Soạn giả Việt Sơn
Ngày ấy, cậu chiến sĩ Nguyễn Binh Ch. ở Trạm Biên phòng Tà Nu, nơi chúng tôi công tác, một ngày “lấy hơi” nam ca sĩ Nguyễn Kha đến hàng chục lần bài hát này. Sáng thức dậy, chưa đánh răng rửa mặt, Ch. đi thăm mấy cây cần câu ngoài bờ ao, hát vống lên, đánh thức cả trạm. Giọng Ch. như chú gà trống mới tập gáy, mỗi đoạn dài hơi, hai đường gân cổ nổi hằn lên như dây thừng. Dù đang trực kiểm soát biên giới nhưng hễ lúc nào không có người qua trạm, Ch. đi vòng vòng rồi hát “hết công suất”. Mấy đứa trẻ trâu tò mò rủ nhau kéo lại, tưởng đâu có ca sĩ thành phố mới về. Trưa, vừa nấu cơm, Ch. vừa ca hát, có hôm quên rút bớt than (khi khô nước) khiến nồi cơm khét lẹt. Chiều, Ch. bắc ghế trước cổng trạm, mở tập bài ca ra nhẩn nha từng bài cho tới sẩm tối, đầu tiên và kết thúc bao giờ vẫn là bài Mùa hoa đào quen thuộc.
Nhờ nghe Ch. hát nhiều, tôi thuộc làu làu bài Mùa hoa đào từ khi nào mà không hề hay biết. Cũng từ đó, tôi ấp ủ niềm hy vọng sớm được gặp soạn giả đã viết bài ca ấy. Trong ngày giỗ Đền Khu vực Đồn Long Khốt năm 2024, nhà báo, soạn giả Nguyễn Phấn Đấu đã giới thiệu tôi với soạn giả Việt Sơn. Nhìn anh, tôi hơi ngờ ngợ như đã quen biết từ khi nào nhưng không dám nhận. Đến khi “giao lưu” số điện thoại, hai anh em mới nhận ra, đã quen biết nhau từ gần mười năm về trước. Hồi đó, anh đang là Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, phụ trách phần nội dung và mảng văn hóa - văn nghệ của Đài. Còn tôi công tác trên tuyến biên giới huyện Đức Huệ.
Về xuất xứ bài hát Mùa hoa đào, soạn giả Việt Sơn kể: “Hồi đầu năm 1996, anh cùng một nhóm nghệ sĩ Long An đi công tác ngoài Hà Nội. Một buổi chiều giáp tết, các anh tản bộ từ đường “Cổ Ngư xưa” ra bờ đê Yên Phụ, vừa để ngắm chiều Thủ đô, vừa đi kiếm quán nhậu. Trong làn sương chiều mỏng manh vờn bay lên từ mặt nước Tây hồ xanh biếc, những chiếc xe đạp, xe Honda tấp nập chở hoa đào từ phía ngoài đê vào nội ô thành phố. Hình ảnh đó khiến thi hứng dâng trào trong lòng những người nghệ sĩ phương Nam”. Thế là, các anh cuốc bộ thẳng một mạch xuống làng đào Nhật Tân, quên luôn mục đích chính, mặc dù đi ngang qua rất nhiều hàng “cầy tơ bảy món”, mùi thơm đang ngào ngạt bay lên.
Đang trong những ngày “cao điểm” làng nghề Nhật Tân chuẩn bị đào tết nên toàn bộ các khu vườn nằm dọc theo đê sông Hồng, hoa đỏ rợp một màu rực rỡ. Gió từ ngoài sông thổi vào dịu nhẹ, một vài chú ong mải mê trong chiều muộn, đang vờn bay trên những nhụy hoa lần đầu hé nở. Dù không quá xa lạ với hình ảnh những cành hoa báo tin mùa xuân về phương Bắc nhưng đây là lần đầu tiên những “anh trai miền Nam” được trực tiếp ngắm nhìn những vườn đào tươi thắm. Cảm giác “bâng khuâng, rung động” xâm chiếm tâm hồn những người nghệ sĩ vốn quen với cành mai vàng rực trước hiên nhà. Riêng với soạn giả Việt Sơn, anh xúc động mạnh, để rồi bỗng ngân lên một câu vọng cổ: “Em ơi tôi không phải kẻ tình si, cũng không phải là lãng tử mượn đóa đào kia để tương tư hình bóng. Mà chỉ bâng khuâng với trái tim rung động khi lần đầu tiên hạnh ngộ với hoa đào”. Rồi những ý, những nhịp cứ bung biêng, choáng váng bay lên trong đầu, trong từng đường gân, mạch máu như người say rượu.
Sau khi no nê sắc đào Hà Nội, các nghệ sĩ phương Nam tìm đến một tửu lầu ngay bên bờ hồ Tây thơ mộng. Cũng ngay trong bữa rượu hôm đó, lần đầu tiên, soạn giả Việt Sơn được nghe giọng nói ngọt ngào e lệ của một cô gái Hà thành. Trong men rượu nồng nàn, đôi má cô nữ sinh trường cao đẳng nghệ thuật ửng hồng như cánh “đào tơ e ấp”. Giọng nói, tiếng cười của nàng làm người nghệ sĩ bâng khuâng, xao xuyến. Và từ đó, một mối tình “tưởng tượng” giữa “anh trai miền Nam và một cô gái Bắc” bắt đầu hình thành trong anh, như cái tứ của một bài thơ tình lãng mạn. Cô gái kể, để có đủ tiền trang trải việc học, ngoài giờ lên lớp và những lúc ôn bài phải đi làm thêm trong quán rượu. Từng giọng nói, tiếng cười, câu hát và đặc biệt là câu chuyện của cô gái khiến soạn giả đi từ bất ngờ này sang thú vị khác.
Không biết câu chuyện của người nghệ sĩ tài danh và cô nữ sinh trường cao đẳng nghệ thuật thực hư và kết thúc ra sao nhưng như anh kể, từ hôm đó, hình ảnh những cánh hoa đào và bóng hồng trong sắc trời Hà Nội cứ lởn vởn, trở đi trở lại trong đầu anh. Và hơn một năm sau, khi những cảm xúc mãnh liệt ban đầu dần trở nên sâu lắng, nhường chỗ cho sự mượt mà của con chữ và nhịp điệu, bài ca cổ Mùa hoa đào mới chính thức được hoàn thành.
Kể từ ấy, nhất là vào những dịp xuân về, trong các xóm, ấp miền Nam, đi đâu, người ta cũng nghe trên đài phát thanh hay những dàn âm thanh di động một “mùa hoa đào” rực rỡ. Nhờ bài ca này mà nhiều người miền Nam chưa một lần ra thăm đất Bắc yêu say mê “sắc hồng tươi và hương vị ngọt ngào” của loài hoa cũng như giọng nói “ngọt ngào e ấp cánh đào tơ” của người con gái Bắc./.
Nguyễn Hội