Tiếng Việt | English

19/02/2020 - 11:08

Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện

Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế được thực hiện thường xuyên nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh do lây nhiễm chéo (giữa người bệnh (NB) với NB, giữa NB với thầy thuốc và giữa NB, thầy thuốc với cộng đồng). Nhằm chủ động phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, công tác này được tăng cường, chú trọng hơn.

Quy trình quản lý đồ vải và giặt được thực hiện nghiêm ngặt nhằm bảo đảm diệt sạch vi khuẩn

Nhiễm khuẩn bệnh viện (BV) là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu của các cơ sở y tế trong cả nước nói chung, Long An nói riêng. Nhiễm khuẩn BV có thể được xem như là bệnh gây ra bởi BV, vì đây là những nhiễm khuẩn mắc phải chỉ trong thời gian NB nằm viện. Nếu không kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo, tác động trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân, dẫn đến việc tăng sử dụng kháng sinh, kéo dài thời gian điều trị của bệnh nhân, thậm chí có thể tử vong, nhất là những NB vừa phẫu thuật xong, thể trạng yếu.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa) ngoài chuẩn bị sẵn khu vực cách ly, còn tăng cường phổ biến các hướng dẫn, quy định, quy trình, kế hoạch thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa - Trương Thành Giăng cho biết: “Khoa chịu trách nhiệm chính về việc quản lý chất thải. Vì vậy, cán bộ, nhân viên y tế được tập huấn về công tác phân loại, thu gom chất thải. Chúng tôi tăng cường tuyên truyền trong nhân viên y tế và bệnh nhân thực hiện vệ sinh tay, mang khẩu trang đúng cách, bỏ rác đúng theo quy định, nhất là khẩu trang y tế”.

Nhằm bảo đảm an toàn cho NB, tránh trường hợp lây nhiễm chéo, BV xây dựng quy trình khử khuẩn, tiệt khuẩn đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn có đủ các bộ phận, nhân viên y tế được cập nhật kiến thức thường xuyên. BV thực hiện quy trình phòng ngừa chuẩn như sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; quy trình xử lý các trường hợp rủi ro, phơi nhiễm với các bệnh nguy hiểm; khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ nội soi, phẫu thuật.

BV Lao và Bệnh phổi Long An là BV chuyên khoa hạng III của tỉnh thực hiện đồng thời 2 chức năng: Khám, chữa bệnh ngoại trú, nội trú cho bệnh nhân mắc bệnh lao và bệnh phổi; quản lý hoạt động phòng, chống lao và phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản. Nếu môi trường BV không bảo đảm việc kiểm soát nhiễm khuẩn thì rất dễ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo.

Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi Long An - Lê Văn Bảy thông tin: “BV chú trọng phân loại, thu gom, xử lý chất thải; tuân thủ vệ sinh tay; quy trình vô khuẩn tại các khoa được tích cực giám sát. Đồng thời thực hiện quan trắc môi trường làm việc, quan trắc khí thải lò đốt rác y tế, nước thải y tế trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Dụng cụ tại các khoa, phòng được tiến hành khử khuẩn, tiệt khuẩn đúng theo quy định. Quần áo của NB cũng là nguồn chứa vi khuẩn gây bệnh nên quy trình quản lý đồ vải và giặt được thực hiện nghiêm ngặt nhằm bảo đảm diệt sạch vi khuẩn”.

Cách phòng bệnh chủ yếu là ngăn ngừa nguồn lây thông qua việc vệ sinh bề mặt

Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và lây truyền từ người sang người. Do đó, kiểm soát nhiễm khuẩn ngay từ lúc này là nhiệm vụ quan trọng để không lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Các cơ sở y tế cần làm tốt công tác cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, không để xảy ra trường hợp tử vong, lây nhiễm chéo. Đây là một trong những biện pháp ngừa lây nhiễm ra cộng đồng, đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo, trong phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn khi chăm sóc người bệnh nghi ngờ nhiễm virus Corona thì việc thông khí tại buồng bệnh cách ly rất quan trọng. Việc rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang, làm thông thoáng nơi ở, tránh tụ tập đông người và dinh dưỡng đầy đủ được khuyến cáo trong phòng, chống virus Corona. Có 3 đường lây cơ bản của virus Corona là đường tiếp xúc (tiếp xúc với người bệnh, bề mặt có dịch tiết nhiễm virus, qua các giọt bắn và ít hơn là lây qua không khí). Cách phòng bệnh chủ yếu là ngăn ngừa nguồn lây thông qua việc vệ sinh bề mặt, thường xuyên rửa tay, ngăn giọt bắn bằng khẩu trang. Ngoài khẩu trang y tế thì các loại khẩu trang vải được giặt sạch đều có tác dụng ngăn ngừa giọt bắn./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết