1. Mùa xuân về, TP.Tân An như khoác lên mình chiếc áo mới, tràn đầy sức sống. Dạo một vòng thành phố, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những con đường với đèn, hoa rực rỡ, cờ đỏ tung bay phấp phới.
Đường hoa xuân TP.Tân An sau ngày khai mạc luôn dập dìu người đến tham quan, chụp ảnh. Đây là địa điểm lý tưởng ghi lại những khoảnh khắc mùa xuân.
Nhiều bạn trẻ tranh thủ đến đây chụp ảnh lưu niệm từ rất sớm, nhiều gia đình cùng nhau đến vui xuân, đi dạo tại đường hoa. Giữa muôn ngàn sắc hoa, những nụ cười của trẻ thơ, những tà áo dài nhiều màu sắc tung bay trong gió tạo nên bức tranh mùa xuân sinh động. Mọi người đều đang náo nức chờ đón giây phút giao thừa!
Đường hoa xuân TP.Tân An được thiết kế bắt mắt là địa điểm lý tưởng ghi lại những khoảnh khắc mùa xuân.
Trong ngày đầu năm mới, đi lễ chùa, hái lộc là nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam nói chung và Long An nói riêng. Từ trẻ nhỏ đến người lớn, ai cũng nô nức đi lễ chùa với mong ước năm mới may mắn, bình an. Các cơ sở thờ tự trên địa bàn TP.Tân An cũng vì thế mà nhộn nhịp, đông đúc hơn hẳn.
Từ trẻ nhỏ đến người lớn, ai cũng nô nức đi lễ chùa với mong ước năm mới may mắn, bình an.
Đâu đó trên phố, tiếng trống múa lân vang lên làm rạo rực lòng người. Theo chân các đoàn lân diễu hành khắp phố là đám trẻ con rồng rắn nói cười. Không khí xuân đang tràn về khắp muôn nơi.
2. Về miền quê Vĩnh Hưng trong những ngày tết thấy đâu đâu, ai ai cũng háo hức chuẩn bị cái tết hoàn hảo và ấm áp nhất.
Mọi người dọn dẹp, trang trí nhà cửa thật đẹp để xua đi cái cũ. Những lá cờ Tổ quốc được treo cao trước cửa mỗi nhà, bay phấp phới giữa bầu trời tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi. Tết nơi đây cũng không thiếu mâm ngũ quả và bình hoa dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên. Bàn thờ nhà nào cũng khói hương nghi ngút và những mâm cỗ đầy, những món ngon mà thường ngày không có.
Ngày tết, trẻ con háo hức, lựa chọn quần áo đẹp nhất, mới nhất để mặc đi chơi và chúc thọ ông bà. Người lớn cũng ăn mặc tươm tất để vui xuân. Mọi người đi hết nhà này sang nhà khác chúc tết và uống với nhau vài ly rượu, trà đầu năm. Tết miền quê là vậy, nhộn nhịp, ấm áp trong cái tình làng nghĩa xóm.
Chợ hoa tết cũng tràn ngập về khắp miền quê.
Chị Nguyễn Thị Nhiễn, ngụ xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng chia sẻ: “Ngày tết thực sự là những ngày đáng nhớ nhất trong năm. Đó không chỉ là ngày bắt đầu một năm mới mà còn là ngày gia đình đoàn tụ, sum vầy. Trong những ngày này, khóc lóc hay giận dữ là một trong những điều kiêng kị, vì sẽ xui xẻo cả năm. Vì thế, ngày tết ở quê tôi đâu đâu cũng thấy những tiếng cười nói vui vẻ. Mọi người cùng kể nhau nghe chuyện làm ăn, gia đình, học hành của con cái và lời chúc phúc cho nhau một năm mới an lành, thịnh vượng, phát tài phát lộc”.
3. Còn ở huyện Châu Thành, mùa xuân "chạm ngõ" bằng những nhánh mai vàng, những chậu hoa vạn thọ được sắp bày trước sân, ngoài ngõ. Đâu đó trong cái nắng hanh vàng, tiếng trống lân rộn ràng thúc giục đem đến niềm vui không chỉ cho gia chủ mà cả những người xung quanh.
Múa lân trở thành biểu tượng cho sự ấm no, sung túc trong năm mới nên ngày mùng 1 tết nhiều gia đình mời đội lân đến nhà cầu điều may mắn.
Năm mới là dịp gia đình quây quần, sum vầy cùng nhau, nhất là ngày mùng 1 tết. Bà Nguyễn Ngọc Lan Thanh, ngụ xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành cho biết, mùng 1 tết là dịp tất cả mọi thành viên trong gia đình bà quây quần lại với nhau, cùng ăn mâm cơm sum họp và trò chuyện đầu năm. Bà nói: "Gia đình tôi họp mặt vào mùng 1, nhưng thường là cuối ngày vì còn dành thời gian cho anh, chị, em trong nhà đi tết nội, ngoại. Ngày đầu năm mới được ngồi lại cùng nhau đầy đủ thì còn gì hạnh phúc cho bằng!"
Sum họp gia đình là nét đẹp ngày tết
Chính vì thế, mùng 1 tết thường là ngày sum họp gia đình, các bạn trẻ hay những gia đình có kế hoạch du xuân cũng sắp xếp xuất hành sau ngày mùng 1.
Vậy đó, tết là truyền thống, linh hồn dân tộc nên là người Việt, dù ở bất cứ đâu khi đến tết cũng rộn ràng đón tết theo những cách của riêng mình!
Ngọc Mận - Phương Phương - Huỳnh Hương