Tiếng Việt | English

23/10/2017 - 20:42

Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách Nhà nước

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 23/10, Quốc hội đã nghe các thành viên Chính phủ trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020; Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao và Tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chi ngân sách Nhà nước phải được dự toán

Sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Báo cáo thẩm tra chỉ rõ, năm 2017, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Ước thực hiện thu ngân sách Nhà nước năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán đã thể hiện nỗ lực rất cao trong điều hành của Chính phủ, kết quả hành động với quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của cộng đồng doanh nghiệp, ngành tài chính và hệ thống chính trị trong cả nước.

Tuy nhiên, số tăng thu chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách Trung ương ước khó đạt dự toán.

“Đặc biệt, đây là năm thứ 3 liên tiếp, ngân sách Trung ương có khả năng hụt thu. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương,” Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Về tình hình thực hiện chi ngân sách Nhà nước, Chính phủ đã điều hành, quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, nhiều khoản chi đã phát huy hiệu quả, trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tăng là do sử dụng dự phòng ngân sách và nguồn tăng thu của ngân sách địa phương. Tuy nhiên, công tác phân bổ, giao dự toán còn chậm, giao nhiều đợt; vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân rất chậm...

Theo Báo cáo thẩm tra, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2018 tăng 6,4% so với ước thực hiện năm 2017 tuy khá thấp, nhưng phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến và các yếu tố không thuận tác động đến nền kinh tế, hạn chế mức độ rủi ro khi dự toán thu không đạt dự toán.

Ngoài ra, cơ cấu chi ngân sách Nhà nước năm 2018 đã có xu hướng thay đổi tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng hợp lý. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách Nhà nước, cụ thể các khoản chi ngân sách Nhà nước phải được dự toán.

Đặc biệt, trong bối cảnh cân đối ngân sách Trung ương còn nhiều khó khăn, Chính phủ cần rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý; không ban hành chính sách mới khi không có nguồn lực bảo đảm; không nợ chính sách chi cho con người.

Để thực hiện tốt dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội lưu ý, Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách Nhà nước, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại; tập trung rà soát, đánh giá, làm rõ cơ chế tài chính đặc thù đang áp dụng đối với một số lĩnh vực; tăng cường công tác quản lý chi ngân sách Nhà nước, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý chặt chẽ việc mua sắm tài sản công...

Thúc đẩy thể dục, thể thao phát triển

Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày nêu rõ, qua 10 năm thi hành, Luật Thể dục, thể thao đã bộc lộ nhiều bất cập.

Theo đó, một số điều, khoản của Luật có nội dung còn thiếu cụ thể dẫn đến việc khó thi hành trong thực tế như chính sách của Nhà nước đối với phát triển thể dục thể thao quần chúng; trách nhiệm của bộ, ngành, nhà trường, các cấp đối với công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường…

Ngoài ra, một số quy định của Luật về quản lý doanh nghiệp thể thao, hộ kinh doanh thể thao; quy định về quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao… không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Để khắc phục những hạn chế này, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thể dục, thể thao phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Với quan điểm này, dự thảo Luật dự kiến trực tiếp sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung 1 điều mới.

Tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, xác định các nội dung cần chỉnh sửa để đảm bảo thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo được nêu trong Tờ trình.

Về đặt cược thể thao, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đây là nhu cầu thực tiễn, có thể huy động được nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực thể dục, thể thao, tuy nhiên vấn đề này rất phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cần có báo cáo đánh giá tác động cụ thể, chi tiết.

Bên cạnh đó, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế, cần có thời gian thực hiện, tổng kết, đánh giá trước khi quy định trong Luật.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị cơ quan trình dự án Luật xây dựng báo cáo đánh giá tác động chi tiết, toàn diện làm cơ sở để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định.

Bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng

Tại phiên họp chiều 23/10, các đại biểu Quốc hội cũng nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Theo Tờ trình, việc xây dựng, ban hành Luật Cạnh tranh (sửa đổi) nhằm thay thế Luật Cạnh tranh năm 2004 là cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu trong xu thế hội nhập kinh tế, phù hợp với các cam kết quốc tế, đảm bảo sự thích ứng với môi trường kinh doanh, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành.

Với mục tiêu tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều và bãi bỏ 49 điều. Theo đó, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; thay đổi cách tiếp cận kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, cách tiếp cận kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, đồng thời điều chỉnh quy định kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cạnh tranh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án Luật nhấn mạnh, đây là bước quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp về “hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền Nhà nước” nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật là phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Theo đó, điều 1 dự thảo Luật quy định: “Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.”

Thời gian gần đây, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều có quy định nghĩa vụ thực thi luật và chính sách về cạnh tranh nhằm bảo đảm điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh gây ảnh hưởng đến quan hệ thương mại, đầu tư, phúc lợi người tiêu dùng tại các nước thành viên.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh tạo cơ sở pháp lý cho Cơ quan cạnh tranh Việt Nam hợp tác với các Cơ quan cạnh tranh của các nước khác trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh.

Trường hợp Việt Nam chưa ký kết hoặc chưa gia nhập điều ước quốc tế có liên quan đến cạnh tranh, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong tố tụng cạnh tranh theo nguyên tắc có đi có lại, không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết