Bà Trần Thị Thật cảm thấy hạnh phúc khi có người chồng hết mực yêu thương, đồng cảm và chia sẻ; còn các con thì rất hiếu thảo
1. Trong cái nắng gay gắt của tháng 5, chúng tôi được cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đưa đến thăm gia đình ông Phạm Văn Chảng và bà Trần Thị Thật. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là hình ảnh ông lão ngoài 70 tuổi, tóc ngả màu muối tiêu đang loay hoay nấu ăn trong bếp, còn người phụ nữ đang ngồi ở bàn nhâm nhi ly sữa. Thấy có người đến, ông Chảng vội vàng gác lại công việc và mời chúng tôi vào nhà. Tại đây, bà Thật nở nụ cười tươi, tự hào kể cho chúng tôi nghe về tình cảm của chồng, con dành cho bà mấy chục năm qua.
Bà Thật bị bệnh tai biến nhẹ cách đây gần 20 năm nên tất cả công việc trong gia đình đều do ông Chảng và các con quán xuyến mà không một lời trách móc, than vãn. Hơn hết, chồng, con bà còn luôn tận tình chăm sóc, động viên tinh thần và chạy chữa thuốc men cho bà khắp nơi dù kinh tế gia đình không khá giả.
Bà Thật nói: “Từ một người đi lại bình thường, đùng một cái bị tai biến, làm việc đi lại khó khăn, nói chuyện cũng rất khó nghe, nhất là trở thành gánh nặng cho gia đình nên tôi buồn, suy sụp tinh thần. Thế nhưng, tôi rất may mắn khi có được người chồng hết mực đồng cảm, yêu thương và chia sẻ; còn các con rất hiếu thảo. Nếu không có sự động viên của chồng, con thì tôi cũng không có được sự lạc quan để sống đến hôm nay”.
Vợ chồng bà Thật, ông Chảng sinh được 7 người con. Hiện nay, vợ chồng bà sống cùng anh Phạm Văn Được, còn các người con khác đều lập gia đình và ra ở riêng. Được biết, các con của bà Thật tuy ở riêng nhưng thứ bảy, chủ nhật đều thay phiên nhau về chăm sóc cha mẹ. Riêng các dịp lễ, tết, các con bà cùng quây quần bên mâm cơm gia đình để kể cho nhau nghe về những chuyện buồn, vui trong cuộc sống. Đây cũng là cách bà Thật, ông Chảng duy trì ngọn lửa yêu thương.
Ông Chảng trải lòng: “Thời trẻ, vợ tôi đã hy sinh tuổi thanh xuân, sức khỏe cho chồng, con. Do đó, vợ tôi dù có bệnh nặng hơn, tôi cũng hết lòng chăm sóc, mãi là chỗ dựa vững chắc cho vợ đến cuối cuộc đời. Từ khi vợ bệnh, tôi chưa bao giờ nặng nhẹ, trách móc vợ. Nhiều khi không có tiền chạy chữa thuốc men, cha con tôi cũng giấu vì sợ bà lo, áp lực tinh thần, ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Chị Nguyễn Thị Mộng Thu luôn dành những gì tốt đẹp nhất có thể làm được cho em Thạch
2. Ngược về xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, chúng tôi đến thăm em Phạm Ngọc Thạch. Nhìn hình ảnh em Thạch lưng bị gù, đầu to, tay, chân bị co rút, chúng tôi cảm thấy chạnh lòng, thương xót cho một mầm non bất hạnh. Dù có thân hình khiếm khuyết nhưng đổi lại, em có một gia đình hết mực yêu thương. Chị Nguyễn Thị Mộng Thu (mẹ em Thạch) bộc bạch: “Nhìn vậy chứ Thạch biết và hiểu những gì mình nói, vì cháu đã học hết lớp 4, biết đọc, biết viết, chỉ khó khăn trong việc đi lại thôi. Khi sinh ra Thạch, cháu cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, khi lên 2, 3 tuổi, Thạch vẫn không biết đi. Thấy vậy, tôi đưa cháu lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám thì phát hiện con mình bị bệnh teo cơ tủy. Bệnh này càng ngày sẽ càng co rút, không thể phục hồi và chưa có thuốc điều trị. Nén nỗi buồn, vợ chồng tôi luôn là chỗ dựa tinh thần cho con, tạo điều kiện cho con đi học đến hết lớp 4”.
Được biết, em Thạch bị khuyết tật về vận động, hàng ngày chị Thu đẩy xe lăn cho con đến trường. Ban đầu, nhiều người khuyên chị Thu đừng mất thời gian, công sức cho con đi học, thậm chí giáo viên còn e ngại. Thế nhưng, chị Thu lại muốn con mình biết đọc, biết viết, nhất là có được một tuổi thơ đúng nghĩa như các bạn bè cùng trang lứa, vì vậy dù có khó khăn, vất vả, chị vẫn không nản lòng.
Nhìn đứa con đáng thương, chị Thu nghẹn ngào nói: “Bây giờ ngồi mà không có ghế là cháu sẽ không ngồi được, còn mọi sinh hoạt cá nhân đều cần người khác chăm sóc. Sinh con ra, ai cũng mong con lành lặn, khỏe mạnh, con mình không may bị như thế này, lúc đầu bà con lối xóm dị nghị, vợ chồng tôi buồn lắm. Dù vậy, đối với vợ chồng tôi, mọi ngày nhìn con lớn lên, còn được ở bên cạnh mình là niềm hạnh phúc rồi”.
Nước mắt của người mẹ, nỗi khổ của người cha có con khuyết tật không phải ai cũng hiểu. Và họ luôn khát khao một ngày nào đó con mình sẽ được sống một cuộc đời tốt đẹp, sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm bớt thiệt thòi mà con phải chịu.
Có thể thấy gia đình, người thân của người khuyết tật là những người đặc biệt, chăm sóc họ bất kể ngày, đêm, tìm mọi phương pháp chữa bệnh để họ được khỏe mạnh. Và điều này càng khẳng định đối với người khuyết tật, gia đình không chỉ là mái ấm thuần túy mà còn là chỗ dựa vững chắc để họ có thêm niềm tin, động lực vượt qua những khó khăn, bệnh tật, đây cũng là mấu chốt giúp họ hòa nhập cộng đồng./.
Thiên Minh