Tiếng Việt | English

31/10/2023 - 09:03

Tân Trụ: Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn

Huyện Tân Trụ đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Đây được xem là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép đã và đang được huyện Tân Trụ, tỉnh Long An hướng đến.

Huyện Tân Trụ đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái (Trong ảnh: Đường ông Đồ Nghị với hàng cau vua đẹp mắt - điểm đến tham quan hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến huyện Tân Trụ)

Đánh thức tiềm năng

Quê hương Tân Trụ được biết đến là vùng đất giàu truyền thống cách mạng với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, nhiều di tích lịch sử (DTLS) văn hóa, lễ hội truyền thống được các cấp công nhận: Vàm Nhựt Tảo, Đám lá tối trời, Miễu Ông Bần Quỳ, Khu vực chợ Mỹ Bình, Khu vực Cống Bần, Đình Tân Phước Tây, Chùa Ông thị trấn Tân Trụ,...

Địa phương còn được bao bọc bởi 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây yên bình, thơ mộng, nơi đây cũng có nhiều làng nghề được gìn giữ và phát triển. Bên cạnh đó, huyện Tân Trụ còn có lợi thế về vị trí địa lý gần TP.HCM và sắp tới sẽ có Quốc lộ 50B đi qua - cửa ngõ về các tỉnh miền Tây. Đây là những điều kiện thuận lợi để huyện phát triển ngành du lịch sinh thái, sông nước, dã ngoại, nông thôn gắn với du lịch tâm linh, giáo dục truyền thống cách mạng, điểm đến của tour du lịch caravan (loại hình du lịch gồm tập thể các xe cá nhân tự lái),...

Một điểm nhấn quan trọng khác không kém khi nhắc đến huyện Tân Trụ chính là sự hào sảng, nồng hậu, chất phác, niềm nở, hiếu khách của con người nơi đây,... Những điều kiện trên đã hòa quyện vào nhau và tạo nên tiềm năng, lợi thế riêng biệt của quê hương Tân Trụ mà không một nơi nào khác có được.

Theo Phó Giám đốc Công ty ĐTM Travel - Lê Quốc Thịnh, so với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Tân Trụ có một số tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan nông thôn đẹp, làng nghề truyền thống được giữ gìn, lợi thế về DTLS có thể khai thác phát triển du lịch. Từ những thế mạnh đó, công ty quyết định đầu tư tour Tân Trụ quê hương em.

Học sinh giới thiệu với những nét nổi bật, cách làm các sản phẩm đặc trưng của huyện

Tour Tân Trụ quê hương em là sản phẩm du lịch nông thôn đầu tiên tại huyện Tân Trụ. Tham gia tour du lịch này, du khách được tìm hiểu Khu DTLS cấp quốc gia Vàm Nhựt Tảo - nơi ghi dấu chiến công hiển hách của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Sau đó, du khách được tham quan, trải nghiệm các làng nghề truyền thống thu nhỏ: Làng trống Bình An, làng dệt chiếu An Nhựt Tân, nghề làm bánh in, cảnh làng quê yên bình, nét độc đáo, khởi sắc của huyện nông thôn mới, DTLS, đôi dòng Vàm Cỏ,...

Tư duy mới Lực

lượng thuyết minh viên là học sinh các trường tiểu học, trung học trong huyện trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn du khách làm bánh in, làm chiếu lác, làm trống là điểm đặc biệt của tour. Không chỉ mang đến một cách giới thiệu, truyền tải gần gũi, chân thật mà còn là niềm tự hào của học sinh quê hương Tân Trụ, khi được tìm hiểu và giới thiệu về nét đẹp của địa phương mình.

Em Trần Nguyễn Hồng Trúc - học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nhựt Tảo (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ), tình nguyện viên giới thiệu sản phẩm du lịch Tân Trụ quê hương em, chia sẻ: “Em cảm thấy vinh dự và tự hào vì mình được giới thiệu với bạn bè cùng trang lứa về DTLS và các làng nghề truyền thống của quê hương. Qua những kiến thức và trải nghiệm, em cảm thấy yêu quê hương của mình hơn. Đặc biệt, khi tham gia chương trình này, em được học hỏi và tự tin khi giao tiếp”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trương Minh Trí nhấn mạnh: Với mong muốn đưa du lịch của huyện trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH của địa phương, huyện đã quy hoạch những khu vực, vùng đất, đưa các DTLS - văn hóa, làng nghề truyền thống vào danh mục ưu tiên để phát triển du lịch.

Đồng thời, huyện có chiến lược xây dựng, triển khai, thực hiện kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành về khảo sát, chọn lựa, đầu tư phát triển du lịch, sản phẩm du lịch mang những nét đặc trưng khác biệt so với các nơi khác.

Huyện chọn đối tượng học sinh làm tình nguyện viên thuyết minh về sản phẩm du lịch Tân Trụ quê hương em là bởi hàng năm, Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo đón lượng khách trên 10.000 học sinh đến tham quan. Với số lượng khách tham quan đông đảo như thế nhưng huyện vẫn chưa có doanh thu nào từ sản phẩm du lịch riêng cho chính mình.

Huyện Tân Trụ như là một địa điểm ghé qua trong hành trình tour về miền Tây của các công ty lữ hành cho đủ một ngày. Bởi thế, sản phẩm du lịch Tân Trụ quê hương em là bước khởi đầu trong lộ trình phát triển du lịch nông thôn nói chung và du lịch cộng đồng, sinh thái nói riêng tại huyện. Từ đây, kết nối với các khu di tích khác như Miễu Ông Bần Quỳ, Nhà cổ họ Lê và tham quan cánh đồng tôm vùng hạ, đường hàng cau vua,... để phát triển du lịch trong huyện. Dự kiến xây dựng từ tour nửa ngày sẽ nâng lên thành tour 1 ngày, sau đó thành tour 2 ngày 1 đêm.

Qua đó, du khách có thể thưởng thức ẩm thực mang đậm nét vùng nông thôn Tân Trụ như canh chua cá lóc, cá rô kho tộ, cháo gà thả vườn, đặc sản tép rong, cá trắng, cá bống nhảy cuốn bánh tráng, bần chua mắm linh, dưa hấu Tân Trụ,...

Học sinh thuyết minh, giới thiệu cho du khách biết về các di tích lịch sử - văn hóa của huyện

Ông Lê Quốc Thịnh nhận định: “Khi địa phương chọn học sinh làm tình nguyện viên thực hiện thuyết minh thiết kế tour dành cho học sinh và những gia đình có trẻ nhỏ du lịch, theo tôi đánh giá, đây là điểm mới, thú vị và rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay khi nhu cầu về du lịch hướng đến sự trải nghiệm của khách, học sinh được trực tiếp, tự tay mình làm ra một số sản phẩm truyền thống,... Ngoài ra sự lồng ghép tương tác giữa học sinh ở địa phương với du khách để giao lưu, tìm hiểu thêm về văn hóa địa phương cũng là điểm nổi trội của sản phẩm này”.

Ông Trương Minh Trí thông tin: “Sản phẩm du lịch Tân Trụ quê hương em chính là hướng đi mới, phù hợp với chiến lược phát triển du lịch nông thôn. Hướng đi này nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương trong huyện cũng như thể hiện trách nhiệm đối với việc phát triển du lịch.

Huyện Tân Trụ mong rằng thời gian tới, địa phương tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, các doanh nghiệp lữ hành, các công ty tìm hiểu, đầu tư phát triển ngành du lịch, khu lưu trú, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện”./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết