Tiếng Việt | English

14/04/2023 - 11:15

Tháo gỡ khó khăn các dự án công trình trọng điểm

Mặc dù ngành Giao thông Vận tải (GTVT), các địa phương có nhiều nỗ lực triển khai, thực hiện các công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 nhưng hiện nhiều công trình vẫn còn khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và nguồn vốn bố trí thực hiện các dự án (DA).

Dự án Đường tỉnh 823D đang được triển khai 14 mũi thi công bảo đảm tiến độ cam kết

Còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc

Sau nhiều nỗ lực, hiện DA Đường tỉnh (ĐT) 830E (Vành đai 4 TP.HCM) chính thức bước vào thi công 2 gói thầu đầu tiên gồm gói thầu đơn nguyên bên trái và đơn nguyên bên phải đoạn từ nút giao ĐT830 đến đường Nguyễn Văn Nhâm. Đến nay, các nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị để phát quang, đào vét hữu cơ tạo mặt bằng xây dựng lán trại và tập kết vật liệu làm đường công vụ. Bên cạnh đó, đoạn từ đường Nguyễn Văn Nhâm đến Quốc lộ 1 dài 3km cũng đang được Sở GTVT tổ chức chấm thầu, dự kiến theo kế hoạch sẽ hoàn thành ký hợp đồng khởi công ngay trong tháng 4.

Thông tin từ Sở GTVT, DA có quy mô GPMB tuyến chính trong phạm vi lộ giới 74,5m, đoạn kết nối với ĐT830 giải phóng mặt bằng trong phạm vi lộ giới 30m. Riêng đoạn giao giữa ĐT830E và ĐT830 giữ nguyên hiện trạng. Tuyến đường có quy mô xây dựng trong giai đoạn 1 đầu tư 2 đường song hành, mỗi đường 2 làn xe hỗn hợp rộng 7m và 1 làn xe thô sơ rộng 2,5m cũng như đầu tư các cầu vượt sông trên đường song hành. Phần nối ra ĐT830 có quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe rộng 20m với nền đường rộng 30m. Đến giai đoạn hoàn chỉnh sẽ thành đường cao tốc 8 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, phần đường song hành 4 làn xe hỗn hợp, mỗi chiều 2 làn xe. DA có vốn đầu tư xây dựng trên 1.105 tỉ đồng và vốn GPMB trên 2.092 tỉ đồng. Năm 2023, DA được bố trí 256 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân được trên 20,5 tỉ đồng cho xây dựng và giải ngân được 1.215 tỉ đồng GPMB. Trong đó, đoạn qua huyện Bến Lức có chiều dài 5,8km qua địa bàn xã An Thạnh, Thanh Phú, Long Hiệp và thị trấn Bến Lức đã tổ chức chi trả được 659 hộ với số tiền trên 1.142 tỉ đồng, đạt 75% số hộ và 77% diện tích. Còn đoạn qua địa bàn huyện Cần Đước tạm thời chưa GPMB.

Theo Giám đốc Sở GTVT - Đặng Hoàng Tuấn, hiện DA gặp khó khăn nhất định khi năm 2023, dự kiến nguồn bội chi ngân sách bố trí cho DA 1.000 tỉ đồng gồm GPMB 800 tỉ đồng và đầu tư xây dựng 200 tỉ đồng, UBND tỉnh có quyết định giao vốn nhưng chưa có kinh phí. Mặc dù huyện Bến Lức có nhiều nỗ lực thực hiện công tác GPMB nhưng việc bàn giao mặt bằng không liên tục, nhiều trường hợp người dân nhận tiền nhưng chưa tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc do chờ bố trí tái định cư (TĐC).

UBND huyện Bến Lức chuẩn bị tiến hành chi trả bồi thường đợt 1 cho 337 hộ dân tại dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

Còn tại DA đường Vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn tỉnh gồm DA thành phần 7 đầu tư xây dựng có mức đầu tư 3.040 tỉ đồng và DA thành phần 8 bồi thường, hỗ trợ, TĐC có mức đầu tư 1.168 tỉ đồng. Hiện Sở GTVT đã hoàn thành, trình Bộ GTVT thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật và đang triển khai công tác chỉ định thầu để ký hợp đồng các đơn vị tư vấn di dời đường điện trung hạ thế, cao thế và rà phá bom mìn, vật liệu nổ. Riêng công tác bồi thường, GPMB, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất bồi thường, UBND huyện Bến Lức đã phê duyệt xong phương án bồi thường đợt 1 cho 337 hộ bị ảnh hưởng với số tiền 705 tỉ đồng/diện tích 37,8ha. Dự kiến từ ngày 10 đến 15/4/2023 sẽ chi trả bồi thường đợt 1 và tiếp tục phê duyệt đợt 2 cho 63 hộ bị ảnh hưởng với số tiền 180 tỉ đồng.

Thông tin từ Sở GTVT, DA cơ bản hoàn thành so kế hoạch, các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ, bảo đảm đến tháng 6/2023 sẽ khởi công DA. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay khi các cơ quan chuyên môn về xây dựng của Bộ GTVT chưa phát hành kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật. Đồng thời, UBND TP.HCM cũng chưa chủ trì, thống nhất mỏ vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là mỏ cát, đất đắp nền để làm cơ sở thống nhất giá vật liệu sử dụng chung cho toàn tuyến.

Tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh 2 DA công trình trọng điểm ĐT830E và đường Vành đai 3 TP.HCM, tại DA ĐT823D, triển khai 14 mũi thi công để bảo đảm tiến độ nhưng trên toàn tuyến vẫn còn 146 hộ chưa thực hiện bồi thường. Một số đoạn được UBND huyện Đức Hòa bàn giao mặt bằng nhưng không liên tục, da beo, nhiều vị trí người dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc dẫn đến đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn trong công tác hoàn thiện đào, đắp khuôn đường, thi công hệ thống thoát nước. Mặt khác, UBND huyện Đức Hòa cũng chưa hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch chi tiết khu TĐC để làm cơ sở phê duyệt phương án TĐC, bố trí TĐC cho người dân.

Trước những khó khăn, vướng mắc tại các DA công trình trọng điểm, Giám đốc Sở GTVT - Đặng Hoàng Tuấn đề nghị huyện Đức Hòa, Bến Lức tiếp tục tuyên truyền, vận động các trường hợp chưa bàn giao mặt bằng sớm đồng thuận, bàn giao mặt bằng để DA bảo đảm tiến độ, phục vụ tốt cho phát triển KT-XH. Ngoài ra, các địa phương cần sớm hoàn chỉnh các khu TĐC như DA GPMB tạo quỹ đất sạch để bố trí TĐC ĐT830 và phát triển đô thị tại xã Thanh Phú; các khu TĐC cho DA ĐT823D.

“Riêng đối với vai trò của ngành, Sở tiếp tục đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc triển khai thi công theo tiến độ hợp đồng đối với các gói thầu tại DA ĐT830E và ĐT823D. Riêng đối với DA đường Vành đai 3 TP.HCM, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ các cơ quan chuyên môn về xây dựng của Bộ GTVT để hoàn thành công tác thẩm định, chậm nhất đến ngày 25/4/2023 sẽ hoàn thành và phối hợp Sở GTVT, các cơ quan liên quan của TP.HCM, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai để thống nhất mỏ vật liệu, công bố giá vật liệu làm cơ sở thẩm định, phê duyệt dự toán công trình, triển khai đấu thầu, bảo đảm khởi công trước ngày 30/6/2023” - Giám đốc Sở GTVT - Đặng Hoàng Tuấn cho biết./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết