Tiếng Việt | English

18/12/2018 - 10:52

Tập trung phát triển vùng lúa chất lượng cao

Chương trình Phát triển vùng lúa chất lượng cao (CLC) phục vụ chế biến xuất khẩu của tỉnh Long An thời gian qua đạt một số kết quả nhưng vẫn tồn tại không ít những khó khăn. Các địa phương đang tập trung nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu.

Tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến người dân trong vùng quy hoạch

Đạt nhiều kết quả

Từ năm 2013, tỉnh quy hoạch vùng sản xuất lúa CLC phục vụ chế biến gạo xuất khẩu với diện tích canh tác hơn 48.000ha ở 25 xã thuộc các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười. Mục tiêu của chương trình là phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân. Theo đó, nông dân sản xuất lúa trong vùng quy hoạch phải thực hiện gieo sạ bằng các loại giống xác nhận CLC, áp dụng các quy trình thống nhất “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”,... bảo đảm 100% sản lượng lúa thu được phải là lúa CLC phục vụ chế biến xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020, các diện tích lúa trong vùng quy hoạch sẽ sản xuất theo hướng VietGAP.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: Trong quá trình thực hiện, tỉnh tập trung nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông, xây dựng và sửa chữa các trạm bơm điện,... đồng thời hỗ trợ đẩy mạnh việc sử dụng lúa giống xác nhận, xây dựng các cánh đồng lớn. Từ đó, năng suất, sản lượng lúa CLC không ngừng tăng lên. Cụ thể, sản lượng lúa CLC hơn 600.000 tấn năm 2013 tăng lên 1,3 triệu tấn năm 2018.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Hồng, huyện xác định quy hoạch, bố trí vùng lúa CLC ở 8 xã với tổng diện tích 11.000ha (xã Khánh Hưng, Vĩnh Trị, Thái Bình Trung, Vĩnh Bình, Tuyên Bình, Vĩnh Thuận, Hưng Điền A và Tuyên Bình Tây). Thời gian qua, huyện huy động hơn 250 tỉ đồng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp và làm mới các tuyến đường giao thông. Đến nay, hệ thống giao thông từ trung tâm huyện đến các xã, đường giao thông liên xã được nhựa hóa, phần lớn đường giao thông nông thôn liên ấp được đầu tư cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển vật tư nông nghiệp và hàng hóa nông sản. Ngoài ra, huyện còn đầu tư hơn 120 tỉ đồng nạo vét hệ thống thủy lợi trong vùng quy hoạch kết hợp đắp đê bao, làm đường giao thông nông thôn và đường nội đồng. Đến nay, có 95% diện tích trong vùng quy hoạch được đê bao khép kín, 100% diện tích được bơm tưới chủ động.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa - Nguyễn Thanh Nam cho biết: Đến nay, huyện thực hiện được 2.154/5.575ha lúa CLC, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện thường xuyên làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền và khuyến cáo nông dân trong vùng quy hoạch chuyển đổi sản xuất từ giống lúa chất lượng thấp sang các giống lúa CLC và đạt cấp xác nhận. Song song đó, huyện triển khai nhiều mô hình hỗ trợ giống lúa CLC trong vùng quy hoạch, đồng thời triển khai các giải pháp nâng cao năng lực hệ thống sản xuất, cung ứng giống lúa CLC trên địa bàn huyện. Đến nay, trên 90% diện tích trong vùng quy hoạch đều sản xuất các giống lúa CLC (OM4900, VĐ20, OM6976, OM4218, RVT,...). Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa trong vùng quy hoạch đạt 100% các khâu: Làm đất, phun thuốc, giống, máy gặt đập liên hợp,...

Thị trường tiêu thụ vẫn gặp khó

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quá trình phát triển vùng lúa CLC của tỉnh vẫn tồn tại nhiều hạn chế như nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn yếu, nhất là giao thông đường bộ không bảo đảm cho vận chuyển lúa gạo của các doanh nghiệp, chủ yếu là vận chuyển bằng đường thủy, sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa còn gặp khó khăn, nhiều nông dân còn sản xuất nhỏ, lẻ, còn tâm lý e ngại tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX). Đầu ra của hàng hóa nông sản chưa ổn định. Giữa doanh nghiệp và nông dân chưa có chính sách hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau chia sẻ lợi nhuận và rủi ro để hợp tác làm ăn lâu dài,...

