Tiếng Việt | English

19/03/2018 - 14:06

Tập trung chống sâu năn

Nhiều nông dân các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười ( tỉnh Long An) tập trung chống sâu năn hoành hành trên lúa Đông Xuân 2017-2018 với hy vọng lấy lại được một phần chi phí sản xuất bỏ ra.

Trở tay không kịp

Vụ lúa Đông Xuân 2017-2018 được đánh giá là thuận lợi, được mùa, trúng giá. Tuy nhiên, nhiều nông dân các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười chưa kịp vui mừng thì lại đứng trước nguy cơ thua lỗ do sâu năn hoành hành.

“Trước Tết Nguyên đán, thấy lúa phát triển, tôi rất mừng vì cho rằng, vụ này trúng mùa. Giá lúa thương lái đưa ra khá cao nên tôi nhận tiền cọc. Mấy ngày nay ra thăm đồng, tôi bàng hoàng khi thấy 16ha lúa của gia đình nhiễm sâu năn nặng (trên 70%). Chi phí sản xuất khoảng 15 triệu đồng/ha coi như khó lấy lại được. Hơn nữa, tiền cọc cũng nhận rồi, không biết lấy lúa ở đâu để bán cho thương lái!” - ông Nguyễn Văn Cải, ngụ ấp Cả Gừa, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, buồn bã nói.

Nông dân xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường buồn bã chứng kiến lúa bị nhiễm sâu năn

Ngoài thị xã Kiến Tường, huyện Tân Hưng có hơn 7.000ha lúa nhiễm sâu năn với tỷ lệ khác nhau. Ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng than thở: “Sâu năn phát triển nhanh quá nên chúng tôi trở tay không kịp. Toàn bộ 8ha lúa Đông Xuân của gia đình tôi bị ảnh hưởng, trong đó, khoảng 3ha coi như mất trắng vì nhiễm trên 70%, số còn lại nhiễm từ 30-70%. Gia đình tôi tích cực chăm sóc với hy vọng lấy lại một phần chi phí bỏ ra”.

Quyền Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Hoàng Văn Sinh thông tin: “Huyện thành lập Tổ Điều tra đến từng xã, ấp thống kê, nắm bắt tình hình để có giải pháp hướng dẫn người dân. Đối với diện tích nhiễm dưới 70%, huyện vận động người dân tích cực bón phân, chăm sóc lúa và phối hợp địa phương để chủ động chống sâu năn. Theo ghi nhận, lúa bị nhiễm sâu năn là do người dân gieo sạ trễ lịch thời vụ. Xã Vĩnh Lợi là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất. Những vụ sau, huyện chủ động tuyên truyền, vận động người dân gieo sạ đúng lịch khuyến cáo, đồng thời kiến nghị cấp trên hỗ trợ đắp đê bao ở những vùng chưa có để người dân an tâm sản xuất”.

Tương tự, huyện Vĩnh Hưng cũng có nhiều diện tích lúa Đông Xuân 2017-2018 nhiễm sâu năn với mức độ ảnh hưởng khác nhau. “Huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan cùng nông dân tập trung phòng, chống; ghi nhận số diện tích bị ảnh hưởng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời và rút ra bài học kinh nghiệm để tình trạng này không tái diễn trong những vụ lúa sau” - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trương Văn Điệp nhấn mạnh.

Phải gieo sạ theo lịch

Tại thị xã Kiến Tường, diện tích lúa ở các địa phương đều nhiễm sâu năn, trừ xã Thạnh Trị. Vụ Đông Xuân 2017-2018, toàn thị xã gieo sạ gần 15.000ha, trong đó, gần 5.500ha bị nhiễm (gần 1.500ha nhiễm trên 70%).

Ông Huỳnh Văn Đồng, ngụ ấp Bắc Chan 2, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, chia sẻ: “Vụ Đông Xuân 2017-2018, gia đình tôi gieo sạ 2,5ha lúa nhưng bị nhiễm sâu năn nặng. Tôi cố gắng chăm sóc để cứu lúa, hy vọng bù được một phần chi phí bỏ ra”.

Phó Chủ tịch UBND xã Tuyên Thạnh - Huỳnh Thị Xuân Đào cho biết: “Ngoài phối hợp thống kê diện tích nhiễm sâu năn, địa phương tăng cường tuyên truyền người dân tập trung phòng, chống bằng cách bón phân, chăm sóc những diện tích nhiễm dưới 70% để lúa phục hồi, giảm thiệt hại”.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - La Văn Dân: “Các giải pháp phòng, chống sâu năn được thị xã nhanh chóng triển khai. Cán bộ chuyên môn đến từng gia đình thống kê diện tích, đề xuất giải pháp hỗ trợ, đồng thời tổ chức tọa đàm, hướng dẫn người dân phòng, chống, tránh tái diễn ở những vụ lúa tiếp theo và chủ động phối hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu năn gây ra”.

Giám đốc Sở Nông nghệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng thông tin: “Vụ Đông Xuân 2017-2018, có hơn 20.000ha lúa ở các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười nhiễm sâu năn. Người dân không gieo sạ theo lịch khuyến cáo, hệ thống đê bao chưa khép kín và thời tiết bất thường là những nguyên nhân dẫn đến lúa nhiễm sâu năn. Ngành phối hợp các địa phương tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn người dân tập trung phòng, chống sâu năn. Đối với những diện tích nhiễm 50% trở xuống, người dân tiếp tục chăm sóc, bón phân cân đối NPK, cân đối mực nước, không bón phân ure để phòng bệnh đạo ôn. Diện tích nhiễm từ 50-70%, tùy theo sự sinh trưởng của cây lúa, có thể bón 8-10kg phân NPK/1.000m2 và bổ sung thêm các loại phân có chứa Ca, Si, phân bón lá để lúa có thể phục hồi. Hướng dẫn nông dân xử lý số diện tích bị nhiễm trên 70%”.

“Đặc biệt, ngành khuyến cáo người dân tuyệt đối tuân thủ lịch gieo sạ, nên sản xuất 2 vụ lúa/năm, hạn chế đến mức thấp nhất việc gieo sạ 3 vụ/năm. Trong vụ Hè Thu sắp tới, nông dân phải vệ sinh đồng ruộng thật kỹ, gieo sạ vào khoảng tháng 4 và 5, không được xuống giống sớm để tránh nhiễm sâu năn và các loại bệnh khác” - ông Lê Văn Hoàng nhấn mạnh./.

Các địa phương cần giám sát kỹ việc xuống giống, gieo sạ phải tuân thủ lịch mà ngành chuyên môn đưa ra. Khi phát hiện sâu năn, các địa phương phải tập trung phòng, chống và phối hợp ngành chuyên môn để có giải pháp kịp thời. Đặc biệt, các địa phương cần rút ra bài học kinh nghiệm nhằm phòng, chống sâu năn trong những vụ tiếp theo, hạn chế tình trạng tương tự xảy ra”.

Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam - Lê Quốc Cường 

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết