Tiếng Việt | English

03/10/2018 - 05:59

Thắm tình anh em

Không cùng quốc tịch, văn hóa, ngôn ngữ, nhưng họ xem nhau như anh em, chẳng ngại giúp đỡ nhau. Đó là những gì mà chúng tôi ghi nhận được từ người dân 2 nước Việt Nam và Campuchia tại các xã biên giới.

Chú Năm (giữa) chia sẻ kinh nghiệm cùng nông dân nước bạn

Hỗ trợ sản xuất

Long An có đường biên giới dài 132,97km, qua các huyện: Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường, tiếp giáp 2 tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, Vương quốc Campuchia. Thu nhập của người dân vùng biên giới chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự gắn bó, đoàn kết cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất mà cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng được cải thiện. 

Về xã biên giới Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa vào những ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp gặp ông Lê Quang Dình mà người dân nơi đây hay gọi một cách trìu mến - chú Năm. Chú Năm chia sẻ: “Hiện nông dân trên địa bàn sản xuất lúa đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều so với trước đây. Đó là nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất”. Do sản xuất giỏi và có thể nói được tiếng Campuchia nên cứ mỗi lần đến mùa vụ, nhiều nông dân nước bạn lại đến gặp chú Năm nhờ giúp đỡ mua phân bón, thuốc trừ sâu, hướng dẫn sản xuất theo phương pháp mới để nâng cao năng suất. Theo chú Năm, nông dân Campuchia chỉ trồng lúa mùa 1 vụ/năm nên giá trị kinh tế không cao và năng suất chỉ đạt từ 3-3,5 tấn/ha, bởi họ thiếu kỹ thuật sản xuất. Để nông dân Campuchia sản xuất theo phương pháp mới, cách tốt nhất là “cầm tay chỉ việc” và “mắt thấy tai nghe”, nghĩa là làm để họ thấy hiệu quả của việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chỉ họ cách sạ theo hàng, tiết kiệm giống, phòng trị dịch hại trên lúa, đưa ra quy trình và kỹ thuật chăm bón khoa học. Thời gian qua, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, năng suất lúa từ 3-4 tấn tăng lên 7-9 tấn/ha.

Ông Nek So Kha (xã ChanhTria, huyện ChanhTria, tỉnh Svay Rieng) vui mừng: “Gia đình tôi có 25 ha đất sản xuất nhưng 1 năm chỉ trồng 1 vụ lúa, năng suất rất thấp. Nhờ được anh em bên này hướng dẫn cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chúng tôi sản xuất đạt 5-6 tấn/ha, có nơi đạt đến 8 tấn/ha. Tất cả là nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật do Việt Nam chuyển giao, nhất là việc sử dụng những sản phẩm phân bón chất lượng cao từ Việt Nam”.

Còn anh Hai Vol, cùng ngụ xã ChanhTria, tâm sự: “Ruộng tôi những năm trước đây chỉ thu hoạch cao lắm 4-5 tấn/ha, nhưng những năm gần đây, được cán bộ kỹ thuật, nông dân Việt Nam hướng dẫn tham gia mô hình trình diễn bằng phương pháp sạ hàng, cách phòng trừ sâu, bệnh và bón phân hợp lý để đạt hiệu quả thì năng suất lúa tăng lên rõ rệt. Vụ vừa qua, gia đình tôi sản xuất đạt năng suất gần 8 tấn/ha, cao gấp đôi so với các vụ trước”.

Nông dân 2 nước cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị

Chị Bùi Thị Giang (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa), người luôn giúp đỡ nông dân nước bạn mua phân, thuốc tại Việt Nam, chia sẻ: “Campuchia vừa là láng giềng, vừa là bạn hữu thân thiết. Chúng tôi luôn xem bạn như anh em và tận tình chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi để nông dân Campuchia có được lợi nhuận trên chính mảnh đất của mình. Phần lớn nông dân Campuchia qua mua phân, thuốc được chúng tôi hỗ trợ mua hộ rồi đến cuối vụ mới thanh toán”.

Tăng cường hợp tác

Theo Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Bình Thạnh - Phạm Khắc Thụ, đường biên giới của địa phương với xã ChanhTria của nước bạn khoảng 9,7km. Nhằm tăng cường mối quan hệ truyền thống, đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân 2 tỉnh, đưa mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả, chúng tôi phối hợp chính quyền địa phương vận động nông dân hỗ trợ người dân nước bạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời hỗ trợ lẫn nhau trong khai thác lợi thế của mỗi bên cùng phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, chúng tôi còn mở ra những đường mòn để nông dân 2 nước thuận lợi qua lại trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất. 

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh - Nguyễn Văn Cương chia sẻ: “Nông dân nước bạn chưa chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả không cao. Trước tình hình trên, địa phương khuyến khích hợp tác sản xuất giữa nông dân 2 nước. Hiện nông dân địa phương không những hướng dẫn kỹ thuật mà còn giúp nông dân nước bạn mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại các đại lý trên địa bàn xã. Thời gian tới, địa phương phối hợp Đồn Biên phòng Bình Thạnh tiếp tục tạo điều kiện để nông dân 2 nước trao đổi kinh nghiệm và thông tin nhằm phát triển lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, nguồn giống chất lượng; bảo vệ và phòng ngừa bệnh trên cây trồng, vật nuôi; phối hợp tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản,...”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết