Tiếng Việt | English

18/07/2024 - 09:39

Tăng tốc thực hiện nhiệm vụ năm 2024

Trong 6 tháng đầu năm 2024, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình KT-XH của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực trên hầu hết lĩnh vực. Thời gian còn lại của năm 2024, các sở, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phấn đấu đạt kết quả cao nhất nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung một số đô thị

Các sở, ngành, địa phương cần có sự phối hợp

Năm 2024, tỉnh Long An đề ra 21 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu. Theo đánh giá của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, một số chỉ tiêu đạt kết quả rất tích cực như tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi; tỷ lệ sản lượng lúa chất lượng cao; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; số bác sĩ/vạn dân,...

Bên cạnh đó, có một số chỉ tiêu đạt thấp như số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, số huyện đạt chuẩn NTM,...

Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Liên quan đến nhóm chỉ tiêu thuộc ngành mình phụ trách, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, hiện nay, các địa phương tập trung hoàn thiện từng tiêu chí (TC) trong Bộ TC xã/huyện NTM, NTM nâng cao nhằm bảo đảm cuối năm 2024 được công nhận đạt chuẩn NTM theo kế hoạch. Song song đó, hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định đạt chuẩn NTM khi có kết quả chính thức của năm 2024. TC thu nhập phải tiến hành điều tra vào tháng 8 hàng năm, dự kiến tháng 9 có kết quả; TC tiếp cận pháp luật, hệ thống chính trị năm 2024 đến hết ngày 31/12/2024 mới có kết quả;...

Thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung triển khai, thực hiện xây dựng NTM, bảo đảm đúng thực chất của từng TC; củng cố, nâng cao chất lượng các TC đã đạt.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở rà soát, cập nhật chỉ tiêu các huyện, xã đạt chuẩn NTM theo hướng thay thế những địa phương khó có khả năng đạt chuẩn NTM bằng những địa phương tiệm cận, gần đạt các chỉ tiêu NTM.

Sở củng cố hoạt động của các hợp tác xã, thúc đẩy phát triển các hợp tác xã có hoạt động thực chất, hiệu quả và giải thể các hợp tác xã yếu kém,...

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh đạt 5,26%, cao nhất từ năm 2022 đến nay. Điều này cho thấy nền kinh tế tỉnh tiếp tục phục hồi, phát triển ổn định sau dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Trương Văn Liếp, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với yêu cầu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh. Thu ngân sách nhà nước vẫn còn một số địa phương đạt thấp,...

Quan tâm giải ngân vốn đầu tư công 

Ông Trương Văn Liếp thông tin, thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh để thúc đẩy phát triển KT-XH; chủ động rà soát tình hình thực hiện, kết quả đạt được; đánh giá khả năng, mức độ hoàn thành đối với từng chỉ tiêu. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gắn với ngành mình, quyết tâm đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Đồng thời, triển khai, thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung đô thị Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc; quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp; quy hoạch vùng huyện;... đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm; tích cực hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án lớn ngoài ngân sách, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư; đưa thêm các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động để tạo quỹ đất và chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư;...

Một số kết quả nổi bật trong phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2024

GRDP đạt 5,26%; trong đó, khu vực I (nông, lâm, thủy sản) tăng 2,93%; khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 5,54% và khu vực III (thương mại, dịch vụ) tăng 6,46%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,05%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng qua từng tháng, 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,67%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 6,15 tỉ USD;... Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 tăng đáng kể, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành; tỷ lệ giải ngân đầu tư công đứng thứ 10/63 tỉnh, thành cả nước. Thu ngân sách được chỉ đạo quyết liệt, đạt kết quả khá tốt (tăng hơn 47% so cùng kỳ).

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện phương châm của Chính phủ năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc, sáng tạo, hiệu quả, bền vững”.

Bên cạnh đó, cùng với quyết tâm cao nhất, với tinh thần tư duy mới “tự lực, tự cường; lấy con người và doanh nghiệp là trung tâm; xem người dân là đối tượng phải phục vụ, xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển” phấn đấu đạt, vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng sở, ngành, địa phương. Theo đó, đối với tăng trưởng kinh tế GRDP, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Cục Thống kê tỉnh, các sở, ngành tỉnh, các địa phương phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt từ 8-8,5%; chủ động thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, nhất là những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

6 tháng cuối năm 2024, các địa phương tập trung cho công tác thu ngân sách

Về thu ngân sách nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đối với các địa phương thu ngân sách chưa đạt 50% cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, phân công, xác định trách nhiệm cụ thể của từng người, từng phòng, ban chuyên môn,... “Bí thư, chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố phải quan tâm, không giao khoán cho Ban Chỉ đạo đôn đốc thu nộp ngân sách nhà nước tỉnh mà chúng ta phải có sự hỗ trợ, đồng bộ nhau trong quá trình thu, vì nhiệm vụ chung, còn cách làm, làm như thế nào, từng địa phương phải có cách vận dụng để chúng ta làm,...” - ông Nguyễn Văn Út yêu cầu.

Ngoài ra, các sở, ngành liên quan tham mưu tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Trong thực hiện công tác đấu thầu, mời thầu phải chặt chẽ; nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể có sai phạm.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ, cần thực hiện hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh, tăng cường triển khai công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát; thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tăng giá bất hợp lý;...

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính

Ông Nguyễn Văn Út cũng đề nghị các đơn vị, địa phương cần chấn chỉnh ngay các vướng mắc, tồn đọng trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính; giải ngân vốn đầu tư công, tập trung phát triển kinh tế gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội. Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả để phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra theo Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI./.

 

Các địa phương quyết liệt thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 

Tỉnh thực hiện nghị quyết trong 6 tháng đầu năm 2024 có những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết