Tiếng Việt | English

06/02/2018 - 17:23

Tạo thuận lợi cho người bệnh khi điều trị Đông - Tây y kết hợp

Việc kết hợp khám, chữa bệnh (KCB) bằng phương pháp Đông - Tây y mang lại hiệu quả tích cực trong điều trị bệnh, nhất là các bệnh mãn tính. Qua đó, góp phần cùng ngành Y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Hiệu quả Đông - Tây y kết hợp

Thực tế cho thấy, phương pháp chữa bệnh Đông y hay Tây y đều có những điểm mạnh và hạn chế. Nếu kết hợp những mặt tốt của 2 phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả tích cực, giúp bệnh nhân (BN) giảm chi phí điều trị. Tại Long An, việc điều trị kết hợp giữa Đông y và Tây y cũng được triển khai rộng khắp từ xã đến tỉnh, nhất là đối với các bệnh mãn tính.

Điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận và thụ hưởng nhiều kỹ thuật tiên tiến tại địa phương

Trạm Y tế (TYT) xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa là một trong những trạm có hoạt động khám, điều trị theo y học cổ truyền (YHCT) được người dân tin tưởng. Năm 2017, trạm thu hút trên 1.200 lượt BN, trong đó, có 454 lượt điều trị bằng YHCT hoặc kết hợp với y học hiện đại. Các phương pháp y học điều trị không dùng thuốc được áp dụng tại trạm như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp,… Trạm được trang bị bộ dụng cụ Đông y vào năm 2013. Đây là điều kiện để bác sĩ, lương y khám và điều trị cho BN ngày càng tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Cưng, ngụ xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa chia sẻ: “Tôi bị thoái hóa cột sống nên đi lại rất khó khăn. Từ khi điều trị bằng YHCT tại TYT xã, tôi có thể tự đi đứng, sinh hoạt. Mỗi lần đến trạm, tôi được trị liệu bằng đèn hồng ngoại và lấy thuốc về sắc uống. Nhờ kiên trì điều trị bằng YHCT mà sức khỏe của tôi được cải thiện nhiều”.

Hoạt động từ năm 2008 đến nay, công tác KCB tại Khoa YHCT - Bệnh viện Đa khoa Khu vực (BVĐKKV) Hậu Nghĩa có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ phận Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng của khoa được triển khai hiệu quả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận và thụ hưởng nhiều kỹ thuật tiên tiến tại địa phương. Năm 2017, có trên 44.300 lượt BN đến khám và điều trị tại khoa, đạt 106,9% kế hoạch; công suất sử dụng giường bệnh đạt 85,2%.

Trưởng khoa YHCT, BVĐKKV Hậu Nghĩa - Bác sĩ Ngô Thị Gái cho biết: “Đa số BN đến khoa điều trị các bệnh về xương khớp, thần kinh tọa, các di chứng sau chấn thương, di chứng tai biến mạch máu não, đái tháo đường, hội chứng dạ dày,… Khi điều trị, người bệnh được áp dụng đầy đủ các phương pháp về YHCT theo đúng quy định chuyên môn như điện châm, điện xung, hay dùng máy kéo cột sống, nhúng parafin,… Tùy theo từng chứng bệnh mà bác sĩ có chỉ định khác nhau”.

Riêng tại BVYHCT Long An được đầu tư triển khai nhiều kỹ thuật mới: Cấy chỉ; nội soi ống cứng - tiêm xơ búi trĩ, thắt trĩ bằng vòng cao su; siêu âm điều trị; xoa bóp áp lực hơi; điện phân dẫn thuốc;… mang lại hiệu quả tích cực trong điều trị bệnh. Trong đó, BV quan tâm thực hiện kỹ thuật cấy chỉ, vì một lần cấy chỉ có tác dụng từ 7-14 ngày, giúp BN giảm bớt thời gian đến điều trị tại BV.

BV hiện có 24 bác sĩ, cùng nhiều y, dược sĩ trực tiếp tham gia KCB. Song song với việc đầu tư mở rộng các kỹ thuật chuyên biệt phù hợp với chức năng của BV chuyên khoa, đội ngũ y, bác sĩ BV luôn tìm tòi, học hỏi các phương pháp chữa bệnh mới, có thêm nhiều bài thuốc riêng cho từng chứng bệnh nhằm mang đến kết quả cao nhất trong điều trị, nâng cao uy tín của BV.

Còn nhiều khó khăn

Việc kết hợp giữa y học hiện đại với YHCT vừa mang lại hiệu quả trong điều trị bệnh, vừa hạn chế khả năng xảy ra tác dụng phụ đối với BN. Những hạn chế về công cụ chẩn đoán hay tình trạng lạm dụng thuốc sẽ được khắc phục. Tuy nhiên, công tác KCB YHCT bằng bảo hiểm y tế (BHYT) còn nhiều khó khăn.

Do tác động của các văn bản liên quan đến lĩnh vực KCB bằng YHCT, trong đó, có Thông tư 40/2015/TT-BYT, ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT nên BN bị hạn chế quyền lợi khi muốn điều trị BHYT tại BVYHCT Long An. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng BN đến khám và điều trị ngoại trú tại BV giảm 50% so với trước đây.

Trước tình trạng đó, ngày 23/8-2016, Bộ Y tế ban hành Công văn số 6358/BYT-BH hướng dẫn thực hiện Thông tư 40/2015/TT-BYT đối với KCB YHCT. Theo đó, việc chuyển tuyến KCB YHCT được chuyển từ TYT xã (tuyến 4 về chuyên môn kỹ thuật) lên BV YHCT tỉnh hạng III (tuyến 3 về chuyên môn kỹ thuật; chuyển từ TYT xã (tuyến 4 về chuyên môn kỹ thuật) lên BV YHCT tỉnh hạng II, hạng I trong trường hợp BV hoặc Trung tâm Y tế huyện không có khoa YHCT.

Phương pháp Đông - Tây y mang lại hiệu quả tích cực trong điều trị bệnh nhất là các bệnh mãn tính

Phó Giám đốc BVYHCT Long An - Bác sĩ Chuyên khoa I - Nguyễn Hữu Phước thông tin: “Đối với các địa phương (Châu Thành, Thủ Thừa, Tân Thạnh, Cần Đước, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa và Mộc Hóa) không có khoa YHCT, nếu BN đăng ký KCB ban đầu tại các TYT xã muốn chuyển tuyến điều trị tại BVYHCT Long An (BV hạng III về chuyên môn kỹ thuật) thì được chuyển thẳng với điều kiện có giấy giới thiệu theo đúng biểu mẫu quy định tại Thông tư 14/2014/TT-BYT, ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB”.

Có thể nói, việc kết hợp hài hòa giữa Đông y và Tây y trong KCB mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân. Việc này đòi hỏi sự quan tâm, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong tuyên truyền, thông tin đầy đủ về hoạt động chuyên môn của BV, làm cơ sở để BN, nhất là BN có BHYT an tâm lựa chọn nơi tin cậy để chăm sóc sức khỏe bản thân./.

Theo Công văn 6358/BYT-BH, ngày 23/8/2016 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư 40/2015/TT-BYT đối với KCB YHCT, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện việc chuyển tuyến KCB theo đúng quy định đối với hệ thống các cơ sở KCB YHCT; thực hiện nghiêm công tác chuyển tuyến, không được giữ người bệnh khi vượt quá khả năng của cơ sở; tiếp tục phổ biến, tập huấn việc thực hiện các quy định về chuyển tuyến KCB BHYT tới toàn thể cán bộ, nhân viên y tế.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết