chơi thêm khởi sắc.

2. Sau đúng một tuần mở cửa (từ 12 đến 18-11) hoàn toàn miễn phí, Hội thi thu hút hàng ngàn lượt người đến thưởng lãm sản phẩm SVC của các nghệ nhân, nhà vườn từ Cà Mau đến Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM,... từ những gốc kiểng cổ thụ đến những chậu bonsai.

Nào những tiểu cảnh thu cả không gian non nước hữu tình, suối khe, ghềnh thác, nào những gốc cổ thụ khô mục chỉ còn sót mấy mảnh lõi được bàn tay nghệ nhân tài hoa “thổi hồn” tạo hình gỗ lũa, những sản phẩm gỗ mỹ nghệ cũng từ đó khắc chạm chim thú, hoa lá,... Và những loại đá mỹ nghệ do thiên nhiên hoặc con người tạo hình đủ kiểu cho đá có hồn.

Cũng tại sân chơi này, nhóm nghệ nhân Câu lạc bộ Thư pháp đủ lứa tuổi cùng trổ tài viết thư pháp tại chỗ, góp cho sân chơi văn hóa thêm màu sắc và đa dạng.

Chi hội trưởng SVC thị xã Kiến Tường - Nguyễn Thành Đồng, dù tuổi cao, sức yếu vẫn mê lấy nghệ thuật SVC nuôi dưỡng tinh thần. Ông nói: “Kiến Tường có rất nhiều sản phẩm SVC nhưng vận chuyển không kịp; nội “cái thằng này” đã chiếm nguyên một chuyến xe rồi!”. “Cái thằng này” là cái bể kính rộng 2m2 chia làm 2 ngăn, mỗi ngăn có một con cá đen mun.

“Cá trê Đồng Tháp Mười đó! Mỗi con dài non một thước, 2 con cân đúng 16kg. Cá của nông dân Trần Văn Ấn ở thị xã Kiến Tường tát đìa bắt được từ 10 năm trước, thấy đẹp, nuôi làm kiểng” - ông Đồng nói.

Tôi nghĩ, để vận chuyển cái bể kính nuôi cặp cá trê “khủng” này, tốn bạc triệu chớ đâu có ít!

Gian trưng bày sinh vật cảnh huyện Cần Giuộc

3. Rảo qua các gian trưng bày sản phẩm SVC của các chi hội, ngoài sản phẩm độc đáo của Kiến Tường, các chi hội khác hầu hết đều có tấm phông in phong cảnh đặc trưng của địa phương mình.

Như Tân Hưng có cảnh Láng Sen, Bến Lức có cảnh cầu qua sông Vàm Cỏ Đông với hàng chữ “Bến Lức quê hương tôi”; Tân Trụ có cảnh vàm Nhựt Tảo, Cần Giuộc có cảnh sông nước và biểu tượng Cây Di sản quốc gia (10 cây me cổ thụ chùa Rạch Núi),... bao quanh khu trưng bày tác phẩm SVC dự thi khá đa dạng và đa chủng loại.

Đầu tiên là 2 hàng kiểng cổ “Tam cang ngũ thường” tạo hình đều tăm tắp. Vào bên trong là những tuyệt tác của các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh.

Ban Giám khảo đã rất công tâm khi nhận xét, chấm điểm, nên các tác phẩm đoạt giải (vàng, bạc, đồng, khuyến khích) đều xứng đáng. Do vậy, sau khi công bố gây được hiệu ứng tâm lý tốt, ai nấy đều hài lòng dẫu tiền thưởng cho mỗi giải ở mức... rất khiêm tốn!

Gian trưng bày sinh vật cảnh huyện Tân Hưng

Hội thi và trưng bày SVC năm nay cũng còn một vài điều làm người xem thấy tiếc, như Long An có nhiều nhà vườn trồng hoa lan nhưng lại không có mặt trên sân chơi này. Nhiều người còn hỏi: “Sao không để đến cuối năm mở hội thi cùng lúc với chợ hoa xuân?”.

Cuối năm, đơn vị quản lý khu Công viên Tân An dành trọn mặt bằng cho thuê với giá kinh doanh mà Hội SVC không đủ kinh phí.

Chứ nếu có mặt bằng miễn phí để mở Hội hoa Xuân vào dịp đón mừng Tết Nguyên đán, phục vụ miễn phí cho công chúng thì cũng đáng nên làm...

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết