Tiếng Việt | English

07/05/2017 - 08:45

Kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2017)

Tháng 5 về nhớ Điện Biên

Điện Biên ơi! Nhớ sao điệu xòe quanh ché rượu cần và nhớ những cô sơn nữ trong bộ váy Thái trắng, Thái đen đội lan rừng xuống núi bày bán ven đường. Và nhớ bóng các cô gái Khơ Mú quảy gùi lên ruộng bậc thang...

Thế là 13 năm trôi qua kể từ chuyến đi Điện Biên Phủ năm 2004, để rồi từ đó, cứ mỗi độ tháng 5 về, mình lại nhớ lần đầu biết thế nào là đường lên miền Tây Bắc “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” như câu thơ Tây tiến của Quang Dũng.

Ngồi trên xe, nhìn đâu cũng thấy núi là núi - trùng trùng điệp điệp. Giữa trưa, xe dừng bên mố cầu Tạ Khoa (Lai Châu) để mọi người lên cầu chiêm ngưỡng sông Đà lịch sử đẫm màu hồng nhạt khi chảy qua bao thớ đất đỏ tươi của bao cao nguyên và trung du, quăng mình qua bao ghềnh thác cheo leo trong cuộc hành trình về biển. Tự nhiên mình nhớ trang sử xưa: Năm 1431, vua Lê Thái Tổ cầm quân lên Điện Biên Phủ dẹp giặc Đèo Cát Hãn tại Mường Thanh.

Sông Đà chảy qua chân cầu Tạ Khoa

Đèo Cát Hãn là tên tù trưởng hùa theo giặc Minh; sau khi giặc Minh bị Lê Lợi quét sạch, hắn vẫn ngoan cố cát cứ để chống lại triều đình. Vua Lê Lợi thân chinh cùng quân sĩ vượt sông Đà đến tận sào huyệt của họ Đèo ở châu Phục Lễ. “Đường lên Mường Lễ bao la/Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh”.

Dựa địa thế hiểm yếu, tên giặc Đèo Cát Hãn chống trả quân triều đình quyết liệt. Lê Lợi dùng kế “nội công ngoại kích” trừ tận gốc bọn Đèo Cát Hãn (sau này, tướng quân Hoàng Công Chất cũng áp dụng lối đánh của Lê Lợi để dẹp giặc Phả).

Sau chiến thắng này, Lê Lợi đề thơ lên đá khi chiêu đãi ba quân tướng sĩ. Thơ chữ Hán khắc lên đá, có câu: ... Núi sông ta vào một bản đồ/Khắc trên đá núi bài thơ/Miền Tây nước Việt muôn thu vững vàng (Trần Lê Văn dịch).

Rồi trên đường về, khi dừng quân nghỉ đêm tại Chợ Bờ bên núi Hào Tráng trên sông Đà qua tỉnh Hòa Bình, vua cũng làm bài thơ và cho khắc lên đá núi Pù Huổi Chỏ ở phía Tây Bắc Điện Biên: Ngại gì hiểm trở đường xa/Gan già vẫn sắt, lòng già vẫn son/Chí này san phẳng núi non/ Nghĩa này quét sạch ngàn cơn mây mù/Biên phòng năm liệu mười lo/Sao cho xã tắc muôn thu thái hòa/Ba trăm ghềnh thác băng qua/Nay nghìn sông nước hóa ra thuận dòng (Trần Lê Văn dịch từ nguyên bản chữ Hán).

Nhìn dòng sông Đà tuôn chảy cuồn cuộn dưới chân cầu mà khâm phục ý chí ông cha ta “san phẳng núi non; băng qua ba trăm ghềnh thác” với sức mạnh phi thường mà mình liên tưởng đến dòng chảy truyền thống quật cường của dân tộc Việt: Súng nổ rung trời giận dữ/Người lên như nước vỡ bờ/Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Nguyễn Đình Thi) và Những đường Việt Bắc của ta/Đêm đêm rầm rập như là đất rung/Quân đi điệp điệp trùng trùng/Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan/Dân công đỏ đuốc từng đoàn/Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay (Tố Hữu) trong khí thế xông vào chiến dịch Điện Biên Phủ cháy lên trong thơ Tố Hữu: “Kéo cả bốn nghìn năm vào trận”.

Lên xe đi mà mình cứ ngoái nhìn lại sông Đà lúc khuất trong ngàn thẳm, lúc ẩn hiện dưới đồi núi cheo leo... đến thành phố Điện Biên lúc nào không hay!

Thành phố còn ngổn ngang những công trường xây dựng chen với núi đồi. Từng dãy phố vừa mới mọc lên nép vào chân núi, chân đồi lộ màu đất đỏ rực. Con đường như còn nóng hổi lớp nhựa mới rải giữa hai hàng hoa bằng lăng tím.

Xuống xe dưới chân đồi Mường Phăng, rồi đến con dốc nghiêng nghiêng lên triền đồi. Bước qua từng bậc đá ẩn dưới bóng cây rừng cao ngất khí thiêng.

Cảm xúc bất chợt dâng trào khi mình nhìn thấy những cựu chiến binh râu tóc bạc phơ, bộ quân phục phai màu lấp lánh huân chương trên ngực áo. Có cụ chống gậy, có cụ chống nạng (vì một chân đã gởi lại chiến trường Điện Biên Phủ xưa) bước lên dốc đá một cách khó nhọc, nhưng ai cũng nói cười như thể đang hát bài “Hành quân xa” giục giã bước chân thời trai trẻ trong màu áo “Bộ đội Cụ Hồ”.

Tới hầm Đại tướng chưa? - Chưa! Ráng nữa đi!... A, hầm Tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ! - Sau tiếng reo, mọi người dừng lại nhìn cái lán lá hiện ra bên triền đồi. Lại leo dốc thêm nữa, thêm nữa. Sao lâu thế? Người này hỏi, người khác nói. Háo hức.

Rồi vỡ òa tiếng reo: “A!... Hầm Đại tướng đây nè! Hầm Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp!”. Thế là ai nấy cùng chụp ảnh kỷ niệm. Ôi, cả đời mình mới có dịp dựa lưng vào vách hầm Đại tướng để ghi lại một tấm ảnh, không xúc động, hạnh phúc dâng trào sao được!

Sáng hôm sau, trời còn mờ sương, Nghĩa trang Liệt sĩ A1 đầy bóng người, nhiều nhất vẫn là cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa. Mọi người lặng lẽ đi qua từng hàng bia mộ trắng không tên. Nơi đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng rút khăn tay lau nước mắt khi nhận ra các hàng mộ vô danh là những chiến sĩ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”: Lao thẳng vào trận và ngã xuống “thánh địa” Điện Biên Phủ mà sau này tổng kết, không làm sao rõ được họ tên, quê quán của họ để ghi lên bia mộ. Các cựu chiến binh đứng nghiêm đọc bảng vàng ghi tên hơn 5.000 liệt sĩ hy sinh ở trận Điện Biên Phủ, xem có ai là người thân hay bạn đồng đội của mình không,...

Lối vào cửa hầm Đại tướng (bìa phải) và lán làm việc của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trên đồi Mường Phăng

Lên đồi A1 - giáp nghĩa trang A1 - với những hầm hào của quân Pháp khoét vào lòng đồi đất đỏ. Mình sờ vào cỗ xe tăng Bazeille của quân Pháp bị súng Bazoka của ta tiêu diệt vào lúc 7 giờ 30 sáng 01/4/1954. Rồi đến chiêm ngưỡng tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1; rồi xuống tham quan bảo tàng chiến lợi phẩm mà ta tịch thu tại trận của Pháp và những hình ảnh chiến sĩ, dân công của ta với sức Phù Đổng vươn vai xốc tới mặt trận Điện Biên.

Một mô hình đắp nổi mô tả trận Điện Biên Phủ với các cánh quân của ta và địch giao tranh, và những cánh tàn quân viễn chinh Pháp thất thần lê bước, giương cờ trắng ra hàng. Bắt gặp tấm ảnh phóng to viên tướng từng được nước Pháp và đồng minh vinh danh “người hùng bất bại” de Castries cao to, đầu niểng qua bên, 2 tay đan chéo nhau đi cùng đoàn sĩ quan tùy tùng lủi thủi ra khỏi hầm chỉ huy để xin đầu hàng “quân Việt Minh” mà trước đó chúng rất coi thường!

Để rồi khi lên đồi Mường Thanh, mình thấy xa xa nổi lên một gò đất cao. Đến gần thấy bảng tên “Hầm de Castries - Tổng chỉ huy trận Điện Biên Phủ của Pháp”. Nắp hầm bằng tấm cover thép dày, trên xếp nhiều lớp bao cát. Trong hầm lót ván dày khít, đèn điện sáng choang, bàn ghế, dụng cụ văn phòng vẫn giữ nguyên như lúc mới tiếp quản.

Điện Biên ơi! Nhớ sao điệu xòe quanh ché rượu cần và nhớ những cô sơn nữ trong bộ váy Thái trắng, Thái đen đội lan rừng xuống núi bày bán ven đường. Và nhớ bóng các cô gái Khơ Mú quảy gùi lên ruộng bậc thang không quên cầm cây pí-tót thổi như tiếng sáo diều miền xuôi.

Cái “chảo lửa” Điện Biên Phủ năm xưa thiêu đốt lũ giặc Tây xâm lược, nay mọc lên một thành phố tươi trẻ rực rỡ cờ hoa chào đón từng đoàn du khách đổ về vùng địa linh bừng lên sức sống mới này.../.

Tùy bút của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết