Tiếng Việt | English

05/10/2018 - 04:06

Tân Lập nỗ lực nâng cao đời sống người dân

9 tháng năm 2018, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn không ngừng được cải thiện, đời sống người dân ngày càng nâng lên.

Hiện nay, 3/3 trường học trên địa bàn xã đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia (Trong ảnh: Trường Tiểu học Tân Lập)

Đẩy mạnh phát triển kinh tế

Là xã thuần nông, sản xuất lúa vẫn là kinh tế chủ lực của Tân Lập. Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, giúp người dân cải thiện thu nhập, Đảng ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các hội, đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương. Hiện nay, ngoài cây lúa, người dân còn trồng sen (253ha), dưa (54ha), mướp (2ha) và một số loại cây ăn trái.

Dù không nằm trong vùng quy hoạch của huyện nhưng Tân Lập cũng chủ động thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa. Theo đó, xã vận động người dân từng bước áp dụng hình thức cấy lúa bằng máy trên diện tích 16ha tại ấp 7. Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng nông sản. 9 tháng năm 2018, toàn xã gieo sạ được 6.938ha lúa (tăng 607ha so cùng kỳ), đạt trên 110% kế hoạch. Sản lượng lúa đạt 37.852 tấn. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận khoảng 18 triệu đồng/ha.

Anh Phạm Văn Lấy, SN 1978, ngụ ấp 2, vui mừng cho biết: “Nhờ có hệ thống đê bao ngăn lũ, các kênh, rạch được nạo vét, khơi thông thường xuyên, những năm qua, người dân trong ấp sản xuất 3 vụ lúa/năm. Cán bộ khuyến nông còn tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân nên sản xuất ngày càng thuận lợi, năng suất đạt từ 5 đến 8-9 tấn/ha/vụ. Không chỉ vậy, xã còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp để phát triển sản xuất”.

Được biết, vụ Hè Thu năm 2017, do nước lũ về sớm và cao hơn mọi năm, nông dân Tân Lập bị thiệt hại khá nhiều (gần 50ha). Nhằm giúp nông dân sớm ổn định sản xuất, chính quyền địa phương phối hợp các ngành, đoàn thể tập trung vận động người dân gia cố 19/37 đê bao còn thấp, với chiều dài 38km. Từ đầu năm 2018 đến nay, xã tiếp tục vận động người dân tự gia cố đê bao, tuân thủ lịch thời vụ được khuyến cáo. Vì vậy, vụ Hè Thu 2018 không có diện tích lúa bị thiệt hại do lũ gây ra.

Đầu tư kết cấu hạ tầng

Một trong những khó khăn của Tân Lập hiện nay chính là hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Đây cũng là tiêu chí cần nguồn vốn đầu tư lớn nhưng nguồn lực Nhà nước có hạn, vì vậy, cần có sự chung sức, đồng lòng của người dân. Xác định được điều này, Đảng ủy, chính quyền chỉ đạo các hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa to lớn của chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó tự nguyện, tích cực tham gia thực hiện cùng địa phương.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập - Nguyễn Thị Thanh Hoa, năm 2018, Tân Lập triển khai 18 công trình xây dựng cơ bản. Trong đó, 2 công trình do UBND xã làm chủ đầu tư gồm: Đường cặp kênh Thanh Niên và sân đường, nhà xe UBND xã đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Còn 16 công trình do tỉnh, huyện làm chủ đầu tư, hầu hết là các công trình thủy lợi, đến nay đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đang triển khai thi công.

Ông Phan Văn Luận - Trưởng ấp 2, chia sẻ: “Lúc trước, ở đây toàn là đường đất; trường học, trạm y tế xã đâu được khang trang như bây giờ. Nhờ triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã văn hóa mà bộ mặt địa phương không ngừng đổi mới. Người dân rất đồng tình với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và phấn khởi vì được góp sức cùng chính quyền địa phương thực hiện các công trình”.

Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật, việc sản xuất lúa của người dân ngày càng thuận lợi, năng suất đạt từ 5 đến 8-9 tấn/ha/vụ

Qua rà soát theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Long An đến năm 2020, Tân Lập chỉ mới đạt 9/19 tiêu chí. Với phương châm “dễ làm trước”, trong năm 2018, xã đề ra mục tiêu phấn đấu đạt thêm 3 tiêu chí: Tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, quốc phòng và an ninh. Đến nay, xã thành lập Hợp tác xã Lập Thành Phát và tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân. Trụ sở quân sự xã cũng vừa được sửa chữa xong từ trạm y tế cũ, góp phần hoàn thành tiêu chí quốc phòng và an ninh. Về tiêu chí giáo dục và đào tạo, sau khi sáp nhập Trường Tiểu học Tân Lập và Trường Tiểu học Nguyễn Thị Tám thành Trường Tiểu học Tân Lập, trên địa bàn xã hiện còn 3 trường học và đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Qua 9 tháng triển khai thực hiện nghị quyết năm 2018, với nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân, những khó khăn, vướng mắc của Tân Lập từng bước được tháo gỡ, nhiều chỉ tiêu nghị quyết đạt và vượt so với kế hoạch./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết