Tiếng Việt | English

10/02/2019 - 12:45

Tân Trụ đổi mới từng ngày

Sắc xuân đang tràn về trên từng góc phố, con đường, xóm, ấp trên địa bàn huyện Tân Trụ, tỉnh Long An và người dân nhắc nhở nhau dọn dẹp, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, “trang điểm” cho quê hương đón tết.

Một góc thị trấn Tân Trụ về đêm

Quy hoạch, chỉnh trang đô thị

Những năm gần đây, công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị được huyện thực hiện hiệu quả. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng ở các khu đông dân cư; phát triển KT-XH mang lại những bước đột phá quan trọng trong việc xây dựng và chỉnh trang diện mạo, cảnh quan của thị trấn; diện mạo đô thị trẻ từng bước hình thành,... Tổng nguồn vốn huy động và tập trung cho Chương trình Phát triển đô thị của thị trấn trên 10 tỉ đồng/năm, trong đó, vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn có mục tiêu, huyện tập trung đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi: Trường học, công viên, vỉa hè, ánh sáng, đường giao thông,... Ông Trần Thanh Tùng, ngụ ấp Bình Hòa, thị trấn Tân Trụ, chia sẻ: “Thị trấn Tân Trụ nói riêng và huyện Tân Trụ nói chung ngày nay như khoác “chiếc áo mới”, vì vậy, người dân chúng tôi vui mừng, phấn khởi lắm!”.

Năm 2018, từ nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện tập trung nâng cấp, mở rộng chợ Tân Trụ (chợ Bình Hòa) thành chợ trung tâm; ưu tiên bố trí vốn đối với công trình đường Nguyễn Hoàng Anh (thị trấn Tân Trụ),... góp phần xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng hoàn chỉnh. Ngoài ra, một số xã vùng ven cũng được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng xây dựng nông thôn mới và đạt nhiều kết quả.

Việc tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng không chỉ tạo diện mạo mới cho thị trấn Tân Trụ mà còn tạo nền tảng, động lực lớn để thị trấn đẩy mạnh phát triển KT-XH, phấn đấu trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện và đạt đô thị loại IV vào năm 2020.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện phấn đấu đến năm 2020 có 250ha lúa sản xuất ƯDCNC; 20ha thanh long ƯDCNC, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác, tưới phun kết hợp nhỏ giọt và hệ thống chiếu sáng thông minh cho thanh long ra hoa trái vụ; phát triển đàn bò thịt chất lượng cao ứng dụng công nghệ lai tạo giống, thay đổi hình thức chăn nuôi theo hướng chuyên môn hóa.

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Bình Trinh Đông - Nguyễn Hồng Dũng thông tin: “Chương trình hành động của Huyện ủy về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện, nhất là đối với các xã: Bình Trinh Đông, Quê Mỹ Thạnh, Bình Lãng, Đức Tân, Mỹ Bình,... vì đây là những địa bàn trọng điểm được xác định có các sản phẩm chủ lực của huyện. Từ đó, từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, tăng giá trị sử dụng trên đơn vị diện tích đất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân nông thôn, trong đó có người dân xã Bình Trinh Đông. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân ở đây hơn 43 triệu đồng/người/năm”. 

Mô hình sản xuất thanh long ƯDCNC bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Hiện nay, toàn huyện có hơn 200ha thanh long. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Mỹ Bình - Hoàng Đình Thượng cho biết: “Nhờ thành lập HTX mà mô hình trồng thanh long theo hướng GAP được phổ biến và ngày càng nhân rộng trong các hộ dân. Hiện nay, nhu cầu thanh long thực hiện theo chuẩn GAP xuất khẩu rất cao, đầu ra sản phẩm được giải quyết, nông dân an tâm sản xuất”. 

Mô hình nuôi bò ƯDCNC ở xã Mỹ Bình cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Điều này được minh chứng bằng trang trại với quy mô hơn 150 con của bà Võ Thị Hà, ngụ ấp Bình Đông. Bò tại trang trại của bà Hà được nuôi theo quy trình sạch, bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh chuồng trại. Toàn bộ phân và nước thải của đàn bò được dẫn theo đường ống ngầm ra 2 hầm biogas cách đó khá xa. Nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường. Phong trào chăn nuôi bò thịt ƯDCNC tại trang trại của bà Võ Thị Hà và một số hộ dự kiến thu lãi hơn 10 triệu đồng/con, gấp 3 lần chăn nuôi thường. Khi thực hiện mô hình này, những hộ chăn nuôi bò phải đáp ứng tiêu chí về vệ sinh môi trường, có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp với môi trường sống cho người dân.

Tân Trụ quy hoạch vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao

Từ đó, những sản phẩm chủ lực của huyện: Lúa, thanh long, bò thịt ƯDCNC,... dần khẳng định được vị trí trên thị trường. Ngoài ra, còn nhiều mô hình lúa canh tác theo hướng công nghệ cao tại các xã: Đức Tân, Bình Tịnh, Bình Lãng, Lạc Tấn và Quê Mỹ Thạnh; mô hình tưới nước tiết kiệm cho thanh long ở xã Đức Tân; 2 mô hình trồng rau trong nhà lưới tại xã Lạc Tấn cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tân Trụ đang chào đón mùa xuân ấm no, sung túc, đó là thành quả từ sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện nhà. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Việt Thịnh (ấp 5, xã Lạc Tấn) khi các thành viên đang tất bật sửa sang, trang trí nhà cửa chuẩn bị đón chào năm mới. Anh Thịnh hớn hở cho biết: “Vợ chồng tôi chưa năm nào trông tết như năm nay. Đời sống kinh tế ổn định, khấm khá rồi, ăn tết cũng “ngon lành” hơn. Vợ tôi đã mua sắm đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết cho ngày tết. Tôi chỉ cần sơn phết lại nhà cửa nữa thôi là có thể đón tết rồi!”. Tân Trụ đang đổi mới từng ngày./.

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đặt nhiệm vụ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị làm mục tiêu phấn đấu quan trọng và được quan tâm đúng mức. Trong triển khai thực hiện, được người dân đồng thuận cao chủ trương nên tạo mọi điều kiện và tích cực tham gia. Những thành quả hôm nay có được từ sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương”.

Bí thư Huyện ủy Tân Trụ - Nguyễn Ngọc Dãy

Song Hồng

Chia sẻ bài viết