Bài cuối: Nỗi đau người ở lại
Cứ ngỡ cuộc sống của 3 mẹ con sẽ trôi qua êm đềm nhưng chẳng thể nào được. TNGT xảy ra, cướp mất của bà Nguyễn Thị Lời đứa con ngoan, gieo cho người ở lại nỗi đau chẳng thể nguôi ngoai theo năm tháng.
Ngậm ngùi cảnh tóc bạc tiễn đầu xanh
"Ngày trước, cha mẹ sinh tôi ra đặt tên Lời, cái tên lạ lạ với nữ nhưng cũng mang theo mong muốn cuộc đời đừng “lỗ”", bà Lời chia sẻ. Vậy nhưng, cái tên đó lại trái ngược với cảnh đời khó khăn, nhiều buồn đau của bà. Bốn năm nay, bà Nguyễn Thị Lời (ấp 5, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) ít khi có một đêm ngon giấc. Cứ mỗi lần chập chờn vào giấc ngủ, đêm kinh hoàng 4 năm trước lại hiện về trong tâm trí. Nó ám ảnh cuộc đời bà - dai dẳng, khó nguôi. Đêm đó, nhận tin con trai bị TNGT, bà như chết lặng. “3 giờ sáng, Công an xã gọi báo tin con trai tôi bị va chạm xe ở gần cầu Cái Tâm, huyện Bình Chánh. Sau một hồi “đứng như trời trồng”, tôi định tâm lại, tức tốc lên TP.HCM tìm gặp con” - bà Lời kể lại.
Đến nơi, bà khuỵu xuống khi nghe nhân viên Bệnh viện huyện Bình Chánh, nói: “Bà đến nhà xác bệnh viện nhận dạng con”. Nhìn con bất động nằm đó, toàn thân phủ trùm tấm vải trắng, bà chết điếng. Nước mắt đã không thể nào rơi vì nỗi đau quá lớn. Nhớ lại tình cảnh năm ấy, bà Lời vừa khóc, vừa nói: “Lúc đó, tôi không thể khóc được nữa. Nghẹn ngào như nước mắt chảy ngược vào trong tim”.
Mất người thân đã là đau đớn vô cùng. Cảnh người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh lại càng đau hơn, như cứa sâu vào tim gan người mẹ. Bà Lời xót thương đứa con xấu số, chưa kịp tròn ước nguyện báo hiếu cho mẹ mà đã đi xa. Đau lòng nhìn con lần cuối nhưng bà cố nén bi thương để lo hậu sự. Khi nhân viên thông báo đóng phí giữ xác và hoàn thành thủ tục đưa anh Nguyễn Hoàng Sơn - con trai của bà về, bà vội lục tìm trong túi nhưng chẳng đủ số tiền 600.000 đồng như bệnh viện yêu cầu. Đứa cháu thấy thế đã cho bà số tiền này để đóng cho bệnh viện. “Lúc này, người ta kêu mua quan tài để đưa con về nhưng tui không có tiền. Nhà nghèo quá, con mất mà tui cũng chẳng đủ tiền để lo mai táng cho con” - bà Lời ngậm ngùi tâm sự.
Thắp nén nhang lên bàn thờ con, bà Nguyễn Thị Lời (ấp 5, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức) nghẹn ngào nói: "Con ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ"
Thấy hoàn cảnh bà đáng thương, bệnh viện nhờ nhóm từ thiện hỗ trợ. Chuyến xe đưa con trai bà đến chùa và chở đi hỏa táng đều nhờ những người làm thiện nguyện hỗ trợ. Từ sau ngày đó, con trai bà an nghỉ lại chùa, bà trở về tiếp tục gánh mưu sinh.
Cứ ngỡ những lo toan, vất vả trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày sẽ làm bà dần nguôi ngoai nỗi đau mất con. Nhưng nỗi đau ấy cứ âm ỉ trong lòng, để rồi mỗi chiều thắp nhang lên bàn thờ con, bà lại khóc. Có lúc, bà thẫn thờ đứng nhìn di ảnh con rồi tự nói: “Con mất rồi, vách nhà hồi trước con sơn còn dang dở chưa xong”. Bà nói trước bàn thờ con trai như tự vỗ về nỗi đau cho mình mà nỗi đau ấy thì mãi chưa lành suốt 4 năm qua.
Theo Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh - Nguyễn Hoài Phong, TNGT xảy ra có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có lý do người điều khiển phương tiện chưa chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông. Trong nỗ lực kéo giảm TNGT, tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Ngoài đầu tư hạ tầng giao thông và khắc phục những hư hỏng, xuống cấp, bất cập về hạ tầng thì công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được tăng cường, đẩy mạnh. Khoa học - kỹ thuật, camera giám sát được đưa vào vận hành trong xử lý vi phạm về giao thông góp phần tạo tính răn đe cho người dân,... Cùng với đó, các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong cộng đồng và kiên trì xây dựng văn hóa giao thông.
|
Thân già lặn lội mưu sinh
Bà Lời có 2 người con trai, anh Sơn lanh lẹ, hoạt bát nhất, đỡ đần bà nhiều việc. Từ ngày anh Sơn mất do TNGT, bà mất đi một lao động chính. Kinh tế gia đình vốn khó khăn vì thế càng thêm khó khăn. “Hồi trước, thằng Sơn làm thợ sơn nước ở TP.HCM nên cũng có "đồng ra đồng vô" phụ mẹ. Nó hiếu thảo lắm, cứ nói với tôi ráng làm kiếm tiền phụ mẹ lo cho em. Đi làm xa nhà nhưng nó vẫn thường xuyên về thăm mẹ, thăm em. Đường xa, xe cộ đông đúc nên mỗi lần rời nhà, nó đều nói với tôi “con chạy chậm, cẩn thận, mẹ cứ an tâm, đừng lo”. Vậy mà...” - bà trĩu nặng bỏ lửng lời nói, nước mắt lã chã rơi.
Trước đây, ngày anh Sơn còn sống, cuộc sống tuy nghèo nhưng hạnh phúc trọn vẹn. Tình duyên với chồng gãy gánh, bà Lời còn 2 người con trai là niềm vui sống. Mọi vui, buồn, 3 mẹ con hủ hỉ có nhau, nương tựa nhau sống bình yên qua năm tháng. Ngày ngày, bà đi làm thuê nuôi 2 con khôn lớn. Đến khi các con trưởng thành, tưởng chừng đời bà bớt nhọc nhằn, lo toan. Nào ngờ, tai nạn ập đến, anh Sơn vĩnh viễn ra đi, thân già mái tóc pha sương lại tiếp tục lặn lội mưu sinh, cùng đứa con trai còn lại bươn chải kiếm sống qua ngày.
Chân yếu, đi lại phải dùng gậy nên bà chẳng thể rong ruổi xa trên nhiều nẻo đường như nhiều người bán vé số khác. Kê cái bàn nhỏ ven ngã tư đường cách nhà không xa, bà ngồi bán vé số cho khách qua lại, thỉnh thoảng đi quanh quẩn gần nhà bán cho bà con lối xóm. Hàng xóm thương nên thường mua ủng hộ để bà có chút ít tiền trang trải cuộc sống.
Kê cái bàn nhỏ ven ngã tư đường cách nhà không xa, bà Nguyễn Thị Lời (ấp 5, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức) ngồi bán vé số cho khách qua lại
Từ ngày anh Sơn mất, anh Nguyễn Hoàng Minh (33 tuổi) - con út của bà thay anh trai đỡ đần cho mẹ. Mỗi ngày, anh ra nơi ngã tư đường phụ bà bán vé số. Cứ thế, cuộc sống của 2 mẹ con nhờ vào số tiền bán hơn 120 tờ vé số mỗi ngày. Thỉnh thoảng, hàng xóm có bó rau, con cá cũng mang sang cho mẹ con bà. Họ mong tình chòm xóm sẽ phần nào xoa dịu nỗi đau mất con của bà Lời.
“Chính quyền địa phương cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, tặng quà vào các dịp lễ, tết. Đặc biệt, gần tới Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT, tỉnh, huyện, xã cũng đến thăm, chia sẻ nỗi đau cùng gia đình” - bà Lời cho biết.
Long An là địa bàn cửa ngõ miền Tây Nam Bộ, tiếp giáp TP.HCM, có nhiều tuyến đường quan trọng, huyết mạch kết nối liên vùng như Quốc lộ 1, 62, N2, 50 và tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương ngang qua nên lượng người và phương tiện lưu thông hàng ngày rất lớn, ngày càng tăng. Vì vậy, tình hình giao thông cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Từ năm 2020 đến hết tháng 7/2024, toàn tỉnh xảy ra 1.273 vụ TNGT đường bộ, làm chết 873 người, bị thương 611 người. Lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 153.400 trường hợp với hơn 240.100 lỗi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; xử phạt hơn 293,6 tỉ đồng; tạm giữ 1.900 ôtô, hơn 49.200 xe môtô, gắn máy và 644 phương tiện khác. Ngoài ra, áp dụng các biện pháp khác như tước quyền sử dụng giấp phép lái xe có thời hạn gần 25.000 trường hợp.
Trong đó, chỉ riêng 10 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 270 vụ TNGT đường bộ, làm chết 166 người, bị thương 155 người.
|
Từ chuyện nhà, tôi mong mọi người lái xe cẩn thận
Vừa qua, khi Đoàn của Ban An toàn giao thông tỉnh, lãnh đạo địa phương đến thăm gia đình có người tử vong do TNGT, bà Lời không ngại sẻ chia, kể lại câu chuyện đau thương của gia đình. “Có lẽ ít ai muốn nhắc lại chuyện đau buồn trong quá khứ nhưng tôi kể lại chỉ để mong qua chuyện nhà tôi, mọi người hãy cẩn thận khi lái xe” - bà Lời nói.
Theo lời bà kể, anh Sơn - con trai bà có thói quen đi xe rất chậm, không uống rượu, bia khi lái xe. Tai nạn xảy ra với anh là do một phương tiện khác va chạm vào. Điều đáng trách, người gây tai nạn bỏ chạy sau khi va chạm với xe của anh Sơn. Nói đến đây, bà Lời không kìm được nước mắt. Lời bà nói nghe thật xót xa: “Con mất khi mới tuổi 33. Ước nguyện báo hiếu mẹ, lo cho em mãi chẳng thành hiện thực được”.
“Thằng Sơn còn nói khi nào có tiền, mẹ con mình mua miếng đất nhỏ, xây căn nhà đủ làm nơi đi về của 3 mẹ con” - bà Lời nói thêm. Nhưng rồi anh Sơn mất, ước mơ bình dị ấy cũng theo anh về miền viễn xứ. Ngày qua ngày, 2 người còn lại vẫn sống trong căn nhà vỏn vẹn 36m2 cất nhờ trên phần đất của người bà con trong thân tộc ở ấp 5, xã Tân Bửu.
Mỗi lần nhớ lại những ước mơ, những lời chuyện trò, tâm sự như thế của con, bà Lời lại quặn lòng đau đớn. Nỗi đau ấy ám ảnh bà, ánh ảm biết bao nhiêu gia đình có người tử vong vì TNGT. Vì thế, kìm lòng kể lại chuyện đã qua, bà Lời mong rằng “TNGT sẽ giảm để không có gia đình nào phải chịu nỗi đau dai dẳng như tôi”. Bà còn gửi thông điệp: “Qua câu chuyện bi thương của gia đình tôi, mọi người đi đường ráng giữ an toàn cho mình và cho người khác, đừng phóng nhanh, vượt ẩu dễ gây tai nạn”.
Chiều nay, bán hết xấp vé số, bà Lời lại chống gậy lững thững đi về ngôi nhà cũ - ngôi nhà nằm ven dòng sông Chợ Đệm mà 4 năm nay chỉ còn một già, một trẻ. Trong ngôi nhà ấy, niềm vui, tiếng cười đã không còn trọn vẹn như xưa vì một người đã vắng bóng do TNGT. Niềm đau xót, thương nhớ người mất cứ âm ỉ trong lòng người ở lại dẫu chẳng nói ra.
Thắp nén nhang lên bàn thờ con, bà Lời mếu máo nói: “ Tội nghiệp con ra đi khi đời còn quá trẻ”. Ngoài trời cũng bắt đầu đổ mưa, bầu trời xám xịt những đám mây đen kéo đến, người mẹ già gần 70 tuổi cầm di ảnh con trai mà lòng héo hắt nỗi buồn, nhớ thương. TNGT để lại hậu quả đau lòng như thế đó! Vì vậy, khi điều khiển xe, hãy nhớ phía trước tay lái là sự sống!./.
Lê Đức