Tiếng Việt | English

13/06/2016 - 09:56

Tăng lương: Sẽ tính tiền lương tối thiểu theo giờ?

Tiền lương tối thiểu theo giờ sẽ làm tăng năng suất lao động và phản ánh đúng bản chất của tiền lương trong nền kinh tế thị trường.

Các bên liên quan trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia đang có các bước chuẩn bị cho phiên họp sắp tới.

Trong câu chuyện tiền lương lần này nổi lên câu chuyện tiền lương làm căn cứ đóng BHXH và các khoản đóng góp của chủ sử dụng lao động và người lao động. Hai đối tượng này hiện nay đóng đến 35,5% thì người lao động và chủ sử dụng lao động đều thấy khó khăn.

Ông Bùi Sỹ Lợi
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi giá thành tăng lên, doanh nghiệp không có lợi nhuận, người lao động bị giảm thu nhập thì chúng ta phải cân đối để làm sao mức đóng hợp lý, tạo DN có lợi nhuận, người lao động có thu nhập nhưng cũng phải nghĩ đến tương lai về tiền lương hưu của người lao động khi họ nghỉ hưu.

Chúng ta đang thực hiện cơ chế tiền lương theo mức tiền lương tối thiểu vùng mà hàng năm Chính phủ công bố. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, các nước ít dùng tiền lương tháng để giải quyết vấn đề tiền lương trong khu vực sản xuất kinh doanh mà người ta xác định tiền lương tối thiểu nhưng tối thiểu theo giờ để người lao động được quyền làm việc với nhiều hợp đồng lao động. Tiền lương tối thiểu theo giờ sẽ làm tăng năng suất lao động và phản ánh đúng bản chất của tiền lương trong nền kinh tế thị trường. “Lần này, tiền lương sẽ theo hướng đó” – ông Lợi cho biết.

Vấn đề bất cập nhất hiện nay là việc xác định tiền lương tối thiểu (TLTT) là gì? TLTT là phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. TLTT phải căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội; phải căn cứ vào quan hệ cung – cầu lao động, nếu sức mua khác nhau thì chi phí tiền lương khác nhau. Bây giờ chúng ta đang xác định TLTT theo vùng là chúng ta xác định trên các yếu tố cơ cấu mặt hàng, lương thực thực phẩm để đảm bảo đời sống cho NLĐ. Nhưng theo quan điểm của ông Lợi, việc xác định chính sách đó chưa thể hiện bản chất của TLTT. Thứ hai người ta ít dùng TLTT theo tháng mà TLTT làm căn cứ trả lương cho NLĐ trong quan hệ lao động thì hầu như các nước trả TLTT theo giờ.

TLTT thay đổi khi có 3 yếu tố thay đổi: Nhu cầu sống của người dân tăng lên khi điều kiện KT-XH phát triển; do chỉ số giá sinh hoạt tiêu dùng tăng lên làm cho tiền lương danh nghĩa không đáp ứng tiền lương thực tế thì phải điều chỉnh tiền lương danh nghĩa để đảm bảo tiền lương thực tế cho NLĐ và gia đình họ; TLTT hoàn toàn căn cứ vào quan hệ cung – cầu lao động, nếu cung lao động lớn thì dứt khoát tiền lương tối thiểu phải giảm.

Hiện nay, do các bên trong Hội đồng tiền lương áp dụng các bộ tính khách nhau nên dẫn đến mâu thuẫn. Theo ông Lợi, vấn đề TLTT cần phải quay trở lại tiêu chí tiền lương. Tiền lương và tiền DN, chủ sử dụng lao động căn cứ vào số lượng và chất lượng công việc NLĐ đảm nhiệm. Tiền lương tăng lên phải căn cứ vào tốc độ tăng năng suất lao động và trong nguyên tắc, bao giờ tốc độ tăng tiền lương cũng chậm hơn tăng năng suất lao động.

Cơ quan nào công bố tiền lương tối thiểu?

Theo ông Lợi, việc công bố mức tiền lương tối thiểu phải do một cơ quan Nhà nước, mà trách nhiệm này phải thuộc Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT) xác định căn cứ vào nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần, nhà ở, nước, điện sinh hoạt…

Phải có một bộ tiêu chí đánh giá rằng, trong 1 ngày tôi sử dụng hết bao nhiêu calo và số calo đó phải tương ứng với bao nhiêu tiền khi mua sản phẩm hàng hóa trên thị trường, thì lúc đó không ai cãi nhau cả. “Còn như bây giờ, 3 anh 3 tiêu chí khác nhau bàn rồi chia bình quân là không khách quan” – ông Lợi khẳng định.

Còn như hiện nay, anh nào nói cũng đúng cả, nhưng phải quay lại một trật tự là “làm thế nào ăn thế ấy”. Ăn như thế thì làm như vậy. Trong mối quan hệ giữa thụ hưởng và cống hiến thì phải cân bằng nhau. “Vấn đề hiện nay là cả hai cái không gặp nhau thì bây giờ anh phải đi ở bài toán trung bình nhưng vẫn phải ưu tiên cho người lao động, vì đây là yếu tố quyết định tăng năng suất lao động. Nếu không đầu tư, đổi mới công nghệ thì yếu tố tăng năng suất lao động là con người. Nhưng người lao động cũng phải chia sẻ với DN để DN tồn tại phát triển để từng bước phát triển. Chứ cứ đòi làm ít ăn nhiều thì không được”.

Nói về mức tăng lương tối thiểu vùng năm nay, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, sẽ không tăng bao nhiêu, vì chỉ số giá tiêu dùng hiện nay đang phấn đấu là 5% chưa tác động nhiều đến đời sống người lao động; chúng ta đang trong thời kỳ phát triển, năng suất laod dộng thấp so với vấn đề thu nhập tiền lương, cho nên phải cố gắng vừa đảm bảo thu nhập cho người lao động nhưng cũng tạo cơ hội cho DN phát triển./.

Vũ Hạnh/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết