Tiếng Việt | English

08/10/2015 - 15:23

Su hào - thần dược giúp tăng cường hệ miễn dịch vào mùa đông

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nếu bạn thường xuyên ăn su hào vào mùa đông sẽ giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch và giúp máu lưu thông tốt.

Su hào là loại rau củ rất quen thuộc đối với người Việt Nam. Đây là một loại rau củ giàu dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe.

Theo từ điển Bách khoa toàn thư, su hào (hay xu hào) là một giống cây trồng thân thấp và mập của cải bắp dại. Mùi vị và kết cấu của su hào là tương tự như của thân cải bông xanh hay phần lõi của cải bắp (cả hai loại này là cùng loài với su hào, nhưng khác nhóm giống cây trồng), nhưng nhẹ hơn và ngọt hơn, với tỷ lệ phần cùi thịt/vỏ cao hơn.

Su hào có thể ăn sống cũng như được đem luộc, nấu. Su hào chứa nhiều chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa cũng như chứa các chất như selen, axít folic, vitamin C, kali, magiê và đồng.

Theo Đông y, su hào có tính mát, vị ngọt hơi đắng, có tác dụng hóa đờm, giải khát, thông bụng, giải độc, lợi thủy, tiêu viêm, giúp dạ dày. Chủ yếu dùng chữa nước tiểu đục, đi ngoài ra máu, nhọt độc không rõ nguyên nhân, tỳ hư hỏa vượng, trúng phong bất tỉnh.

Sau đây là một vài công dụng của su hào:

Giúp máu lưu thông tốt: Su hào là thực phẩm ít chất béo hoà tan và cholesterol. Điều đó có nghĩa rằng, nó rất tốt cho tim và hệ tuần hoàn máu. Chất béo hòa tan được biết đến là có hại cho cơ thể.

Nếu ăn uống nhiều chất này sẽ làm tăng nồng độ cholesterol có hại ở trong máu. Từ đó dẫn đến nhiều bệnh ở tim như đau tim và đột quỵ. Hơn nữa, su hào giàu chất chống oxy hóa nên giúp tế bào ngăn ngừa sự tổn thương bởi các phân tử gốc tự do đi vào cơ thể qua hô hấp hoặc ăn uống. Những phân tử gốc này thường làm tăng nguy cơ đau tim và ung thư.

Chữa tiêu đờm, giải khát, thông bụng, giải độc, lợi thủy, tiêu viêm, giúp dạ dày. Chủ yếu dùng lúc bị nước đái đục, đi ngoài ra máu, nhọt độc không rõ nguyên nhân, tì hư hỏa vượng, bụng lạnh nhiều đờm, trúng phong bất tỉnh.

Cách dùng: nấu canh, ăn sống hoặc nấu với thịt. Giã nát đắp ngoài da hoặc nghiền bột hít vào mũi. Kiêng kị: ăn nhiều hao khí tổn huyết.

Chữa đờm nhiều thở gấp

Cách dùng: Thân hoặc lá su hào rửa sạch cắt miếng. Cho dầu mè (vừng) vào xào làm canh ăn. Ngày một đến hai lần; Su hào bỏ vỏ giã nát, thêm mật ong ăn với nước đun sôi.

Bụng lạnh nhiều đờm

Cách dùng: Su hào đun với thịt dê ăn, ăn nóng hàng ngày có công dụng tuyệt vời.

Phòng chống cảm cúm

Mùa đông hệ miễn dịch của chúng ta dễ bị tấn công do sự phát triển mạnh của vi rút, do vậy mà chúng ta dễ bị cảm cúm, ho, xổ mũi và mệt mỏi.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu bạn chăm ăn su hào vào mùa đông, nó sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch. Lý do là trong su hào có chứa rất nhiều vitamin C. Một bát su hào sống có chứa lượng vitamin C nhiều hơn 1,4 lần so với nhu cầu cơ thể cần mỗi ngày.

Hệ miễn dịch khỏe mạnh cũng giúp bạn chống lại các bệnh như tim mạch và ung thư. Ngoài ra vitamin C còn giúp cải thiện sự hấp thụ và phục hồi nguồn cung vitamin E cho cơ thể. Su hào là thần dược giúp miễn dịch khỏe mạnh vào mùa đông.

Thực đơn tốt cho người muốn giảm cân

Mặc dù là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhưng su hào có chứa rất ít calo. Chúng ta biết rằng, mức dinh dưỡng trên mỗi calo càng cao thực phẩm đó càng tốt cho sức khỏe. Một bát su hào sống có chứa khoảng 36 calo. Do vậy su hào là thực đơn lý tưởng cho những người ăn kiêng vì nó đáp ứng được lượng vitamin và khoáng chất mà không làm vượt quá lượng calo. Chúng ta biết rằng calo thừa mà không được “đốt cháy” sẽ dẫn đến thừa cân.

Ngoài những chất trên, su hào còn chứa nhiều chất khoáng khác tốt cho cơ thể như đồng, canxi, mangan, sắt và phốt pho.

Giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Su hào có hàm lượng chất xơ tuyệt vời cho cơ thể. Một bát su hào có chứa 5 gram chất xơ, bằng 19% lượng chất xơ cơ thể cần mỗi ngày. Chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt bằng cách duy trì sức khỏe của ruột và ruột kết. Nó cũng có vai trò quan trọng trong việc duy trì lượng vi khuẩn có lợi trong ruột ở mức cân bằng. Tất cả những yếu tố trên giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh ở đường tiêu hóa, bệnh trĩ và ung thư ruột kết./.

Thu Thủy/VOV.VN (T.H)
 

Chia sẻ bài viết