Kết cấu hạ tầng thủy lợi được đầu tư

Ông Nguyễn Thanh Vân - nông dân xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, cho biết, thực hiện chương trình vùng lúa CLC, nông dân được hưởng lợi khá nhiều nên rất phấn khởi, nhiệt tình tham gia. Tuy nhiên, trong việc sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị lãnh đạo cấp trên cần tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, đầu tư hệ thống điện 3 pha để xây dựng các trạm bơm phục vụ sản xuất,... Về lâu dài, cần có hướng nghiên cứu chuyển đổi sản xuất, phát triển bền vững để nông dân yên tâm sản xuất, tránh tình trạng sản xuất được mùa - rớt giá, được giá - mất mùa thường xuyên xảy ra.

Theo Giám đốc HTX Hưng Thịnh, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Lành, hiện nay, nhiều nông dân vẫn còn sản xuất theo tập quán cũ, chưa tuân thủ quy trình sản xuất tiên tiến dẫn đến hiệu quả sản xuất còn thấp. Bên cạnh đó, HTX chỉ lo được khâu sản xuất và một số dịch vụ liên quan, còn thị trường tiêu thụ vẫn gặp khó khăn. HTX Hưng Thịnh chưa ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, nông sản làm ra vẫn phụ thuộc vào thương lái. Do đó, các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn về ứng dụng khoa học - kỹ thuật để người dân hiểu rõ, cùng tham gia thực hiện. Đồng thời, có giải pháp đẩy mạnh liên kết, giới thiệu nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Giám đốc HTX Hưng Phú, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng - Lưu Văn Hoài cho biết: Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp làm cho năng suất và sản lượng lúa tăng lên, nông dân tham gia các mô hình trong HTX thu lợi nhuận cao hơn từ 3-5 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là đa số nông dân chưa mạnh dạn áp dụng các quy trình tiên tiến vào sản xuất, HTX phải nỗ lực hướng dẫn, vận động nông dân áp dụng. Mặt khác, trong tổng số hơn 500ha lúa trong HTX, hiện có khoảng 50% diện tích được bao tiêu sản phẩm, số còn lại phải phụ thuộc vào thương lái.

Quyết tâm thực hiện

Việc quy hoạch vùng lúa CLC là một trong những chương trình mang tính đột phá của tỉnh nhằm thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mang tính cạnh tranh, giúp nông dân phát triển bền vững. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của Chương trình Phát triển vùng lúa CLC, tỉnh thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó thực hiện 20.000ha lúa ở vùng Đồng Tháp Mười, cũng nằm trong vùng quy hoạch lúa CLC của tỉnh.

Đến năm 2018, sản lượng lúa chất lượng cao đạt 1,3 triệu tấn

Hiện nay, tỉnh đẩy mạnh xây dựng các mô hình điểm ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất lúa để có cơ sở triển khai nhân rộng. Trong các mô hình đó sẽ thực hiện hỗ trợ nông dân san phẳng mặt ruộng bằng tia laser; cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất; thực hiện gieo sạ bằng giống xác nhận, sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ thay cho các loại phân bón vô cơ; hướng dẫn quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, để thực hiện vùng lúa CLC đạt kế hoạch, thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất của nông dân; xây dựng và củng cố, kiện toàn các tổ chức đại diện của nông dân như tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX tại từng cánh đồng nhằm liên kết hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả, bền vững; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị sản phẩm; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất bao gồm hệ thống kênh, đê bao lửng, trạm bơm điện, cống điều tiết, giao thông, điện; tiếp tục mời gọi thêm các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, vật tư nông nghiệp liên kết đầu tư đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân,...

Văn Đát

Chia sẻ bài viết