Tiếng Việt | English

26/05/2021 - 08:48

Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

Giai đoạn 2016-2020, việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn tỉnh Long An đạt kết quả rất tích cực, song vẫn còn không ít vướng mắc, bất cập cần có biện pháp tháo gỡ để phát triển bền vững.

Thực hiện Quyết định số 171/QĐ-HĐND, ngày 29/3/2021, HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có liên quan đến việc xây dựng, tổ chức, triển khai, thực hiện việc XDNTM giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Đoàn đã giám sát trực tiếp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ; giám sát bằng văn bản đối với các huyện, thị xã, thành phố còn lại và các sở, ngành: Giao thông Vận tải, Công Thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội,...

Còn nhiều bất cập

Qua giám sát của HĐND, việc thực hiện chương trình XDNTM còn gặp một số khó khăn như vốn ngân sách Nhà nước đầu tư còn thấp so với nhu cầu của các địa phương; kết cấu hạ tầng KT-XH ở một số nơi nhanh xuống cấp, nhất là các xã thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; dân số cơ học tăng nhanh tạo áp lực lớn đối với trường học, giao thông, môi trường. Bên cạnh đó, các dự án hỗ trợ người nghèo triển khai chậm; số lượng và chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tuy được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh giám sát tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh huy động khoảng 55.342 tỉ đồng để thực hiện chương trình XDNTM. Trong đó, vốn tín dụng chiếm tỷ lệ cao nhất (87,1%) với trên 48.223 tỉ đồng; vốn Trung ương hỗ trợ trực tiếp trên 1.082 tỉ đồng, chiếm 2%; vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp 563 tỉ đồng, chiếm 1%; vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế 314,4 tỉ đồng, chiếm 0,6%; vốn huy động cộng đồng dân cư 736,3 tỉ đồng, chiếm 1,3%.

Đối với tiêu chí môi trường, đây là một trong những tiêu chí “động” dễ thực hiện nhưng khó duy trì ở hầu hết các địa phương. Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn do khoảng cách các hộ dân khá xa nhau, đường nhỏ, xe thu gom rác không thể đến được. Việc xử lý rác tại những khu vực này chủ yếu do người dân thực hiện bằng cách chôn lấp sau vườn hoặc đốt lộ thiên, một số nơi người dân còn vứt bừa bãi xuống kênh, rạch, gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Theo kết quả giám sát, các địa phương còn gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí đầu tư xây dựng bể chứa, hố thu gom tập trung bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.

Liên quan đến tiêu chí giao thông, theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải, hầu hết các huyện, thị xã trong tỉnh đều chưa có quy hoạch đồng bộ mạng lưới giao thông nên chưa xây dựng được kế hoạch lâu dài để phát triển. Điều này làm cho việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông còn tự phát, chưa có tính định hướng, ảnh hưởng đến việc nâng cấp, cải tạo và phát triển sau này. Chất lượng mặt đường giao thông nông thôn chưa cao, tiêu chuẩn kỹ thuật còn thấp, chủ yếu là đường chỉ có một làn xe, thiếu hệ thống biển báo, tầm nhìn hạn chế, tải trọng thấp, chưa đồng bộ trong thiết kế cầu, cống và đường.

Giao thông là tiêu chí cần nguồn vốn lớn, vì vậy các địa phương đề nghị tỉnh tăng mức đầu tư để thực hiện tiêu chí này

Báo cáo với Đoàn giám sát của HĐND, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, việc XDNTM giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh còn tình trạng chồng chéo giữa các loại quy hoạch. Cuối năm 2013, 100% số xã đã được phê duyệt và triển khai Đồ án quy hoạch XDNTM. Tuy nhiên, thời gian qua, quy hoạch XDNTM của một số xã không còn phù hợp với tình hình phát triển thực tế. Đến thời điểm này, có một số xã diện tích đất nông nghiệp không còn nhiều do chuyển sang đất đô thị, đất công nghiệp,... việc làm và thu nhập chính của người dân không phải từ sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó là vấn đề xâm nhập mặn diễn biến khó lường, hệ thống kênh, rạch ở một số nơi không bảo đảm cho mục đích sản xuất; phương pháp tính thu nhập bình quân đầu người chưa có sự thống nhất; hoạt động của các hợp tác xã còn yếu; điện phục vụ sản xuất vẫn chưa bảo đảm, nhất là điện 3 pha cho các trạm bơm phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng Đồng Tháp Mười và vùng nuôi tôm của tỉnh; việc phân bổ vốn đầu tư công của tỉnh chưa phù hợp với kế hoạch xây dựng xã đạt chuẩn NTM hàng năm của cấp huyện; mức độ hài lòng của người dân với một số tiêu chí NTM chưa cao;...

Tập trung tháo gỡ

Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát, các địa phương và sở, ngành kiến nghị tỉnh quan tâm tổ chức các lớp đào tạo để nâng cao trình độ và năng lực công tác cho cán bộ NTM; củng cố bộ máy tham mưu thực hiện chương trình các cấp và có cơ chế hỗ trợ phụ cấp kiêm nhiệm cho lực lượng làm nhiệm vụ XDNTM các cấp; đồng thời, hỗ trợ địa phương mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp; tăng mức đầu tư từ ngân sách tỉnh thực hiện chương trình XDNTM theo lộ trình đề ra, nhất là các tiêu chí giao thông, thủy lợi, nước sạch,...

Với việc đầu tư nạo vét các kênh, rạch, chủ động dự trữ nguồn nước ngọt, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất do hạn, xâm nhập mặn từng bước được khắc phục

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, thời gian qua, tổ chức bộ máy chỉ đạo, thực hiện chương trình XDNTM được thực hiện theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg, ngày 16/8/2016 và Quyết định số 1920/QĐ-TTg, ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện tại, các văn bản này đã không còn hiệu lực. Trên cơ sở những quy định mới của Trung ương, Sở sẽ đề xuất, tham mưu cơ chế, chính sách cho tổ chức bộ máy thực hiện chương trình XDNTM giai đoạn 2021-2025 phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện còn 199 hộ chưa có điện để sử dụng và 42.831 hộ dùng chung điện kế. Số điện kế có từ 4-6 hộ dùng chung là 2.303 điện kế với 12.161 hộ dùng chung. Để khắc phục tình trạng trên, Sở Công Thương sẽ đôn đốc, hỗ trợ ngành Điện thực hiện kế hoạch đầu tư, nâng cấp hệ thống điện hàng năm đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, ưu tiên các xã còn tỷ lệ hộ sử dụng điện thấp, điện phục vụ các vùng sản xuất chuyên canh của tỉnh, đặc biệt là xóa điện kế dùng chung từ 5 hộ trở lên theo lộ trình của ngành Điện đề ra.

Xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, là một trong những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng do hạn, xâm nhập mặn hàng năm. Cứ sau Tết Nguyên đán là bước vào cao điểm mùa khô, gây thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. “Được sự quan tâm đầu tư của huyện cũng như ngành Nông nghiệp, năm 2020, hệ thống kênh nội đồng tiếp tục được nạo vét, khơi thông dòng chảy, giúp dự trữ nguồn nước ngọt, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Người dân đã gieo sạ theo lịch thời vụ nên không còn chịu ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn nhiều như trước đây” - Phó Chủ tịch UBND xã - Lê Trung Hậu cho hay.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều cho biết, căn cứ vào kết quả giám sát, HĐND tỉnh sẽ ban hành nghị quyết về XDNTM, làm cơ sở để thực hiện tốt hơn nữa chương trình trong giai đoạn tiếp theo. Ông yêu cầu, các sở, ngành và địa phương cần có giải pháp cụ thể hơn nữa để thực hiện các chỉ tiêu đề ra, khắc phục những vấn đề bất cập, vướng mắc trong thời gian qua. Mặt khác, cần huy động tối đa các nguồn lực để tổ chức triển khai, thực hiện chương trình XDNTM. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về XDNTM, trong đó chú trọng tuyên truyền để người dân biết và phát huy vai trò chủ thể của mình trong XDNTM, đem lại sự chuyển biến tích cực, rõ nét ngay từng hộ gia đình, từng xóm, ấp./.

Kết thúc giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 94/161 xã đạt chuẩn NTM (đạt 106,8% kế hoạch của Trung ương giao, đạt 113% kế hoạch của tỉnh); có 1 huyện đạt chuẩn NTM, 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 1 huyện và 1 thị xã có 100% xã đạt chuẩn NTM; bình quân mỗi xã đạt 17,2 tiêu chí NTM. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu có 10 huyện/thị xã, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, chiếm 66,6% tổng số huyện/thị xã, thành phố; trong đó, có 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết