“Mặc đồ bảo bộ suốt ngày, tuy mệt nhưng khi đồng nghiệp cũ, bệnh nhân cũ nhận ra giọng nói của tôi, họ chào hỏi, tôi rất vui!” - bác sĩ Nguyễn Thị Ngoan
Xung phong lên đường
Tại huyện Tân Trụ, một trong những thầy thuốc tình nguyện hỗ trợ phòng, chống dịch đầu tiên là bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Ngoan - nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. BS Ngoan (SN 1960, khu phố Tân Bình, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ) về hưu năm 2015. Khi còn đương nhiệm, ngoài nỗ lực, cố gắng để xây dựng TTYT huyện ngày càng phát triển, BS Ngoan còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Với tâm huyết của một thầy thuốc, dù đã nghỉ hưu nhưng bà luôn trăn trở muốn góp sức mình để cứu người, giúp đời.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thấu hiểu những khó khăn mà đồng nghiệp phải đối mặt, bà đã xung phong tình nguyện tham gia phòng, chống dịch tại địa phương. BS Ngoan kể: “Ngày 03/8/2021, Giám đốc TTYT huyện Tân Trụ - BS Tạ Ngọc Ẩn đã viết thư ngỏ kêu gọi toàn thể các cô, bác, anh chị em cán bộ y tế phát huy tinh thần tiên phong, nhiệt huyết, mang tâm sức, kinh nghiệm quý báu đồng hành cùng ngành Y tế chiến thắng dịch bệnh. Thấy vậy, tôi nhắn tin vào nhóm đăng ký tham gia ngay. Thời điểm đó còn có BS Tuấn, BS Hồ Thị Chính là đồng nghiệp cũ của tôi và nhiều y, BS khác cùng đồng tình hưởng ứng”. Được biết, BS Ngoan hỗ trợ công tác khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.
“Địa phương còn tiêm vắc-xin là tôi còn đi hỗ trợ”, đó là câu nói của BS Nguyễn Văn Tầm (SN 1960, xã Long Trạch, huyện Cần Đước), người đã có hơn 44 năm gắn bó với ngành Y. Chính thức về hưu vào tháng 6/2020 nhưng trong 2 năm qua, khi ngành Y tế địa phương cần bất cứ sự hỗ trợ nào, BS Tầm đều sẵn lòng tham gia.
Thời điểm dịch bệnh bùng phát, Cần Đước là một trong những địa phương “vùng đỏ” của tỉnh. Với dịch bệnh chưa có tiền lệ, ngành Y tế huyện gặp nhiều khó khăn trong việc phòng, chống, nhất là thiếu nguồn nhân lực. Nhiều năm gắn bó với công tác điều trị, BS Tầm thấu hiểu nỗi vất vả của những người tham gia chống dịch, nhất là các y, BS, điều dưỡng trực tiếp điều trị người bệnh đang từng ngày đối mặt với nguy hiểm. Do đó, ông suy nghĩ và tình nguyện đồng hành cùng ngành Y tế địa phương, hỗ trợ công tác tiêm ngừa, với mong mỏi đẩy nhanh tiến độ miễn dịch cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân, sẻ chia vất vả với đồng nghiệp.
BS Tầm bộc bạch: “Thời điểm đó, tuy sợ bệnh lây nhiễm cho gia đình nhưng tôi thấy có những cụ già đã 70, 80 tuổi còn đi hỗ trợ, mình trẻ hơn thì đương nhiên phải đi. Đó là trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc”.
Giám đốc TTYT huyện Cần Đước - BS Trương Văn Hoàng bày tỏ: “Mệnh lệnh trái tim, tấm lòng người BS là động lực để nhiều thầy thuốc về hưu sẵn sàng đến các tâm dịch, điểm nóng về Covid-19. BS Tầm là người hết lòng vì sức khỏe người dân, góp phần làm đẹp hình ảnh về người thầy thuốc trong lòng người dân”.
“Một mũi thuốc là một nỗi lo”
Những ngày cao điểm, BS Ngoan hỗ trợ công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 từ 6 giờ đến 20 giờ mỗi ngày, tại xã Nhựt Ninh, Đức Tân và thị trấn Tân Trụ. Bà phụ trách khám sàng lọc trước khi tiêm. Trong giai đoạn tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1, BS Ngoan cảm thấy rất áp lực. Bà chia sẻ: “Lúc đó tôi rất lo, mỗi mũi thuốc là một nỗi lo, nhất là đối với người già có bệnh nền. Do đó, tôi khám sàng lọc rất kỹ. Nhưng sau đó vài ngày thì anh em trong ê-kíp đã dần quen, từ đó rút ra được nhiều kinh nghiệm nên bớt lo hơn. Thời điểm đó, 1 ngày có khi chúng tôi tiêm đến 1.000 người”.
