Bài 2: Xã hội hóa chăm lo cho trẻ em
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động cùng với tình yêu thương, sẻ chia, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh luôn tích cực chung tay cùng chính quyền địa phương chăm lo, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và biên giới.
Con em người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam tham gia lớp học tình thương của Đồn Biên phòng Tuyên Bình
Những lớp học đặc biệt
Gọi là lớp học đặc biệt, bởi tất cả các lớp học được chúng tôi kể sau đây hoàn toàn không thu bất cứ một khoản học phí nào mà người học còn được truyền dạy con chữ bằng tất cả tấm lòng, sự yêu thương, quan tâm của những người chẳng phải “máu mủ ruột rà”. Đó là lớp học tình thương nơi biên cương của Đồn Biên phòng Tuyên Bình (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng) dành cho con em người Việt Nam di dân tự do từ Campuchia trở về.
Thầy Tô Văn Nhanh (giáo viên chuyên trách phổ cập, xóa mù chữ Trường Tiểu học (TH) &THCS Tuyên Bình) kể: “Năm 2014, thấy số lượng con em của người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam ngày càng nhiều nhưng do kinh tế gia đình khó khăn, đồng thời các em không được giáo dục từ nhỏ nên hành vi, cử chỉ chưa có văn hóa, thậm chí có một số em còn trộm cắp ở địa phương. Trước vấn đề này, xã yêu cầu Trường TH Tuyên Bình (nay là TH&THCS Tuyên Bình) thành lập lớp học tình thương để vừa dạy chữ, vừa dạy văn hóa cho các em. Ban đầu, lớp học do các thầy, cô giáo Trường TH Tuyên Bình đứng lớp vào lúc 18 giờ 30 phút, với 10 em tham gia. Chia sẻ với khó khăn của thầy, cô giáo nơi đây, Đồn Biên phòng Tuyên Bình phân công lực lượng cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đứng lớp, đến nay lớp học có 53 em”.
“Tiếng lành đồn xa”, lớp học tình thương Tuyên Bình được nhiều người biết đến nên thường xuyên gửi các phần quà như dụng cụ học tập, quần áo, bánh kẹo,… cho các em học sinh đặc biệt nơi đây. Phụ huynh em Nguyễn Văn Bé (xã Tuyên Bình) chia sẻ: “Tôi về Việt Nam cũng được mấy năm. Về đây, vợ chồng tôi sống bằng nghề làm thuê, còn hai đứa con cho đi bán vé số. Nhiều lúc cũng muốn cho hai đứa nhỏ đi học để biết chữ nhưng không có giấy tờ thì không thể đi học được. May mắn được mấy chú bộ đội tạo điều kiện cho con tôi học lớp học tình thương. Nhờ vậy, hiện nay con tôi đã biết viết, biết đọc”.
Rời xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, chúng tôi tiếp tục đến thăm Trường TH-THCS-THPT Bồ Đề Phương Duy (huyện Thủ Thừa). Được biết, đây là ngôi trường tư thục đầu tiên và duy nhất trong cả nước không thu bất cứ một khoản chi phí nào. Những học sinh ở đây cũng rất đặc biệt, bởi có em tận miền Bắc, miền Trung xa xôi có hoàn cảnh rất đáng thương, gia đình không đủ khả năng để nuôi dưỡng nên vào Trường TH-THCS-THPT Bồ Đề Phương Duy nương tựa và tìm con chữ. Ở đây, các em được cho đi học, chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ.
Thượng tọa Thích Quảng Tâm (đại diện Trường TH-THCS-THPT Bồ Đề Phương Duy) trải lòng: “Đảng và Nhà nước dù có nhiều chính sách chăm lo cho trẻ em nhưng nguồn lực có hạn. Do đó, mục đích tôi thành lập và duy trì hoạt động của Trường TH-THCS-THPT Bồ Đề Phương Duy là vừa muốn chia sẻ gánh nặng với Đảng và Nhà nước, vừa muốn chăm lo cho những mảnh đời
bất hạnh trong cuộc sống. Điều tôi tự hào nhất hiện nay là có nhiều em đang học đại học ở các trường trên TP.HCM, nhiều em đã có sự nghiệp vững vàng”.
Lớp học tình thương hay Trường TH-THCS-THPT Bồ Đề Phương Duy chỉ là 2 trong rất nhiều lớp học đặc biệt trên địa bàn tỉnh, góp phần đem con chữ đến với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống.
Đoàn Thanh niên xã Nhơn Ninh có nhiều mô hình quan tâm, chăm sóc trẻ em (Ảnh tư liệu)
Chung tay chăm lo trẻ em nghèo
Không cần phải có kinh phí, chỉ cần có tâm huyết, trách nhiệm thì việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho trẻ em có được môi trường sống an toàn và lành mạnh là điều rất dễ dàng, ai cũng làm được. Đây chính là quan niệm, cách làm, cách nghĩ của Bí thư Đoàn xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh - Võ Tiền Phong.
Với cách làm, cách nghĩ này, anh Phong có nhiều mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em như Siêu thị măng non, Bữa sáng 1.000 đồng, Chiếc áo mùa xuân, Sân chơi bằng đồ tái chế,… Anh Phong cho biết: “Nhơn Ninh là xã thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc xã hội hóa chăm lo cho trẻ em cũng khó. Vì vậy, Đoàn Thanh niên xã huy động sức trẻ làm các mô hình, góp phần giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em nông thôn”.
Không riêng Đoàn xã Nhơn Ninh có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em mà Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh cũng có nhiều cách làm tương tự. Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Bình luôn duy trì thực hiện mô hình Cùng em đến trường. Hình thức thực hiện mô hình là vận động những nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ quà, học bổng, quần áo cho học sinh nghèo hiếu học hoặc nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến khi trưởng thành.
Em Nguyễn Thị Hồng Đoan, ngụ xã Tân Bình, nghẹn ngào nói: “Hai chị em mồ côi mẹ, một mình cha “gà trống nuôi con” nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều lần em có ý định nghỉ học để gia đình bớt khó khăn nhưng may mắn được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã vận động một công ty hỗ trợ em mỗi năm 10 triệu đồng. Số tiền này rất lớn và đầy ý nghĩa với gia đình, giúp em có điều kiện được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa”.
Xã hội phát triển, nhiều người bị cuốn vào guồng quay của "cơm áo gạo tiền", thế nhưng tình yêu thương, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vẫn không dừng lại. Và chính những trái tim nhân ái, góp phần cho cái đẹp, sự tử tế được lan tỏa trong cuộc sống./.
(còn tiếp)
Bài 3: Góp phần cho niềm vui, sự tử tế được lan tỏa
Lê Ngọc