Tiếng Việt | English

15/01/2019 - 10:36

Tập trung phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Ngành chức năng tỉnh Long An đang tập trung phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới nhằm tránh thiệt hại về kinh tế cho người dân.

Phun thuốc sát trùng để vệ sinh, tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi, công cộng

Cúm gia cầm được khống chế

Vừa qua, tại xã Long Sơn, huyện Cần Đước, xuất hiện ổ dịch cúm GC A/H5N1. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, ngành chức năng phối hợp địa phương công bố dịch bệnh và triển khai các giải pháp khống chế, dập dịch, tránh lây lan diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Bé, ngụ ấp 5, xã Long Sơn, quan ngại: “Xã xuất hiện dịch cúm A/H5N1 trên GC nên người chăn nuôi lo lắng, sợ ảnh hưởng đến đàn GC của mình. Sau khi địa phương giải thích, triển khai các biện pháp khống chế dịch, chúng tôi mới an tâm phần nào. Toàn bộ đàn vịt khoảng 300 con của tôi được tiêm phòng vắc-xin cúm A/H5N1”.

Chủ tịch UBND xã Long Sơn - Bùi Thanh Sơn cho biết: “Ngay khi xảy ra dịch bệnh, xã tích cực phối hợp ngành chức năng huyện, tỉnh tiêu hủy toàn bộ đàn GC nhiễm bệnh, phun thuốc sát trùng để vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng trong vùng xảy ra ổ dịch; triển khai công tác tiêm phòng bắt buộc vắc-xin cúm GC trên địa bàn (hiện nay đã tổ chức tiêm xong); thành lập ban chỉ đạo, chốt kiểm dịch động vật (có cán bộ trực 24/24 để kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật theo quy định). Xã tiếp tục phối hợp cấp trên theo dõi, báo cáo tình hình, kịp thời xử lý, tránh thiệt hại cho người dân”.

Triển khai tiêm phòng vắc-xin để bảo vệ đàn gia cầm (Ảnh chụp tại xã Long Sơn, huyện Cần Đước)

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Phan Văn Tưởng, hiện nay, địa phương cơ bản khống chế dịch cúm A/H5N1 trên địa bàn xã Long Sơn, không để lây lan ra diện rộng. Huyện đang triển khai tiêm phòng vắc-xin cúm GC trên toàn địa bàn; tiếp tục kiểm tra, giám sát, phối hợp ngành chức năng tỉnh theo dõi tình hình, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có). Huyện tuyên truyền, vận động người dân an tâm chăn nuôi, chủ động phối hợp ngành chuyên môn nếu có nghi ngờ về dịch bệnh. Địa phương có kế hoạch tổ chức kiểm tra, giải pháp phù hợp, tránh xảy ra tình trạng ép giá, ảnh hưởng lợi ích của người dân. Hiện nay, toàn huyện có hơn 23.000 con GS, hơn 1 triệu con GC.

Tập trung hơn nữa

Hiện nay, ngành chức năng và địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thông tin, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên GSGC; đồng thời, tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến động vật, tổ chức tiêm phòng vắc-xin theo đợt như kế hoạch đề ra.

Tại huyện Tân Hưng, công tác phòng, chống dịch bệnh trên GSGC được phòng, ban huyện tập trung, thực hiện nghiêm túc. Ngoài chương tình tiêm phòng vắc-xin miễn phí (hộ chăn nuôi, đối tượng theo quy định) theo đợt, huyện còn vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc-xin bắt buộc cho đàn GSGC. Bên cạnh đó, huyện còn triển khai thực hiện phun thuốc sát trùng tại khu vực chăn nuôi theo quy định, khuyến cáo người dân chủ động phối hợp địa phương trong việc phòng, chống dịch bệnh. Ông Trần Văn Hùng, ngụ xã Hưng Điền B, chia sẻ: “Gia đình tôi luôn có ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn GSGC. Nếu không thực hiện tốt, xảy ra dịch bệnh thì thiệt hại về kinh tế rất lớn. Ngoài việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và tiêm phòng vắc-xin định kỳ, gia đình tôi còn nhờ cán bộ thú y hướng dẫn cách chủ động phòng, chống dịch bệnh. Chúng tôi ở địa bàn biên giới nên phải chủ động phòng, chống dịch bệnh cho GSGC. Hiện nay, gia đình tôi nuôi 30 con heo, 10 con trâu và gần 1.000 con gà”.

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài cho biết: “Hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn nâng cao ý thức, chủ động và tích cực phối hợp ngành chức năng phòng, chống dịch bệnh trên GSGC. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác này để bảo vệ đàn GSGC, người dân an tâm chăn nuôi, phát triển kinh tế”.

Người dân chủ động tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng cho gia súc

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh thông tin: “Công tác phòng, chống dịch bệnh trên GSGC luôn được ngành quan tâm hàng đầu. Ngoài những đợt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng theo đợt, ngành còn triển khai nhiều chương trình khác: Tiêm phòng bắt buộc vùng nguy cơ, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP, an toàn, chủ động phối hợp ngành chức năng nếu có nghi ngờ xảy ra dịch bệnh,... Dịp cuối năm, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn GSGC, tránh thiệt hại đến kinh tế của người dân. Đồng thời, ngành tăng cường lực lượng để kiểm tra, giám sát quá trình vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, các cơ sở giết mổ, bảo đảm an toàn thực phẩm trước khi ra thị trường theo quy định”.

“Sau khi phát hiện ổ dịch cúm A/H5N1 xảy ra tại xã Long Sơn, huyện Cần Đước, ngành chủ động lấy mẫu xét nghiệm, phối hợp Thú y vùng VI, địa phương triển khai nhanh chóng công tác khống chế, dập dịch. Đến nay, dịch cúm đã được khống chế, không lây lan ra diện rộng, giảm thiệt hại về kinh tế cho người dân. Ngành đang phối hợp địa phương rà soát cụ thể từng trường hợp để có giải pháp, hướng hỗ trợ phù hợp cho người dân theo quy định” - bà Đinh Thị Phương Khanh thông tin thêm./.

Ngày 05/01/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh ký Văn bản số 34/UBND-KT về việc tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Nội dung chủ yếu, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các địa phương, sở, ban, ngành liên quan, cơ quan báo, đài căn cứ theo vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị để thực hiện. Bên cạnh đó, các đơn vị này phải chủ động phối hợp, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh; tăng cường giám sát, phát hiện các ổ dịch để dập dịch kịp thời, không để lây lan; tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật, kiểm tra chặt chẽ việc giết mổ không đúng quy định, gia súc, gia cầm nhập vào tỉnh; rà soát, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng theo quy định và bắt buộc.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết