Tiếng Việt | English

28/03/2019 - 12:20

Thận trọng khi điều trị dạ dày bằng kinh nghiệm dân gian

Đau dạ dày là căn bệnh rất phổ biến. Trong khi đó, việc lấy kinh nghiệm dân gian để điều trị dạ dày lại cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, cần phải hết sức cẩn trọng với phương pháp chữa bệnh kiểu này.

Dùng tỏi chữa dạ dày khi bụng đói có thể gây hại cho dạ dày - Ảnh: Shutterstock

Dạ dày có thể “khổ” thêm vì thuốc dân gian

Ở Việt Nam, nhất là ở vùng nông thôn, cách chữa đau dạ dày bằng kinh nghiệm dân gian, bằng “cây nhà lá vườn” là chuyện thường ngày ở… huyện! Cơm cháy, chuối hột, nghệ, gừng, lá mơ, trái sung, mật ong hay hàng tá loại thảo dược khác được truyền miệng và “đi bộ” vô dạ dày khi dạ dày có vấn đề gần như ai cũng “trải nghiệm” một lần trong đời.

Người viết bài này cũng đã từng “sém cháy” dạ dày vì ăn... cơm cháy. Thời bao cấp, miếng cơm cháy giòn tan, thơm lừng giống như “đặc sản”. Nhiều người còn nói cơm cháy chữa được bệnh đau dạ dày. Vì mẹ thương tôi đau dạ dày nên trong bữa ăn bà thường dành hết phần cơm cháy cho tôi. Nhưng rốt cuộc, bệnh dạ dày của tôi không khỏi mà ngày càng trầm trọng.

Cẩn trọng khi dùng gừng chữa bệnh đau bụng. Ảnh: Thái Nguyên

Đem vấn đề tự chữa bệnh kiểu “dân gian” trao đổi với bác sĩ đa khoa, Đại học Y Dược TP.HCM, Nguyễn Khánh Ly, vị bác sĩ này cũng bộc lộ chân thành: “Chính tôi cũng từng bị “tai nạn” do việc dùng phương thuốc “ngoại khoa” của mẹ chữa dạ dày. Đó là hồi tôi còn học cấp 3. Thấy tôi có triệu chứng đau bụng giống đau dạ dày, mẹ tôi lột ngay mấy củ tỏi cho tôi uống. Thế là cơn đau không dịu đi mà càng lúc càng dữ dội hơn. Cuối cùng phải đi cấp cứu”.

Dĩ nhiên, không phải một số bài thuốc dân gian chữa bệnh dạ dày là không hay, không quý. Nhưng hiểu để dùng, dùng cho đúng cách và dùng cho loại đau dạ dày nào thì rất ít người biết.

Chữa trị dạ dày đúng cách

Chia sẻ về cách tự điều trị dạ dày bằng kinh nghiệm dân gian, bác sĩ Nguyễn Khánh Ly nói: “Chúng ta không bài bác những kinh nghiệm chữa trị bệnh dạ dày bằng các phương pháp dân gian. Tuy nhiên, cần phải hiểu biết cặn kẽ và hết sức thận trọng khi dùng các bài thuốc dân gian chữa bệnh dạ dày. Chẳng hạn, người bị loét dạ dày ở giai đoạn cuối mà sử dụng rượu tỏi thì có thể ảnh hưởng xấu hơn cho dạ dày. Hoặc đang đau dạ dày mà sử dụng trà gừng lúc bụng đói là “sai sách”. Nhiều bài thuốc truyền miệng chữa bệnh dạ dày chưa được kiểm chứng cũng thận trọng”.

Điều trị dạ dày đúng cách, theo bác sĩ Khánh Ly là khi có các triệu chứng biểu hiện đau dạ dày cần được bác sĩ khám bệnh, làm các xét nghiệm lâm sàng như chụp X-quang, nội soi, xét nghiệm máu… để có hướng điều trị phù hợp nhất. Ngoài việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bị đau dạ dày cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống khoa học, không sử dụng các chất gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Điều trị dạ dày “dục tốc bất đạt”. Vì thế, người bệnh cũng cần kiên nhẫn chữa trị liên tục thì bệnh mới có thể dứt hẳn...

Theo thanhnien.vn

 

Chia sẻ bài viết