Tiếng Việt | English

31/08/2019 - 17:48

Thành phố Tân An hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới

Thành phố Tân An, tỉnh Long An có 14 đơn vị hành chính, trong đó có 5 xã: An Vĩnh Ngãi, Bình Tâm, Hướng Thọ Phú, Nhơn Thạnh Trung, Lợi Bình Nhơn nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đến cuối năm 2018, TP.Tân An hoàn thành chương trình XDNTM.

Đường quê xã Nhơn Thạnh Trung được đầu tư

Nhiều đổi thay

Đến xã Nhơn Thạnh Trung, chúng tôi cảm nhận làng quê hôm nay có nhiều khởi sắc. Những con đường chính được trải nhựa, tráng bêtông, người dân cùng đoàn thể địa phương trồng hoa, cây xanh làm đẹp, mát xung quanh khu vực sinh sống.

Ông Nguyễn Văn Lựa, ngụ ấp Nhơn Trị 2, kể: “Trước đây, đường đi lại, điều kiện sinh sống của người dân xã Nhơn Thạnh Trung còn khó khăn. Công tác vận động người dân tham gia xây dựng các công trình còn hạn chế. Nhờ chủ trương XDNTM, cuộc sống vùng quê nay đổi khác”. Ông nói về những tuyến đường lầy lội năm xưa, nay được nâng cấp, mở rộng trong niềm phấn khởi. Đó là đường Lê Minh Xuân, Trần Công Oanh,... Trên những con đường này, qua sự vận động của chi bộ ấp, hệ thống đèn đường được thắp sáng và lắp thêm camera giám sát an ninh, trật tự,... Những tuyến đường dẫn vào khu dân cư cũng được người dân đóng góp hàng trăm triệu đồng để thực hiện, xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa ấp, thi công giếng nước trị giá 170 triệu đồng,… Tất cả những công trình trên đều có sự chung tay của Nhà nước và nhân dân.

Chủ tịch UBND xã Nhơn Thạnh Trung - Nguyễn Văn Rong thông tin, địa phương bắt tay XDNTM với điểm xuất phát khá thấp, chỉ đạt 7/19 tiêu chí (TC). Nhờ quyết tâm vượt khó cùng sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, xã xây dựng thành công xã văn hóa - NTM vào cuối 2015. Sau hơn 4 năm được công nhận, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên; nhiều công trình trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng, đường giao thông nông thôn,... được nâng cấp và xây dựng, mang đến cho địa phương diện mạo mới. Năm 2018 và 2019, địa phương đầu tư 17 hệ thống khử trùng nước, nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn trên 80%.

Theo Phòng Kinh tế, năm 2010, khi thành phố triển khai chương trình XDNTM, hầu hết các xã đều không đạt TC giao thông. Khi đó, các tuyến đường trục xóm, ấp là đường mòn, chưa được cứng hóa và xuống cấp; các tuyến đường ngõ, xóm là đường nội bộ; đường trục chính nội đồng phần lớn là đường đất và sỏi đỏ, mùa mưa thường lầy lội, gây khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.

Hơn 8 năm XDNTM, với sự nỗ lực và đầu tư từ tỉnh, thành phố, sự chung tay, góp sức của người dân và doanh nghiệp, các tuyến đường giao thông nông thôn tại 5 xã được nâng cấp, xây mới. 100% tuyến đường xã, đường từ trung tâm xã đến trung tâm thành phố được nhựa hóa hoặc bêtông hóa, bảo đảm ôtô đi lại thuận tiện. Thành phố đầu tư nhựa hóa 11 tuyến đường trục xã với tổng chiều dài trên 26km, nâng tổng số đường trục xã được nhựa hóa trên địa bàn các xã lên 44,12km, đạt 100%. TC môi trường được thành phố hết sức chú trọng. Theo đó, thành phố đầu tư 43 công trình cấp nước và nâng cấp hệ thống xử lý nước sạch trên địa bàn các xã, kinh phí trên 8,7 tỉ đồng; trong đó, vốn tỉnh hơn 3,1 tỉ đồng, vốn thành phố hơn 3,7 tỉ đồng, người dân góp trên 1,8 tỉ đồng. Từ đó, góp phần nâng hộ dân sử dụng nước sạch lên 68,3%, hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.

Tiếp tục nâng chất

Năm 2015, xã Lợi Bình Nhơn được công nhận đạt chuẩn NTM. Chủ tịch UBND xã - Hồ Duy Tâm nhận định, khi thực hiện chương trình XDNTM vào năm 2010, xã gặp nhiều khó khăn, đạt 9/19 TC. Hộ nghèo chiếm gần 10%; thu nhập bình quân đầu người dưới 15 triệu đồng/năm. Từ khi XDNTM đến nay, người dân địa phương đóng góp hơn 8,6 tỉ đồng, chiếm gần 8% tổng số vốn được huy động từ các nguồn lực và hàng ngàn ngày công để bêtông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh, mương nội đồng,... Từ năm 2015 đến nay, ngành điện đầu tư kinh phí khá lớn để hạ thế điện và xóa điện tổ trên địa bàn xã. Thời gian tới, xã tiếp tục củng cố, nâng chất các TC về môi trường, an ninh, trật tự, vận động người dân đóng góp duy tu, sửa chữa một số tuyến đường giao thông nông thôn.

Trường Mẫu giáo Nhơn Thạnh Trung được gấp rút xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học

Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Huỳnh Văn Nhịn cho biết, trong XDNTM, thành phố gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do đầu tư hạ tầng chưa kịp với tốc độ phát triển đô thị; công tác huy động nguồn lực XDNTM còn hạn chế. Mặc dù hoàn thành chương trình XDNTM nhưng thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực XDNTM theo hướng nâng cao các TC đã đạt, hướng đến các mục tiêu: đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn theo hướng đồng bộ; hoàn thành một số nội dung đô thị hóa nông thôn; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân để rút ngắn khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn./.

Tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình XDNTM của thành phố từ năm 2011-2018 trên 295 tỉ đồng; trong đó, vốn ngân sách trên 230,8 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp 30,06 tỉ đồng, nhân dân đóng góp 16,499 tỉ đồng.

Đến nay, kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn 5 xã từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và dân sinh. Trong lộ trình XDNTM, trên địa bàn các xã đầu tư 5 tuyến đê bao chống lũ kết hợp làm đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài gần 17km, 67 tuyến kênh nội đồng; thay mới, sửa chữa 26 nắp cống thủy lợi; duy tu, sửa chữa 3 đê bao với tổng kinh phí thực hiện trên 19 tỉ đồng. Xây dựng mới 4 trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng; 12 trường học đạt chuẩn quốc gia;...

Trên địa bàn các xã có 260 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn với 38 doanh nghiệp kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố đạt 14,5 triệu đồng, cuối năm 2018 tăng lên 58,46 triệu đồng. Hộ nghèo giảm từ 9,39% năm 2011 xuống còn 1,05% vào cuối năm 2018.

(Nguồn UBND TP.Tân An)

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết