Tiếng Việt | English

24/12/2024 - 11:26

Tăng thu nhập từ nuôi cá lóc mùa lũ  

Những năm qua, mô hình nuôi cá lóc mùa lũ được người dân xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An áp dụng. Mô hình này không cần diện tích rộng, người nuôi tận dụng thức ăn sẵn có trong mùa lũ, không cần nhiều chi phí đầu tư, góp phần tăng thu nhập.

Từ nuôi cá lóc mùa lũ, ông Nguyễn Văn Hùng có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống

Ông Nguyễn Văn Hùng (ấp Rượng Lưới, xã Vĩnh Thạnh) cho biết: Tôi gắn bó với mô hình nuôi cá lóc mùa lũ từ nhiều năm nay, bởi thấy nuôi loại cá này phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 4 Âm lịch, tôi bắt đầu mua cá lóc giống về thả nuôi. Tận dụng diện tích mặt nước dưới kênh, làm bè và thả cá vào nuôi (số lượng 10.000 con/bè).

Sau khoảng 3 tháng chăm sóc, cá đạt trọng lượng khoảng 0,3kg/con, lúc này cá lóc có thể ăn các loại cá con khác, đây cũng là thời điểm nước lũ về, tận dụng nguồn lợi thủy sản từ lũ mang lại, ông Hùng đánh bắt cá con để làm thức ăn cho cá nuôi, nhờ vậy mà giảm được chi phí chăn nuôi.

Hiện 40.000 con cá lóc của ông Hùng đang phát triển tốt, dự kiến cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025

Cũng theo ông Hùng, sau thời gian từ 7 đến 8 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 0,8 đến 1 kg/con và có thể xuất bán. Cứ sau mỗi mùa lũ, mô hình nuôi cá lóc của ông Hùng cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/3 bè.

Mùa lũ năm nay, ông Hùng thả nuôi với số lượng 4 bè (40.000 con), hiện cá đang phát triển tốt, dự kiến sẽ xuất bán vào dịp tết, kỳ vọng giá cả ổn định, cho thu lợi nhuận cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh - Nguyễn Văn Thủy, trên địa bàn xã, người dân sinh sống nhờ vào làm ruộng. Hàng năm, khi vào mùa nước lũ, người dân thường giăng lưới bắt cá đồng, cá tạp với số lượng khá nhiều. Do vậy, một số hộ dân suy nghĩ tìm cách để tăng thu nhập cho gia đình bằng cách dùng cá tạp để nuôi cá lóc.

Hiện trên địa bàn xã có 16 hộ nuôi, khoảng 40 bè, vèo (mỗi bè, vèo thả khoảng 1.000 con). Mỗi vụ, người dân thả nuôi khoảng 7-8 tháng cho thu hoạch, lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/bè, vèo.

“Mô hình nuôi cá lóc mùa lũ giúp những hộ dân có ít hoặc không có đất sản xuất có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, mô hình này còn tạo việc làm cho người dân lúc nông nhàn trong mùa lũ” - ông Thủy cho biết.

Hiện trên địa bàn xã Vĩnh Thạnh có 16 hộ dân nuôi cá lóc mùa lũ với khoảng 40 bè, vèo

Mô hình nuôi cá lóc mùa lũ có hiệu quả, tuy nhiên đây vẫn là phong trào tự phát nên người dân gặp khó do thiếu kiến thức, kỹ thuật nuôi, tiêu thụ sản phẩm thường bị thương lái ép giá.

Để mô hình thật sự bền vững, tạo thu nhập ổn định, người dân vùng lũ rất cần sự hỗ trợ từ các ngành chức năng về kỹ thuật cũng như định hướng thị trường,.../.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết