Tiếng Việt | English

15/04/2021 - 08:53

Tăng thu nhập từ nghề cắt lục bình và trồng bông súng

Nhờ tận dụng được lợi thế, thổ nhưỡng địa phương, nhiều người dân vùng Đồng Tháp Mười tăng thu nhập từ nghề cắt lục bình và trồng bông súng.

1. Không biết nghề cắt lục bình có tự bao giờ, chỉ biết rằng, những ngày này, chúng ta chỉ cần về vùng Đồng Tháp Mười sẽ dễ dàng nhìn thấy hình ảnh người dân tất bật cắt, phơi lục bình và bán cho thương lái. Hình ảnh này đã trở thành một nét đặc trưng của người dân vùng sông nước Đồng Tháp Mười.

Người dân vùng Đồng Tháp Mười có thu nhập khá từ nghề cắt lục bình

Bà Đỗ Kim Thắm, ngụ xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, nói: “Vợ chồng tôi sống bằng nghề cắt lục bình cũng gần 10 năm. Nghề này làm quanh năm, buổi sáng tranh thủ trời còn mát đi cắt, đến khi nắng gắt đem lục bình về phơi. Lục bình trước nhà hết thì vợ chồng tôi bơi xuồng đi cắt lục bình ở các con sông hoặc đi cắt lục bình thuê cho các hộ khác, bình quân 700 đồng/kg”.

Đối với người dân vùng nông thôn, việc vừa có thêm thu nhập, vừa có thời gian chăm sóc gia đình là điều tuyệt vời nhất. Vì vậy, có vất vả, “dãi nắng dầm mưa”, họ cũng cảm thấy vui. Chị Trịnh Thị Bé Hai, ngụ xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, bộc bạch: “Trước đây, tôi làm công nhân với mức lương gần 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tôi phải sống xa gia đình, bỏ chi phí sinh hoạt ra thì cũng không dư bao nhiêu nên tôi quyết định nghỉ việc ở nhà, nhất là sau khi có con nhỏ. Giờ đây, tôi tranh thủ thời gian rảnh rỗi cắt lục bình, bình quân mỗi tháng có thu nhập gần 3 triệu đồng, số tiền này không hề nhỏ với người dân vùng nông thôn”.

Theo quan sát, những người sống bằng nghề cắt lục bình chủ yếu là người lớn tuổi, chỉ dựa vào nghề cắt lục bình để trang trải cuộc sống hàng ngày, hoặc là phụ nữ nhàn rỗi ở địa phương tranh thủ việc gia đình, sau đó cắt lục bình để kiếm thêm thu nhập. Công việc của họ thường bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng đến 13 giờ. Dù vất vả, khó khăn là vậy nhưng nghề cắt lục bình vẫn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, bởi nghề này có thể làm quanh năm vì lục bình sinh sôi, nảy nở rất nhanh.

2. Ngược về ấp Cả Rưng, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, chúng tôi đến thăm ruộng bông súng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuốt đang trong giai đoạn thu hoạch. Được biết, cách đây hơn 1 năm, anh Tuốt mạnh dạn chuyển từ 1ha đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng bông súng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tuốt tăng thu nhập từ trồng bông sung

Anh Tuốt trải lòng: "Với 1ha lúa mà làm 2 vụ thu nhập chẳng được bao nhiêu, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình, chưa kể đến năm dịch hại nhiều còn lỗ vốn. Thấy vậy, vợ chồng tôi quyết định chuyển từ đất trồng lúa sang trồng bông súng, bởi bông súng ít tốn công chăm sóc, ít tốn phân bón, thuốc, trồng 2,5 tháng là bắt đầu thu hoạch kéo dài cả năm. Bình quân cứ 4 ngày, gia đình tôi thu hoạch một lần, với thu nhập khoảng 3 triệu đồng".

Cách trồng bông súng là cấy từng bụi, mỗi bụi cách nhau 3m. Sau một thời gian, bông súng sẽ mọc lan ra. Bông súng thu hoạch được hơn 1 năm thì tàn nhưng khi rải phân, chăm sóc, cây bông súng sẽ phát triển trở lại. Bông súng nhổ xong sẽ được cắt thành khúc, rửa sạch và bán cho thương lái, với giá từ 3.500-4.000 đồng/kg.

Trước đây, bông súng thường mọc hoang dã rất nhiều, nhất là vào mùa nước nổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, bông súng trở nên khan hiếm do mùa nước nổi không còn hoặc còn rất ít. Xác định được nhu cầu thị trường, nhiều nông dân chuyển từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng bông súng, góp phần mang lại nguồn thu nhập gấp chục lần so với trồng lúa trên cùng diện tích canh tác; trong đó, có gia đình anh Tuốt.

Bằng bàn tay cần cù và với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân vùng Đồng Tháp Mười đã có thu nhập ổn định từ nghề chặt lục bình và trồng bông súng, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết