Tiếng Việt | English

30/03/2023 - 10:49

Tân Thạnh: Nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Thời gian qua, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An tập trung huy động các nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG), góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hoàn thành các tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới (NTM).

Xây dựng trường đạt CQG là một trong những tiêu chí "cứng" để hoàn thành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã NTM, NTM nâng cao. Xác định vấn đề này, thời gian qua, huyện Tân Thạnh tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng trường đạt CQG. Đến nay, huyện có 34/39 trường đạt CQG, dự kiến năm 2023, Trường Mầm non Kiến Bình và Trường Mầm non Nhơn Hòa được công nhận đạt CQG. Qua đó, huyện có 12/12 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2023.

Trường Tiểu học và THCS Tân Bình đạt chuẩn quốc gia năm 2022

Với hệ thống khuôn viên lớp học sạch sẽ, khang trang, đầy đủ các phòng chức năng phục vụ tốt nhu cầu dạy và học của thầy, trò nên năm 2022, Trường Tiểu học và THCS Tân Bình (xã Tân Bình) được công nhận đạt CQG. Đây là niềm vui lớn của thầy và trò nơi đây, góp phần giúp địa phương “về đích” xã NTM vào năm 2022. Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tân Bình - Châu Tiến Dũng cho biết: “Trước đây, cơ sở vật chất của trường xuống cấp, không đủ phòng học, phòng chức năng. Nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, trường được đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa nên diện mạo ngày càng khang trang, sạch đẹp, chất lượng giáo dục không ngừng nâng lên”.

Gắn bó với Trường Tiểu học và THCS Tân Bình từ năm 2011 đến nay, cô Nguyễn Thị Tỉnh Trực Thân (giáo viên dạy môn Toán) vẫn không quên được những ngày đầu khi được phân công về giảng dạy tại đây. Ký ức của cô gắn liền với những phòng học xập xệ, bàn ghế cũ kỹ, không có máy chiếu, sân chơi cho học sinh; còn Ban Giám hiệu, thầy cô giáo chỉ được bố trí một phòng nghỉ ngơi, sinh hoạt, không có hội trường và phòng họp.

Cô Trực Thân chia sẻ: “Để có được ngôi trường khang trang như hiện nay, thầy và trò cùng nhau vượt qua những tháng ngày khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất và nguồn lực. Chính tình yêu thương, sự tâm huyết dành cho học sinh vùng sâu đã giúp các thầy, cô giáo có thêm động lực phấn đấu, nhất là sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành. Tôi cảm thấy rất tự hào vì đóng góp được một phần công sức vào thành quả giáo dục của trường”.

Bên cạnh kết quả đã đạt, huyện còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng trường đạt CQG như công tác kêu gọi xã hội hóa xây dựng trường đạt CQG chưa nhiều, trong khi huyện thuộc vùng trũng nên khi xây dựng trường CQG cần nguồn kinh phí nhiều hơn các địa phương khác.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tân Thạnh - Trần Quang Hoàng cho biết: “Xây dựng trường CQG là chủ trương lớn, mang tính chiến lược của ngành GD&ĐT, bởi chuẩn hóa về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường là điều kiện để nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới sự nghiệp GD&ĐT. Dù đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng ngành GD&ĐT huyện vẫn tiếp tục nỗ lực hoàn thành các tiêu chí về xây dựng trường đạt CQG. Thời gian tới, ngành tiếp tục phát huy lợi thế sẵn có như quỹ đất lớn, số lượng học sinh ít nên cơ bản đáp ứng được các tiêu chí về diện tích khuôn viên nhà trường, sĩ số học sinh trên lớp,... Còn đối với những tiêu chí cần nguồn kinh phí đầu tư, huyện sẽ tranh thủ nguồn lực từ các cấp, các ngành”./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết