Tiếng Việt | English

20/06/2019 - 15:49

Tác nghiệp thời công nghệ số

Trong thời đại số, với việc ứng dụng công nghệ hiện đại, để tồn tại và phát triển, báo chí phải có những thay đổi.

Với sự hỗ trợ từ những phương tiện, phóng viên tác nghiệp nhanh, gọn 

Nhanh, đúng, trúng

Nhà báo Quang Hợp, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, cho rằng, thời đại ngày nay với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các loại hình báo chí, những người làm truyền hình cần thay đổi để bắt kịp xu hướng của thời đại. Anh chia sẻ, vấn đề đặt ra cho nhà sản xuất truyền hình hiện nay là một sản phẩm truyền hình phải có ít nhất 3 phiên bản khác nhau. Đó là tivi, laptop, điện thoại thông minh. Người xem trên điện thoại di động nhu cầu khác người xem trên tivi và laptop. Giờ đây, khán giả đòi hỏi xem truyền hình một cách chủ động, được tham gia vào sự kiện và họ cố kết với nhau chứ không biệt lập, họ truyền tin cho nhau. Đây là vấn đề 2 mặt mà mỗi người làm truyền hình phải hết sức cẩn thận khi quyết định đưa hay không đưa một thông tin nào đó. Do đó, vấn đề đưa tin nhanh, chủ động, chính xác là đòi hỏi sống còn của những người làm truyền hình. “Ví dụ: Nhiều vấn đề trước đây như bạo hành, xâm hại tình dục,... rất ít trên loại hình báo hình (do khó thể hiện về hình ảnh), nay với sự tiếp sức của công nghệ, nhiều nhà báo tạo ra được những tác phẩm truyền hình thuyết phục người xem trên lĩnh vực này. Trước những vấn đề nóng, nhạy cảm ở địa phương, truyền hình cần chủ động đưa tin chính thống, tránh bị dư luận suy diễn, đưa sai sự thật. Mạng xã hội ngày càng phát triển, báo chí nói chung, truyền hình chính thống cần “mạnh mẽ” định hướng đúng dư luận” - 
anh nói. 

Nhà báo Trường Giang

Nhà báo Trường Giang, Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Long An, cho biết, thời đại hiện nay, cách thức độc giả tiếp cận các giá trị thông tin báo chí cũng thay đổi, do đó, đòi hỏi các sản phẩm báo chí cũng phải thay đổi về tiêu chí, cách thức trình bày, sáng tạo trong nội dung. Để làm được điều này, người làm báo, tòa soạn, cơ quan quản lý,... cần thay đổi kịp thời, đồng bộ, nắm bắt các công nghệ phù hợp với xu thế. Trên thế giới, nhiều ứng dụng công nghệ ra đời có tác động rất lớn đến lĩnh vực báo chí như robot, viết tin tự động, công nghệ chatbot, trí tuệ nhân tạo,... Các đơn vị báo chí cần tiếp cận, nắm bắt được các loại công nghệ này, ứng dụng vào thực tế sản xuất tin, bài, tương tác với độc giả,... Đồng thời, phóng viên (PV) cần tăng cường tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, thiết bị thông minh, hỗ trợ quá trình tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường. 

Một điều lưu ý, mạng xã hội đang có những tác động khá lớn đối với lĩnh vực báo chí. Người làm báo cần có sự tương tác với mạng xã hội để thu thập thông tin, nắm bắt tâm lý xã hội, truyền tải  lan rộng các sản phẩm báo chí. Tuy nhiên, cần hết sức tỉnh táo trước thông tin trên mạng xã hội, phân biệt rõ tin thật và tin giả khi tiếp cận, tránh hiện tượng chạy theo mạng xã hội và bị nó “dắt mũi”. 

Sự chủ động của con người

Một người anh trong nghề, công tác tại Báo VnExpress chia sẻ, nguyên tắc hàng đầu là ưu tiên thông tin, nên việc ứng dụng công nghệ cùng các thiết bị đi kèm rất quan trọng.

Chẳng hạn, khi tác nghiệp trong điều kiện 0 giờ ở BOT Cai Lậy, nhiều nhà báo dùng máy chụp hình không có ảnh tài xế dùng mệnh giá 100 đồng vì trời rất tối, cabin trên cao không thể lấy nét tờ tiền. Một số PV linh hoạt dùng Iphone bắt nét nhanh hơn các dòng điện thoại khác. Từ điện thoại, họ lại gửi ảnh về tòa soạn nhanh hơn những máy ảnh, thông tin độc quyền hơn.

Ngoài tác nghiệp của PV, cách tòa soạn quản trị mạng lưới PV trong thời đại số cũng góp phần quan trọng cho thành công. Hiện nhiều tòa soạn vẫn quản lý theo kiểu cũ, trong khi đó, một số báo điện tử lại khác. Họ yêu cầu PV tạo face group, báo đề tài trước 8 giờ sáng và giải trình vì sao không hoàn thành trước 17 giờ với các đề tài thời sự. Ngoài ra, các báo điện tử cũng quản trị PV bằng một số phần mềm, OKR (Objectives and Key Results - Mục tiêu và kết quả then chốt). Đây là phần mềm mà Google, Intel và Amazon đang sử dụng,...

Ngoài ra, còn có một số phần mềm chuyển đổi âm thanh sang file word, chụp văn bản xuất sang file word đã tích hợp sẵn trên CH Play cũng là những công cụ khá hay giúp tác nghiệp nhanh. Nhưng suy cho cùng, yếu tố quyết định vẫn là con người. Công nghệ thông tin không thể phát huy nếu cá nhân PV không chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng.

Qua rồi cái thời PV “ra trận” với cây bút, quyển sổ hay ngồi ở tòa soạn miệt mài với chiếc máy tính để bàn. Ngày nay, đa số PV tác nghiệp, viết tin, bài tại hiện trường và gửi về cho tòa soạn. Đặc biệt, lực lượng trẻ có lợi thế tiếp cận công nghệ thông tin rất sớm, nắm bắt những ứng dụng có liên quan. Vì vậy, họ có thể tác nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ được giao mọi lúc, mọi nơi. Hình thức lưu trữ hình ảnh, tài liệu cũng bắt kịp thời đại. 

Ở Báo Long An, yêu cầu chất lượng nội dung ngày càng cao, tòa soạn quan tâm xây dựng môi trường làm việc tốt để người làm báo luôn phấn đấu với nghề. Bên cạnh đó, ngày nay phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, PV sẽ lười, ít gắn bó cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa nên bài viết thiếu sự trải nghiệm, cảm xúc, chưa mang hơi thở cuộc sống. Do đó, trong điều kiện báo chí đa phương tiện như hiện nay, việc tư duy bài viết, yếu tố con người trở thành một vấn đề “sống còn” đối với tòa soạn./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết