Tiếng Việt | English

13/06/2018 - 15:23

Tăng thuế thuốc lá để hạn chế sử dụng: Tại sao cần tăng thuế thuốc lá?

Tổn thất do thuốc lá (TL) gây ra vượt xa phạm vi sức khỏe cộng đồng. TL là rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực như an ninh lương thực, bình đẳng giới, giáo dục, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Việt Nam đang thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hút TL trong nam giới từ 45,3% năm 2015 xuống còn 39% vào năm 2020.

Khi tăng thuế sẽ giúp giảm hút thuốc

Chính sách thuế có vai trò rất quan trọng trong việc giảm nhu cầu sử dụng TL, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng TL. Thuế TL ở Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 40% giá bán lẻ, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 58% và thấp hơn rất nhiều so với mức khuyến cáo của WHO là 75% giá bán lẻ. Khi tăng thuế TL sẽ giúp giảm hút thuốc, đồng thời giúp tăng doanh thu thuế của Chính phủ. Do đó, tăng thuế TL được coi là một biện pháp lợi cả đôi đường: Lợi cho sức khỏe cộng đồng và lợi cho thu thuế của Chính phủ.

Vì vậy, WHO kêu gọi Chính phủ và tất cả đối tác cùng nỗ lực vượt qua thách thức để làm giảm sử dụng TL bằng cách tăng thuế TL, sẽ giúp giảm nhu cầu đối với sản phẩm nguy hiểm này, giúp bảo đảm cho một tương lai lành mạnh và bền vững hơn. WHO cũng kêu gọi các quốc gia ưu tiên thúc đẩy các hoạt động phòng, chống tác hại của TL, lồng ghép các hoạt động phòng, chống tác hại của TL trong các chương trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đồng thời khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động phòng, chống tác hại của TL.

Tăng thuế thuốc lá có làm tăng buôn lậu thuốc lá?

Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm - cán bộ Chương trình Quốc gia, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, chia sẻ, có một số nguyên nhân chính của tình trạng buôn lậu tại Việt nam.

Thứ nhất: Vì TL là sản phẩm độc hại, Việt Nam đang duy trì thuế nhập khẩu cao nhằm hạn chế nhập khẩu và tiêu thụ các sản phẩm TL ngoại, hiện đang duy trì ở mức 135%. Sau khi áp thuế nhập khẩu, tiếp tục áp thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng lên trên giá có thuế nhập khẩu. Vì vậy, nếu một bao thuốc có giá nhập khẩu ban đầu là 10.000 đồng thì sau khi áp các loại thuế, giá bán ra sẽ ở mức trên 50.000 đồng. Thuế suất thuế nhập khẩu cao làm cho TL ngoại nhập khẩu hợp pháp khó tiêu thụ vì giá bán cao, do đó tạo động lực gây ra buôn lậu TL.

Thứ hai: Do thói quen người dùng thích dùng một số nhãn thuốc lậu. Hiện nay, 80-90% số lượng TL lậu là nhãn Jet và Hero. Hai nhãn thuốc này có hàm lượng tar và nicotine rất cao, phù hợp với những người nghiện nặng TL. Số liệu điều tra hút thuốc ở người trưởng thành GATS 2015 cho thấy, 91,8% nhãn thuốc Jet và Hero được tiêu thụ tại 2 vùng là Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Đặc biệt, có đến 75% lượng tiêu thụ của 2 nhãn này là trong phạm vi 10 tỉnh, thành phố: Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Mức giá trung bình của Hero và JET cao hơn mức giá trung bình của các nhãn hiệu TL hợp pháp khoảng từ 30-60%.

Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm cũng cho biết, ở Việt Nam, buôn lậu TL thực chất không có mối tương quan với mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hay thấp. Điều này cũng được thể hiện trong kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Cụ thể, qua phân tích số liệu từ 76 quốc gia cho thấy, tại các quốc gia có mức giá TL thấp, tình trạng buôn lậu thậm chí lại xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá và thuế TL cao.Hơn nữa, nhiều quốc gia đã kiểm soát buôn lậu TL thành công ngay cả khi thuế và giá TL tăng cao.

Biện pháp kiểm soát buôn lậu hiệu quả ở Việt Nam?

Để kiểm soát một cách hiệu quả buôn lậu TL ở Việt Nam, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo:

Việt Nam nên xem xét phê chuẩn nghị định thư nhằm loại bỏ buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm TL. Đây là nghị định thư nằm trong khuôn khổ Công ước Khung của WHO về kiểm soát TL mà Việt Nam được phê chuẩn từ năm 2004. Đến nay, 53 quốc gia đã ký kết nghị định thư này và 33 quốc gia đã phê chuẩn. Nghị định thư này được ước tính có hiệu lực vào năm 2018 sau khi nó được phê chuẩn bởi 40 quốc gia. Hiệp định nhằm xóa bỏ mọi hình thức buôn lậu bất hợp pháp các sản phẩm TL. Nó cung cấp các công cụ để ngăn chặn thương mại bất hợp pháp bằng cách bảo đảm giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng, bao gồm việc thiết lập một hệ thống giám sát quốc tế và một nhóm các biện pháp để thúc đẩy hợp tác quốc tế chống buôn lậu TL.

Việt Nam cần củng cố việc kiểm soát buôn lậu tại cửa khẩu và tại các điểm bán lẻ TL. Đặc biệt, để kiểm soát hiệu quả việc buôn lậu TL ở Việt Nam, các cơ quan chức năng nên tập trung vào 10 tỉnh có buôn lậu TL cao. Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO, nói: “Chính phủ các nước trên thế giới cần thực thi các biện pháp mạnh nhằm kiềm chế buôn lậu TL, vì nó đang làm trầm trọng thêm nạn dịch TL toàn cầu cùng với những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và KT-XH do sử dụng TL gây ra”.

Việt Nam nên hợp tác với các nước láng giềng, những quốc gia đang được sử dụng làm nơi trung chuyển để đưa TL bất hợp pháp vào Việt Nam. Bước đầu cần trao đổi thông tin về nhập khẩu TL, về thương mại và thuế TL, đồng thời cần hợp tác trong việc kiểm soát buôn lậu TL tại các cửa khẩu biên giới./.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết