Tết nơi đất khách
Dù ở bất cứ nơi đâu thì người Việt vẫn nhớ và cố gắng giữ cho mình ngày Tết Cổ truyền như một cách hướng về quê hương, đất nước. Ðón Tết nơi xứ người, người Việt an ủi, động viên nhau tiếp tục nỗ lực, phấn đấu xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn nơi đất khách. Dù nhiều hay ít người, dù chỉ là một bữa tiệc nhỏ đơn sơ nhưng ngày tết vẫn được tổ chức hàng năm theo lịch âm, đó là những gì mà những kiều bào chúng tôi được gặp đều quả quyết.
Trong ký ức bà Nguyễn Ngọc Hân - Việt kiều Thụy Điển (gia đình ở huyện Châu Thành), tết là dịp cộng đồng người Việt nơi bà sống ở Thụy Điển tổ chức một bữa tiệc nhỏ cùng nhau. Bà Hân kể: “Tết bên này được tổ chức nhỏ gọn nhưng ấm cúng. Các chị em cũng mặc áo dài, trang trí cành mai, tất nhiên là giả! Nếu tết ngay dịp cuối tuần thì sẽ đông vui hơn. Mọi người quây quần bên bữa cơm đầm ấm và hát nhau nghe”. Đó là những gì mà “người ở lại” tổ chức cho nhau để vơi nỗi nhớ nhà, còn bà Hân, từ nhiều năm nay, cứ dịp tết, bà lại sắp xếp công việc, trở về Việt Nam ăn tết. Bởi, với bà, không có cái tết nào bằng tết của quê hương. Bà Hân tâm sự: “Khi tôi đang ở đây thì trên mạng xã hội, bạn bè tôi ở Thụy Điển đăng nhiều hình ảnh đón tết, họ cũng mặc áo dài và họp mặt cùng nhau. Nhưng ở đó chắc chắn không có không khí như tết ở Việt Nam mình!”. Có cùng nhận định như bà Hân, anh Tuấn - Việt kiều Mỹ (gia đình tại huyện Cần Đước), kể về tết trên đất Mỹ: “Bên Mỹ, người Việt cũng theo lịch âm mà ăn tết. Vào dịp tết, mọi người thường tổ chức tiệc để ngồi lại với nhau. Nhưng nếu đêm giao thừa trùng vào dịp cuối tuần thì mọi người tụ họp đông đủ, còn ngay ngày làm việc thì cũng vắng người. Thường mọi người hay dời tới cuối tuần để cùng họp mặt. Tuy nhiên, tết nơi đất khách không trọn vẹn như ở quê mình!”. Và chính vì cảm nhận đó mà mỗi năm, từ dạo tháng 11 âm lịch, anh Tuấn sắp xếp công việc, về quê đón tết.
Ấm áp tết quê nhà!
Anh Tuấn luôn tự ví mình như một người Việt đi làm ăn xa, đến tết lại về nhà. Bởi, dải đất hình chữ S này là nơi chôn nhau cắt rốn, cũng là nơi có người chờ đợi, yêu thương anh. Anh Tuấn hóm hỉnh: “Nhiều khi những người làm việc tại Việt Nam còn về ăn tết sau tôi đấy! Tới ngày 29 tháng Chạp, họ mới về, còn tôi đã về trước rồi!”. Tiếng cười của anh như làm ấm cả căn nhà. Dù đang sống và làm việc tại Mỹ nhưng anh Tuấn vẫn để gia đình, vợ, con ở lại Việt Nam vì anh có kế hoạch về sống tại quê nhà. Anh Tuấn chia sẻ: “Sẽ có nhiều người muốn đưa gia đình sang Mỹ nhưng tôi lại muốn về lại Việt Nam. Mỗi người có một lựa chọn của riêng mình. Với tôi, đây là nhà, và khi về nhà là tôi chỉ muốn được ở mãi lại nhà để nghỉ ngơi sau khoảng thời gian bôn ba, vất vả”. Mang nặng nghĩa tình với quê hương nên lần nào về lại Việt Nam, anh Tuấn cũng cố gắng san sẻ những nhọc nhằn với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nói về câu chuyện đó, anh kể nhẹ tênh: “Thì mình làm ăn được, mình chia sẻ và giúp đỡ người gặp khó khăn, cũng là một cách làm gương cho các con”.
Sau bao năm xa xứ, ông Dương Minh Quang vẫn khát khao hương vị quê nhà, muốn được về bên vòng tay gia đình, khoanh tay mừng tuổi mẹ
Cũng là người dành nhiều tâm sức cho việc giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam, ông Dương Minh Quang - Việt kiều Mỹ (gia đình ở TP.Tân An), bày tỏ: “Tôi định cư ở Mỹ nhiều năm, xem đó như quê hương thứ 2 của mình nhưng vẫn không sao bằng ở quê mình. Ở đây, tôi thấy cái gì cũng gần gũi, thân thuộc. Tình thân bao nhiêu năm không hề phai nhạt!”. Ông Quang kể, ông thích được đắm mình trong cảm giác “bước ra cửa là gặp người thân”. Mỗi sáng, người con xa xứ ấy có thể ngồi bên hiên nhà uống tách cà phê vừa chào hỏi, đáp lời người quen, hàng xóm. Và vì muốn được sống trong cảm giác tình thân ấy mà năm nào ông cũng sắp xếp về quê ăn tết. Bởi sau bao năm xa xứ, ông vẫn khát khao hương vị quê nhà, muốn được về bên vòng tay gia đình, khoanh tay chúc mẹ tuổi mới an khang, sức khỏe. Chính sợi dây tình cảm ấy khiến người đàn ông xa xứ đau đáu nỗi nhớ quê nhà, luôn muốn trở về và sẻ chia, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Quê hương, nơi mình được sinh ra luôn là nơi lưu giữ những điều thiêng liêng khó lòng lý giải, chỉ biết rằng, với những Việt kiều xa xứ, tết quê nhà vẫn luôn là dịp mong được trở về!
P.Phương