“Mang trên mình bộ đồ bảo hộ từ sáng đến tối, tuy nhiều lúc mệt nhưng tôi rất vui. Vui vì hỗ trợ được nhiều người, vui vì được gặp lại bạn bè, đồng nghiệp cũ và địa phương cũng rất quan tâm, quý mến chúng tôi” - BS Ngoan bày tỏ.
Giám đốc TTYT huyện Tân Trụ - BS Tạ Ngọc Ẩn cho biết: “Lãnh đạo TTYT huyện rất hoan nghênh và đánh giá cao việc tình nguyện tham gia chống dịch của các y, BS, nhất là những cán bộ đã nghỉ hưu, có nhiều kinh nghiệm như BS Nguyễn Thị Ngoan. Cũng nhờ đó mà công tác tiêm vắc-xin được đẩy nhanh tiến độ. Nỗ lực chung của các y, BS đã góp phần đẩy lùi dịch bệnh, “Khi yêu nghề thì tất cả khó khăn mình đều vượt qua cả. Quan trọng hơn nữa, mình là thầy thuốc thì phải hết lòng vì sức khỏe người dân” - bác sĩ Nguyễn Văn Tầm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân và đưa Tân Trụ dần trở lại cuộc sống “bình thường mới””.
3 người thân ra đi vì bệnh Covid-19, trong lòng BS Nguyễn Văn Tầm luôn canh cánh những nỗi lo và cố gắng giúp đỡ mọi người. Tại huyện Cần Đước, hầu như tất cả điểm tiêm ngừa đều có BS Tầm tham gia. Đội tiêm ngừa của huyện triển khai ở đâu là ông đi hỗ trợ đến đó, từ tiêm cho tuyến đầu chống dịch, đến người dân, học sinh. Chuyện đi sớm, về khuya đã không còn xa lạ với BS Tầm. Ông rong ruổi trên chiếc xe máy qua khắp các con đường để đến điểm tiêm ngừa trên địa bàn huyện.
“Khi yêu nghề thì tất cả khó khăn mình đều vượt qua cả. Quan trọng hơn nữa, mình là thầy thuốc thì phải hết lòng vì sức khỏe người dân” - bác sĩ Nguyễn Văn Tầm
BS Tầm chia sẻ, vì chịu trách nhiệm chính nên ông khám sàng lọc rất cẩn thận trước khi tiêm, không để xảy ra rủi ro. Thời gian đầu tiêm ngừa, lo sợ biến chứng, ông đo huyết áp, nhịp tim, hỏi han kỹ người dân có mang thai, có con nhỏ không,... Huyện cũng có 1, 2 ca sốc thuốc nhưng cấp cứu kịp thời nên sức khỏe ổn định. Tiêm mũi 2 thì tâm lý thoải mái hơn, ông hỗ trợ hết mức để tất cả người dân đều được tiêm vắc-xin sớm nhất. Có những cụ già không đến tiêm được, đội tiêm sẵn sàng đến tận nhà hỗ trợ.
“Đi rồi mới hiểu và thương những đồng nghiệp điều trị bệnh nhân trong phòng cấp cứu. Họ mặc đồ bảo hộ suốt, đổ mồ hôi, mất nước, khát cũng không dám uống. Tất cả những gì chúng tôi nỗ lực chỉ mong bảo vệ tốt sức khỏe người dân. Người dân không bệnh là mình không bệnh, người dân sống là mình sống. Là thầy thuốc, mình phải có trách nhiệm với người dân” - BS Tầm tâm sự.
Phát tâm từ thiện, từ năm 2013 đến nay, BS Tầm thành lập Phòng khám Đông y thiện nguyện tại Trạm Y tế xã Mỹ Lệ (huyện Cần Đước), hỗ trợ khám, châm cứu, phát thuốc cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Với chất lượng phục vụ tốt, phòng khám tạo được lòng tin với bệnh nhân nên số lượng người đến thăm khám, bốc thuốc tại đây ngày càng đông, không chỉ người dân địa phương mà còn ở nhiều nơi khác: Đắk Lắk, Đồng Tháp, Tiền Giang,...
Hơn bao giờ hết, sự đóng góp, cống hiến của những tình nguyện viên “đặc biệt” như BS Ngoan và BS Tầm kịp thời “chia lửa” với đồng nghiệp trẻ, đóng góp cùng ngành Y tế tỉnh đẩy lùi dịch Covid-19./.
Trà Long