Công tác hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch (HDV) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai được khoảng 2 tháng. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện những vướng mắc, đòi hỏi cơ quan chức năng nên có sự điều chỉnh về điều kiện, thủ tục để nhiều HDV nhận hỗ trợ một cách nhanh chóng, kịp thời.
Hướng dẫn viên du lịch là đối tượng gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Nguồn: Nguyễn Thế Anh
Vì sao ít HDV nhận được hỗ trợ?
Với tỉ lệ 90% hồ sơ được phê duyệt trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, có thể thấy các sở quản lý du lịch đã tích cực triển khai nhiệm vụ này. Tuy nhiên, cả nước có tới hơn 28.400 HDV đã được cấp thẻ hành nghề, như vậy phần lớn lực lượng HDV chưa nộp hồ sơ xin hỗ trợ.
Hiện nay, nhiều HDV muốn nhận hỗ trợ nhưng vướng ở điều kiện "có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch". Những yêu cầu này căn cứ theo điều 58 Luật du lịch 2017, quy định điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch.
Tuy nhiên qua tìm hiểu của phóng viên VOV.VN, thời gian qua rất nhiều HDV và doanh nghiệp lữ hành chưa nhận thức đầy đủ về hợp đồng lao động (HĐLĐ) và quy định liên quan, dẫn đến việc giao kết các loại hợp đồng bằng văn bản không đúng quy định của Luật lao động. Nhiều chủ doanh nghiệp và HDV nhầm lẫn giữa các khái niệm, quy định về hình thức và nội dung HĐLĐ, loại không xác định thời hạn hay xác định thời hạn hoặc việc đóng bảo hiểm xã hội cho HDV… Hệ quả, nhiều HDV không phải là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp đã không thể xuất trình HĐLĐ đúng quy định để nhận hỗ trợ.
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: "Đến ngày 31/8, Sở mới nhận được 96 hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Chỉ có 49 hồ sơ đủ điều kiện, còn lại là chưa đủ điều kiện và đang trong quá trình thẩm định. Qua quá trình giải quyết hồ sơ cho thấy nhiều hợp đồng không đúng quy định của Luật lao động".
Phần lớn lực lượng HDV chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ
Anh Nguyễn Thế Anh – HDV tại Hà Nội cho biết: "Để đáp ứng điều kiện về HĐLĐ, nhiều HDV sẽ phải liên hệ với công ty để xin 'cấp lại' hợp đồng. Việc 'cấp lại' HĐLĐ cho một công việc đã kết thúc từ lâu là việc chưa từng có trong ngành du lịch. Nên rất nhiều công ty bối rối không biết phải làm thế nào cho đúng. Dẫn đến tình trạng các công ty tìm cách hoãn binh, nhìn nhau để xem người ta làm thế nào trước rồi mình làm theo. Điều này đã gây ra khó khăn, chậm trễ cho HDV trong việc hoàn thiện hồ sơ để nghị trợ cấp".
Ngoài ra, câu chuyện về HDV và điều kiện nhận hỗ trợ đã "châm ngòi" cho rất nhiều cuộc tranh luận gay gắt, gây chia rẽ trong cộng đồng làm du lịch, thậm chí xuất hiện các ý kiến "hô hào không cần nhận tiền hỗ trợ", chỉ trích cơ quan nhà nước cùng cái nhìn phiến diện "lên ti vi để nhận"… Điều này khiến cho nhiều HDV nảy sinh tâm lý e ngại, trì hoãn việc làm hồ sơ xin hỗ trợ.
HDV Nguyễn Thế Anh chia sẻ, chủ trương hỗ trợ HDV của Chính phủ có ý nghĩa rất tốt trong thời điểm này, tuy nhiên nếu không hiểu rõ về chính sách dễ sinh ra tâm lý thất vọng, bất mãn. "Các HDV chia làm 2 phe, một phe vào hội HDV để hi vọng có thể nhận được tiền hỗ trợ dễ dàng hơn, phe còn lại không vào hội mà cố gắng tìm cách hoàn thiện hồ sơ bằng HĐLĐ dù rất khó khăn. Nếu các kiến nghị không được chấp thuận thì hẳn là những tranh cãi, mâu thuẫn trong cộng đồng HDV sẽ lại tiếp tục như những ngày vừa qua" – anh Nguyễn Thế Anh nói.
Đâu là giải pháp?
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với ngành du lịch các địa phương vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định chủ trương sẽ giảm bớt các thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc hỗ trợ HDV, nhưng cũng phải bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành. "Ở đây có tính hai mặt, là làm sao vừa tối đa số lao động của ngành được hưởng hỗ trợ nhưng vẫn phải bảo đảm đúng theo các quy định".
Hiện nay, nhiều ý kiến đề xuất bỏ điều kiện về HĐLĐ hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cho phép HDV chỉ cần thẻ hành nghề còn hạn là được nhận hỗ trợ. Kiến nghị này được sự đồng tình bởi một số cơ quan quản lý du lịch tại Hà Nội, Khánh Hòa, TP.HCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế … cùng nhiều HDV, chuyên gia trong ngành.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại cuộc họp trực tuyến về công tác hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch. Nguồn: Tổng cục Du lịch
Bà Đặng Hương Giang cho biết: "Thực tế có thể một số HDV có thẻ nhưng chưa hành nghề, nhưng đây là số ít, không nên vì thiểu số mà ảnh hưởng đến đa số HDV đã có nhiều đóng góp cho ngành. Trong khi đó, lao động ngành du lịch đã quá khó khăn trong hơn 1 năm qua vì không có việc làm, không có thu nhập; vì vậy nếu đã có chính sách hỗ trợ nên tạo thuận lợi tối đa để giữ chân nguồn nhân lực quan trọng này".
Trên thực tế, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 yêu cầu xuất trình bản sao HĐLĐ để nhận hỗ trợ cũng chưa bao quát đầy đủ các loại giao kết công việc lâu nay giữa HDV và công ty lữ hành. Ví dụ như nếu thời hạn dưới 1 tháng, HDV và công ty lữ hành được phép giao kết HĐLĐ bằng lời nói. Trong ngành du lịch, các công việc và tour ngắn ngày dưới 1 tháng rất phổ biến.
Có thể hiểu yêu cầu về HĐLĐ nhằm xác định HDV đã làm việc cho một công ty hoạt động hợp pháp, hạn chế việc chi ngân sách sai đối tượng. Theo ông Nguyễn Quang Toản (giảng viên thỉnh giảng khoa Du lịch và Việt Nam học – Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM), điều kiện về HĐLĐ không trái quy định pháp luật nhưng nên có sự điều chỉnh, vì HDV không có quyền kiểm tra giấy phép của doanh nghiệp nên không thể biết được tour đó có hợp pháp hay không, và HDV cũng khó xác định tính hợp lệ của HĐLĐ.
Ông Nguyễn Quang Toản phân tích: "Nếu chỉ dựa vào thẻ HDV để nhận hỗ trợ thì vẫn phù hợp Luật du lịch. Các HDV có thẻ còn hạn vẫn đáp ứng được điều kiện hành nghề, chỉ là do hiểu sai Luật lao động dẫn đến ký sai hoặc không đủ nội dung HĐLĐ". HDV Nguyễn Thế Anh cho rằng: "Không nhiều người đã có thẻ HDV lại bỏ nghề du lịch. Dù có thể không trực tiếp làm HDV nhưng họ vẫn làm công việc liên quan như điều hành tour, nhân viên khách sạn... tóm lại là đều trong ngành du lịch và hiện đều đang gặp khó khăn như nhau. Họ cũng xứng đáng được nhận trợ cấp từ gói này".
Theo HDV Nguyễn Thế Anh, nếu cần phải có một loại văn bản từ phía doanh nghiệp thì nên thay HĐLĐ bằng giấy xác nhận HDV đã thực sự làm việc cho công ty tại thời điểm đó. Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đề nghị, ngoài điều kiện về thẻ hành nghề, chỉ cần các công ty xác nhận HDV đã từng có hợp đồng hoặc đã đi tour cho doanh nghiệp là được hỗ trợ, nên bỏ qua các khâu công chứng giấy tờ.
Ông Nguyễn Quang Toản đề xuất chỉ cần HDV có thẻ trong dữ liệu quản lý của ngành du lịch là được hỗ trợ. Vì dữ liệu này đã được số hóa, nên HDV chỉ cần nộp hồ sơ online, đăng ký thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng…; hạn chế tối đa việc làm thủ tục bằng văn bản giấy để phù hợp hiện trạng giãn cách ở các địa phương. Đây cũng là cách để HDV tiếp cận gói hỗ trợ nhanh gọn và kịp thời./.
Hải Nam/VOV.VN