Tiếng Việt | English

14/01/2025 - 15:51

Tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế

Những năm gần đây, Long An bứt phá trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình chung của cả nước, thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ở tốp đầu; môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn bởi vị trí địa lý cũng như những cơ chế, chính sách thu hút ưu đãi, thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận thị trường trong khu vực, nhất là TP.HCM.

Tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế

Long An tham gia trưng bày sản phẩm tại Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố năm 2024 tại TP.HCM

Tăng cường liên kết vùng

Liên kết phát triển vùng trở thành xu hướng và là bước đột phá mạnh mẽ nhằm tạo động lực, thu hút các nguồn lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển được xác định trong chiến lược và quy hoạch phát triển ở các địa phương, vùng và cả nước.

Long An là cửa ngõ giữa 2 Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có vị trí khá đặc biệt để liên kết với các tỉnh, thành phố ở 2 vùng. Tận dụng những lợi thế này, Long An đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực KT-XH.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2024 ước đạt 8,3%, kinh tế từng bước phục hồi, trở thành địa phương thu hút đầu tư tốt, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm cho biết, những năm qua, tỉnh tăng cường liên kết với Vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ, nhất là TP.HCM để thực hiện tái phân công và phối hợp trên quy mô vùng, đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sức hấp dẫn mới thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh chương trình liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực, đạt kết quả tích cực.

Được ví là “gạch nối” giữa Vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ, Long An và TP.HCM chú trọng đầu tư và kết nối hạ tầng giao thông, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH của hai địa phương nói riêng và của vùng, cả nước nói chung.

Đặc biệt, Long An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 686/QĐ-TTg, ngày 13/6/2023 là cơ sở quan trọng để tỉnh lãnh, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương.

Đối với dự án đầu tư công, tỉnh ưu tiên đầu tư các dự án có kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL.

Đồng thời, tỉnh cũng kết nối nội vùng, kết nối ba vùng kinh tế và các trung tâm đô thị gắn với hai hành lang kinh tế là hành lang đường Vành đai 3 - Vành đai 4 TP.HCM và hành lang phát triển phía Nam là Đường tỉnh 827E.

Ngoài ra, hạ tầng lưới điện, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị tại ba vùng động lực được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút nguồn vốn tư nhân và nước ngoài, phát triển hạ tầng KT-XH quan trọng của tỉnh và liên vùng; đồng thời, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, lĩnh vực, vừa tạo động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng với những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên đất đai, Long An có thể đảm nhận vai trò “hậu phương” cung cấp lương thực và hàng hóa nông sản cho thị trường TP.HCM thông qua chương trình liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực.

Ngoài ra, Long An còn kết nối với Vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và liên kết tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Thời gian gần đây, tỉnh tham gia nhiều sự kiện lớn, chuyên ngành và mang tầm quốc tế, giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, phát triển xuất khẩu.

Tại Hội nghị kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa xuất, nhập khẩu tỉnh Long An năm 2024, Sở Công Thương đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty (Cty) TNHH Dịch vụ EB (EBS) - đại diện Central Retail và Công nghệ OSB - đại diện Sàn thương mại điện tử Alibaba.com về nghiên cứu, triển khai các dự án tại tỉnh, thúc đẩy giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa của tỉnh vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp.

Long An - Người bạn đồng hành, điểm đến của sự thịnh vượng

Thực hiện Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đang triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện quy hoạch, tổ chức các hoạt động KT-XH theo mô hình "1 trung tâm - 2 hành lang - 3 vùng kinh tế - 6 trục động lực”, với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp với quy trình tự động hóa và sản xuất tiên tiến, tiếp nối động lực phát triển từ TP.HCM đến các tỉnh ĐBSCL.

Đặc biệt, hưởng được sự lan tỏa về phát triển công nghiệp đô thị của Vùng Đông Nam Bộ, khai thác đồng bộ, hiệu quả các lợi thế vượt trội, riêng có của địa phương, tỉnh nỗ lực thực hiện vai trò, trách nhiệm của một địa phương được xem là động lực tăng trưởng của vùng.

Với nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, Long An đã thu hút vốn đầu tư khá mạnh, từ nhà đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.

Long An tiếp nhận đầu tư nhiều dự án “tầm cỡ” như Nhà máy Suntory PepsiCo Long An (Khu công nghiệp (KCN) Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa); Cty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn đầu tư Nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt Thái Tuấn (KCN Đức Hòa III - Slico, huyện Đức Hòa); Cty TNHH Một thành viên Đầu tư Long An và Cty Cổ phần Logistics Long An (2 Cty thuộc Tập đoàn Transimex) đầu tư Kho lạnh Long An (KCN Vĩnh Lộc 2, huyện Bến Lức);... và nhiều dự án có vốn đầu tư lớn khác đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh có hàm lượng công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng lớn. Điều này chứng tỏ tỉnh có môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư lớn.

Quy hoạch tỉnh đã xác định mục tiêu “tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng ĐBSCL; kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia”.

Vì vậy, tỉnh đang nỗ lực kết nối vùng thông qua giải quyết “điểm nghẽn” về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ để thu hút đầu tư. Tỉnh mong muốn là người bạn đồng hành, điểm đến của sự thịnh vượng cho nhà đầu tư, cùng nhau phát triển bền vững và lâu dài.

Với những lợi thế so sánh và tiềm năng sẵn có, Long An sẽ tận dụng tối đa lợi thế, khai thác và phát huy một cách hiệu quả tỉnh để “cất cánh”, trở thành một trong những đầu tàu của vùng và đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết