Tiếng Việt | English

26/03/2019 - 17:27

Tập trung mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, tăng liên kết vùng - Bài 2: Kết nối giao thông thủy - bộ để phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười

Long An là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lại có vị trí là “cửa ngõ” của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kết nối với TP.HCM và miền Đông nên những năm qua, Long An luôn tập trung các nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông để làm “cầu nối’ giữa các tỉnh miền Tây với TP.HCM và miền Đông, nhất là việc phát triển giao thông để tăng liên kết vùng.

Tuy nhiên, dù có sự đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhưng thực tế, hạ tầng giao thông của Long An vẫn còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển KT-XH chung của tỉnh...

Một con đường ở vùng Đồng Tháp được xây dựng hoàn chỉnh, nhưng chưa kết nối vùng nên thường xuyên "bị ế" xe lưu thông

Hiện nay, giao thông ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) của tỉnh cơ bản thông suốt một số tuyến về giao thông bộ cũng như giao thông thủy, nhưng thực tế vẫn còn một số đoạn, tuyến chưa đồng bộ, chưa thống nhất về quy mô cũng như tải trọng thiết kế và một số đoạn, tuyến chưa được đầu tư nên gây cản trở trong quá trình vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển trong khu vực vùng ĐTM. Nếu giải quyết được những khúc mắc này sẽ đem lại sự phát triển cho tiểu vùng ĐTM và các địa phương lân cận.

Có thể nói, giao thông - vận tải (GTVT) là một trong những yếu tố tiên quyết cho sự phát triển kinh tế của một vùng hay một địa phương. Đồng quan điểm với nhận định này, Phó Giám đốc Sở GTVT - Đặng Hoàng Tuấn cho rằng: “Để các địa phương vùng ĐTM phát triển và phát triển một cách bền vững, đòi hỏi phải đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông (thủy - bộ), nhất là các trục kết nối trong vùng cần được ưu tiên đầu tư, bảo đảm tính thông suốt của các tuyến kết nối, để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Như đường bộ, Quốc lộ (QL) 62 (dài 74km, nền đường 9m, mặt đường rộng 7m) chạy dọc xuyên qua 5 huyện phía Bắc của tỉnh Long An, là trục dọc xuyên suốt, tạo điều kiện kết nối ngang với tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang.

Hiện nay, Chính phủ giao Bộ GTVT cùng các ngành liên quan nghiên cứu dự án đầu tư mở rộng QL62 (hiện Bộ GTVT ghi vốn năm 2019 cho nâng cấp gia cố lề QL62, đoạn từ cầu vượt cao tốc đến ngã ba Thạnh Hóa giao tuyến QLN2 và đoạn từ ngã ba Thạnh Hóa đến ngã ba Tân Thạnh, mỗi bên gia cố (mở rộng) 1m, nâng mặt đường hiện hữu từ 6m lên 8m). Khi tuyến QL62 được đầu tư mở rộng, chắc chắn tạo động lực kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển các tiềm năng của tiểu vùng ĐTM về nông nghiệp, công nghiệp và thương mại - dịch vụ trong thời gian không xa.

Hiện nay, Sở GTVT cũng đề xuất với UBND tỉnh cho đầu tư nâng cấp Đường tỉnh (ĐT) 836B, kết nối từ Bến Kè (trên QL62, thuộc địa bàn huyện Thạnh Hóa) sang ĐT867 thuộc huyện Tân Phước (Tiền Giang), kết nối với QL1 qua địa bàn huyện Cai Lậy. Hiện đường trải đá đỏ, rộng 4m, nếu được nâng cấp lên 6m, trải nhựa, sẽ góp phần đáng kể giải quyết nạn kẹt xe từ hướng Long An qua Tiền Giang và ngược lại.

Ngoài ra, ĐT829 (huyện Tân Thạnh - Long An) kết nối với ĐT868 (thị xã Cai Lậy - Tiền Giang). Đoạn đường này dài 10,18km (nền đường 9m, mặt rộng 7m, láng nhựa), là trục ngang khá quan trọng kết nối thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) với huyện Tân Thạnh (Long An), giúp giảm áp lực vận tải hàng hóa theo QL1 bằng cách các phương tiện đi vào tuyến đường này từ thị xã Cai Lậy để về QLN2 rồi về TP.HCM. Đó là chưa kể ĐT834B (huyện Thủ Thừa) kết nối với ĐT866 của Tiền Giang và kết nối với ĐT846 của Đồng Tháp.

Các tuyến ĐT này được 3 tỉnh thống nhất đề nghị Bộ GTVT cho nâng cấp thành tuyến QL phục vụ phát triển kinh tế cho tiểu vùng ĐTM. Ngoài ra, còn có kết nối ĐT837 (huyện Tân Thạnh) với ĐT844 của huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Đặc biệt là kết nối ĐT831 từ huyện Vĩnh Hưng, qua Tân Hưng rồi kết nối với ĐT842 của huyện Tân Hồng (Đồng Tháp). Đây là tuyến kết nối QL30 trên địa bàn Đồng Tháp với QL62 (Long An), tuyến đường phục vụ giao thương chính giữa các huyện phía Bắc của 2 tỉnh Long An và Đồng Tháp.

Bên cạnh kết nối giao thông bộ, các tuyến đường thủy cũng được quan tâm kết nối và đã hình thành các tuyến giao thông thủy kết nối giữa Long An với Đồng Tháp. Như tuyến Tân Thành - Lò Gạch, Hồng Ngự - Vàm Cỏ Tây, tuyến Tháp Mười số 1, tuyến Tháp Mười số 2, kênh Dương Văn Dương, kênh 79,... và kết nối Long An với Tiền Giang qua kênh 12, kênh Quận, kênh Nguyễn Văn Tiếp nối với kênh Rạch Chanh qua âu tàu Rạch Chanh ra sông Vàm Cỏ Tây,...

Nhưng nhìn chung, các tuyến đường thủy - bộ trong tiểu vùng ĐTM tuy được kết nối nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Như hầu hết các tuyến đường kết nối chưa đạt cấp đường và tải trọng cầu, thông suốt trên toàn tuyến nên còn hạn chế trong kết nối vùng. Hệ thống giao thông thủy tuy bảo đảm tính kết nối giữa các địa phương trong vùng nhưng thời gian qua, việc đầu tư, bảo trì hệ thống giao thông thủy chưa được quan tâm đúng mức nên việc phát triển giao thông thủy chưa phát triển đúng với tiềm năng vốn có, thế mạnh của vùng ĐBSCL, đã gây áp lực lớn lên vận tải đường bộ. Do đó, để phát triển một cách bền vững trong tiểu vùng, cần có sự phối hợp của các địa phương.

Đối với đường bộ thì các trục kết nối cần được đưa theo danh mục ưu tiên đầu tư, bảo đảm tính thông suốt của các tuyến kết nối, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Còn đường thủy thì cần quan tâm việc nạo vét luồng chạy tàu, các bến xếp dỡ hàng hóa,... để giảm áp lực vận tải đường bộ. Các hàng hóa có tải trọng lớn, không cần thời gian vận chuyển gấp thì ưu tiên vận chuyển theo đường thủy, sẽ góp phần giảm giá thành vận chuyển, đồng thời giảm áp lực vận tải đường bộ, sẽ hạn chế sự xuống cấp của hệ thống cầu, đường.

Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống logistics (tức là lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa) hầu như chưa hình thành, mới chỉ là các khu kho bãi của các đại lý với quy mô nhỏ, lẻ, công nghệ bốc xếp, quản lý khai thác đơn giản. Do đó, cần kêu gọi đầu tư hệ thống logistics, phối hợp trong bố trí theo không gian tiểu vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế của cả tiểu vùng./.

Kiến Văn

Chia sẻ bài viết