Tiếng Việt | English

17/06/2021 - 10:22

Tất cả vì những mầm xanh tương lai của đất nước

Trẻ em là tương lai của đất nước, hạnh phúc của mỗi gia đình, lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xác định được vấn đề này, thời gian qua, tỉnh Long An có nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và biên giới. Qua đó, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, góp phần bồi dưỡng, đào tạo những chủ nhân tương lai của đất nước vừa hồng, vừa chuyên.

Bài 3: Góp phần cho niềm vui, sự tử tế được lan tỏa

Tình yêu thương, sẻ chia của các cấp, các ngành và toàn xã hội dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã góp phần làm cho niềm vui, sự tử tế được lan tỏa trong cuộc sống.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây đến thăm gia đình em Lê Nguyễn Cát Tường

“Trái ngọt” từ tình yêu thương

Trong một ngày tháng 6, chúng tôi theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (ĐBP) Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) đến thăm gia đình em Lê Nguyễn Cát Tường. Nhìn hình ảnh hồn nhiên vui đùa và câu nói “thưa cha mới về", ít ai biết rằng, em Cát Tường có hoàn cảnh hết sức đáng thương.

Ông ngoại Cát Tường kể: “Cha mẹ Cát Tường mất khi cháu được vài tháng tuổi trong một tai nạn giao thông. Cháu được vợ chồng tôi chăm sóc nhưng cuộc sống luôn “thiếu trước, hụt sau”. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình, ĐBP Mỹ Quý Tây nhận Cát Tường làm con nuôi và hỗ trợ 500.000 đồng/tháng; đồng thời, thường xuyên đến giúp đỡ, động viên gia đình. Nhờ có mấy chú bộ đội biên phòng mà Cát Tường cảm nhận được tình thân của người cha, không còn mặc cảm với bạn bè cùng trang lứa”.

Được biết, công việc dù có bận rộn nhưng cán bộ, chiến sĩ ĐBP Mỹ Quý Tây sắp xếp ổn thỏa để đưa, đón Cát Tường đi học. Hơn hết, mỗi khi các “cha” mang quân hàm xanh có thời gian nhiều sẽ đưa Cát Tường vào đơn vị để dạy học, rèn luyện tính cương trực, bản lĩnh, tác phong như người lính. Cát Tường vui vẻ nói: “Con không chỉ có một người cha mà có rất nhiều người cha luôn quan tâm, yêu thương bằng nhiều cách. Và chính những người cha này tiếp thêm động lực, niềm tin để con cố gắng phấn đấu trở thành một người có ích cho quê hương, đất nước sau này”.

Từ nhỏ, em Võ Thị Ny (Việt kiều ngụ xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng) không được đến trường, sống trong môi trường giáo dục không lành mạnh phần nào hình thành nên tính cách ngang bướng, nói chuyện chưa có văn hóa, thậm chí hay chửi thề. Song, từ khi tham gia lớp học tình thương của ĐBP Tuyên Bình, Ny nhận thức được lời nào nên nói và không nên nói; đồng thời, không còn những hành vi thiếu văn hóa với nhiều người xung quanh.

Ny nói: “Cha mẹ lo mưu sinh nên ít có thời gian dạy dỗ em. 12 tuổi, em còn chưa biết đi học là gì, suốt ngày cùng mấy đứa bạn trong xóm đi bán vé số kiếm sống. Từ khi tham gia lớp học tình thương, em và các bạn ngoan ngoãn, lễ phép hơn nhiều, không còn thô lỗ hay chửi bất cứ ai nếu cảm thấy không thích”.

Có thể thấy, chính trái tim yêu thương, sẻ chia của nhiều người góp phần thay đổi hoàn cảnh, nhận thức của nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Và chính những điều này góp phần cho cái đẹp, sự tử tế được lan tỏa trong cuộc sống.

Trẻ em là đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc

Tiếp tục nỗ lực

Bên cạnh kết quả đã đạt, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như sân chơi cho trẻ em còn thiếu hoặc chỉ mang tính hình thức; số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn nhiều, với trên 3.000 trẻ (136 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; 168 trẻ em bị bỏ rơi; 9 trẻ em không nơi nương tựa; gần 2.500 trẻ em khuyết tật; 11 trẻ em nhiễm HIV/AIDS; 114 trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo); trẻ em đuối nước, bị tai nạn, thương tích ngày càng tăng,… Ngoài ra, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến việc vui chơi, giải trí của trẻ em trong khi mùa hè đã đến.

Phụ huynh em Nguyễn Thị Mai Xuân, ngụ xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, trải lòng: “Trước đây, cuối tuần, vợ chồng tôi sẽ chở hai cháu đi công viên hoặc siêu thị. Còn từ khi dịch bệnh đến giờ, con tôi chỉ ở nhà với bà ngoại, xem tivi. Vợ chồng tôi ở trọ nên khoảng không gian dành cho bé vui chơi cũng hạn chế. Giờ thấy con gái không chơi, không giao tiếp với ai, vợ chồng tôi sợ nó bị bệnh trầm cảm”.

Trước thực trạng trên, đòi hỏi các cấp, các ngành cần có giải pháp căn cơ, thiết thực trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai cho biết: “6 tháng đầu năm 2021, tỉnh kịp thời tổ chức triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng tâm về bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Tổ chức Tết Nguyên đán cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức trao quà và học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhân Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021. Qua đó, giúp 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc dưới mọi hình thức; 100% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được nuôi dưỡng và hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng, được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí tại cơ sở y tế công lập. Song, khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều hoạt động của ngành tạm thời ngưng thực hiện, trong đó có việc xây dựng sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em. Đây là tình hình chung của cả nước, không riêng gì Long An, thế nhưng ngành cũng chủ động đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp, các ngành, xã hội và gia đình quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ nhiều hơn; tiếp tục triển khai Luật Trẻ em và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật, đặc biệt là các nội dung mới của Luật Trẻ em; vận động kêu gọi xã hội hóa quan tâm, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; duy trì và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo ở các cấp, các ngành trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em,…"./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết