Bài 3: Doanh nghiệp sẵn sàng tái sản xuất
Long An đang từng bước mở cửa kinh tế trở lại nên các doanh nghiệp (DN) cũng bắt đầu khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Chúng tôi đã sẵn sàng”
Công ty (Cty) TNHH Jia Hsin (100% vốn đầu tư của Đài Loan) chuyên sản xuất dép xốp đi biển EVA, có trụ sở chính và nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Cầu Tràm, xã Long Trạch, huyện Cần Đước. Theo đại diện Cty TNHH Jia Hsin, để phối hợp chống dịch cùng địa phương, đơn vị cho tạm dừng hoạt động từ ngày 13-7.
Mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn, gây thiệt hại về kinh tế nhưng đơn vị cũng cố gắng bảo đảm công tác an sinh xã hội, phối hợp địa phương tổ chức chăm lo, chia sẻ khó khăn với công nhân (CN) để họ bớt vất vả. “Hiện nay, Long An có kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây là tín hiệu tích cực để DN nỗ lực, tái sản xuất và phục hồi khi dịch bệnh dần được kiểm soát.
Khi tái sản xuất, Cty cùng Ban Quản lý Khu công nghiệp Cầu Tràm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, chuẩn bị đầy đủ về y tế để có thể xử lý kịp thời nếu dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, Cty sẽ phối hợp địa phương, ngành chức năng trong phòng, chống dịch” - đại diện Cty TNHH Jia Hsin cho hay.
Người lao động (NLĐ) khi trở lại Cty làm việc bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, theo thống kê, CN của Cty được tiêm vắc-xin mũi 1 đạt 87%, mũi 2 đạt 25%. Cty chủ động “giữ chân” NLĐ trong thời gian qua nên khi khôi phục hoạt động sẽ có đủ người để sản xuất.
Bước đầu, khi tái sản xuất, Cty cũng gặp những băn khoăn nhất định. Trong đó, Cty mong địa phương hỗ trợ cơ chế cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, nhập nguyên vật liệu. Đồng thời, mong muốn tỉnh tạo điều kiện, kiến nghị cấp trên xem xét cơ chế, chính sách thuế, tiền điện để giúp Cty vượt qua khó khăn lúc này.
Doanh nghiệp sẵn sàng tái sản xuất
Tái sản xuất - nhu cầu cần thiết
Các DN nhận định, những tháng cuối năm 2021 là "giai đoạn nước rút" để có thể hoàn thành kế hoạch năm nên việc tái sản xuất, kinh doanh đang là nhu cầu cấp thiết.
Do đặc thù của ngành nghề nên khoảng 3 tháng qua, Cty TNHH Giày Đông Việt (Khu công nghiệp Thuận Đạo mở rộng) phải tạm ngưng hoạt động. Theo Trưởng phòng Tài vụ Cty - Nguyễn Kim Phụng, Cty có khoảng 800 CN, trong đó ở Long An khoảng 500 người, còn lại là ngoài tỉnh. Thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, Cty gặp rất nhiều khó khăn, tất cả lượng hàng tồn đọng trước đó đều không có hướng giải quyết do phải sản xuất theo mùa.
“Tôi thấy Long An cho mở cửa lại thời điểm hiện nay là kịp thời vì hiện tại có nhiều DN đã bắt đầu “đuối sức” sau thời gian dài giãn cách xã hội. Chúng tôi là DN nhỏ, ít CN nên cho dù có thiệt hại vẫn không bằng so với những DN lớn. Khi tái sản xuất, chúng tôi tuân thủ theo quy định của lãnh đạo tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch. DN cũng tính toán sẵn phương án khi mở cửa lại có thể gặp khó khăn do thiếu hụt LĐ. Vì vậy, có thể cắt giảm dây chuyền sản xuất, giảm lượng hàng để duy trì được chi phí thuê nhà xưởng, CN,... Từ đó, bảo đảm có thể “trụ nổi” trong giai đoạn hiện nay” - bà Phụng cho biết.
Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Trầm (CN Cty Cổ phần Bao bì Đại Lục, Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) chia sẻ: “Khi dịch bệnh xảy ra, Cty thực hiện phương án “3 tại chỗ”, tôi đăng ký làm việc. Lúc đó, dù gặp khó khăn do dịch bệnh, đơn hàng giảm rất nhiều nhưng để giữ chân CN, Cty đã hỗ trợ lương bằng cách giải quyết chế độ nghỉ phép năm để CN có một khoản tiền trang trải cuộc sống. Khi dịch bệnh được kiểm soát, tôi được tiêm vắc-xin. Hiện tại, nhiều CN ngụ tỉnh Tiền Giang vẫn chưa trở lại làm việc được, chúng tôi đồng ý tăng ca để đồng hành cùng Cty vượt khó”.
Liên kết vùng - cùng phát triển
Hầu hết DN đều mong muốn có một cơ chế, chính sách chung để phục hồi kinh tế. Các tỉnh, thành phố trong khu vực cùng với TP.HCM phải tạo nên một sự kết nối đồng bộ, từ đó mới có thể tạo "đòn bẩy" để phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
Theo Tổng Giám đốc Cty TNHH Hoàn Cầu Long An - Trần Ngọc Nhật, mỗi DN có những khó khăn khác nhau do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông cho rằng, chủ trương, kế hoạch phục hồi sản xuất thống nhất không chỉ trong tỉnh mà phải mang tính liên vùng, mở cửa phục hồi sản xuất phải theo tầm khu vực, cần có sự đồng bộ, các biện pháp phục hồi sản xuất phải theo tầm vĩ mô vùng, tính toán chuỗi cung ứng đầu vào - đầu ra của DN, hỗ trợ DN thuận lợi hơn trong vấn đề sản xuất.
“Riêng Cty Hoàn Cầu Long An đã linh động tổ chức nhiều phương án làm việc, hỗ trợ cuộc sống nhân viên, triển khai tiêm vắc-xin cho cán bộ, CNLĐ. Bên cạnh đó, Cty cũng đưa ra các kịch bản cụ thể để tái hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị cho giai đoạn ổn định và phát triển mạnh mẽ khi dịch bệnh đi qua” - ông Nhật nói.
Còn Giám đốc Cty Hòa Thành Long An, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN trẻ Long An - Võ Thanh Tú cho rằng: Nhiều DN sau thời gian dài giãn cách, hiện nay như “chết lâm sàng”, tâm lý CN sản xuất “3 tại chỗ” cũng dao động. Đối với việc sản xuất cần có cả một chuỗi kết nối từ nguyên vật liệu, phụ tùng, vận tải,... thì DN mới có thể khôi phục hoạt động được.
Đôi khi trong quá trình hoạt động, máy móc hư hỏng cần thay thế một chi tiết nhỏ nhưng phải cần người, thiết bị từ TP.HCM, Bình Dương,... mới có thể sửa chữa để vận hành. NLĐ cũng vậy, nhiều khi chỉ thiếu một người cũng ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất. Vì vậy, khi tái sản xuất, nhất thiết phải chú ý đến yếu tố liên kết vùng./.
Nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều buổi đối thoại và thành lập nhiều đoàn công tác để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 5.000 DN đã hoạt động trở lại, trong đó có hơn 1.360 DN sản xuất với 99.200 LĐ (tăng thêm 604 DN và tăng 56.580 LĐ so với trước khi triển khai kế hoạch phục hồi sản xuất), chiếm gần 40% tổng số DN đăng ký kinh doanh và 4.000 DN kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu. |
(còn tiếp)
Thanh Nga