Tiếng Việt | English

04/06/2021 - 09:07

Tăng cường bảo vệ và phòng, chống cháy rừng

Nhằm quản lý, bảo vệ, giữ vững diện tích rừng hiện có và chủ động ứng phó kịp thời các nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra, UBND tỉnh Long An đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) với phương châm “phòng là chính”.

Chủ động phòng, chống cháy rừng

Chủ động bảo vệ rừng

Theo Quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - Lê Hữu Lợi, để tổ chức thực hiện tốt công tác PCCCR theo Chỉ thị 08/CT-UBND, ngày 13/3/2020 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp cấp bách về PCCCR, Chi cục tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Kế hoạch số 7719/KH-SNN, ngày 30-12-2020 về bảo vệ, PCCCR mùa khô năm 2021; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ rừng, PCCCR mùa khô năm 2021. Đồng thời, Chi cục phối hợp Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) thực hiện kiểm tra việc triển khai công tác bảo vệ rừng, PCCCR tại 16 đơn vị chủ rừng tập trung có diện tích rừng lớn. Song song đó, hạt kiểm lâm các huyện, thị xã cũng đã tổ chức kiểm tra 69 lượt đến các xã có rừng và các chủ rừng.

Hiện toàn tỉnh có 75 máy chữa cháy chuyên dụng với 1.513 cuộn vòi (dây) chữa cháy, tương đương 30.260m. Ngoài ra, tỉnh còn có 26 tháp canh lửa, 3.620,5km kênh nội đồng giữ nước, 74 biển báo cấm lửa, 62 bảng tuyên truyền về bảo vệ rừng và PCCCR tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao,... Về cơ bản, trang thiết bị, phương tiện, công trình bảo vệ rừng và PCCCR đáp ứng kịp thời khi có sự cố cháy rừng xảy ra.

“Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm chuẩn bị lực lượng, dụng cụ, thiết bị sẵn sàng dập lửa nếu xảy ra cháy rừng; yêu cầu các chủ rừng thực hiện nghiêm các quy định về PCCCR và tuân thủ an toàn việc sử dụng lửa trong sản xuất, đốt thực bì, tránh gây cháy lan. Đối với các tổ chức, cá nhân trước khi đốt thực bì phải dọn đường ranh cách lửa từ 3m trở lên; đồng thời, trước khi đốt phải báo với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn để giám sát” - ông Lợi cho biết thêm.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến ngày 10/5/2021, tỉnh có khoảng 22.314,28ha rừng, trong đó, tràm cừ 20.420,33ha, tràm gió 768,87ha, tràm úc 13,78ha, tràm bông vàng 75,9ha, keo lai 682,26ha, keo tai tượng 2,0ha, tràm lá dài 1,5ha, bạch đàn 204,59ha, bạch đàn chanh 2,31ha, gáo vàng 36,7ha, cây bần 90,48ha, cây lâm nghiệp khác 15,56ha. So với đầu năm 2021, diện tích đất có rừng thực giảm 291,3ha do khai thác rừng sản xuất chưa trồng lại và số diện tích này sẽ được trồng lại vào mùa mưa.

Huyện Thạnh Hóa có diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 12.600ha, bao gồm các loại rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha thông tin, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, chúng tôi tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR cho người dân. Song song đó, hướng dẫn, đôn đốc các chủ rừng đẩy mạnh việc chăm sóc rừng trồng, góp phần nâng độ che phủ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Anh Nguyễn Thành Vinh (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng khoảng 4ha tràm cừ, trung bình mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Xác định đây là tài sản lớn của gia đình, tôi luôn tích cực, chủ động thực hiện tốt những quy định về bảo vệ rừng, PCCCR. Nhờ được lực lượng kiểm lâm huyện, chính quyền địa phương, khu dân cư thường xuyên tuyên truyền nên nhận thức về vai trò, ý nghĩa của rừng trong gia đình tôi và nhiều hộ có rừng thay đổi rõ rệt. Vì thế, tình trạng cháy rừng những năm gần đây giảm đáng kể”.

Người dân nên nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng

Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân

Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng liên ngành huyện Thạnh Hóa đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đến các xã, khu dân cư, trường học trên địa bàn huyện; tham mưu UBND huyện, UBND các xã và thị trấn tiếp tục kiện toàn và củng cố các tổ, đội bảo vệ rừng; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, dụng cụ theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy tại chỗ) để PCCCR khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, lực lượng liên ngành huyện Thạnh Hóa còn phối hợp các địa phương có rừng tăng cường tuần tra, kiểm tra an ninh rừng, canh gác lửa rừng tại các khu vực trọng điểm cháy trong những ngày nắng nóng; tổ chức rà soát, xác định các vùng có nguy cơ cháy rừng; tu sửa lại các bảng cấp dự báo cháy rừng và bản tin trực quan về công tác chống chặt phá rừng, PCCCR.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Nhìn chung, công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh còn không ít khó khăn, trong đó, cái khó lớn nhất vẫn là sự chủ quan, lơ là trong công tác PCCCR của người dân. Vì vậy, giải pháp trọng tâm hiện nay mà ngành hướng đến là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR. Mặt khác, ngành khuyến cáo các chủ rừng hay người dân khi đốt dọn thực bì hoặc sử dụng lửa khi đi rừng phải có biện pháp cản lửa lây lan, sẵn sàng vật tư, phương tiện, dụng cụ để chữa cháy khi có tình huống xấu xảy ra”.

Rừng tuy là một loại tài nguyên thiên nhiên tái tạo được nhưng nếu sử dụng không hợp lý, tài nguyên rừng có thể bị suy thoái, ảnh nghiêm trọng đến môi trường và đời sống KT-XH, do đó, công tác PCCCR luôn cần được xem trọng. Và đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, đơn vị chủ rừng hay Ban Chỉ đạo PCCCR mà là của mọi người dân. Từng gia đình, từng cá nhân phải có ý thức cao trong bảo vệ rừng, đặc biệt không nên thực hiện các hành vi gây nguy cơ cháy rừng./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết