Tiếng Việt | English

04/12/2021 - 17:26

Siết lại chống Delta, phòng xa với Omicron

Việc đầu tiên cần làm là phải ngăn chặn không cho chủng virus này xâm nhập TP.HCM bằng việc giám sát được tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam và TP.HCM thông qua các con đường chính thức cũng như trái phép.

Người dân tiêm vắc xin AstraZeneca mũi 2 tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những ngày qua số ca COVID-19 mới, nhập viện, bệnh nặng và tử vong tại TP.HCM vẫn tiếp tục gia tăng. Song song đó, trước thông tin về biến chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh - dù chưa xuất hiện ở Việt Nam, ngành y tế đã siết lại đội hình và các biện pháp chống dịch.

Ghi nhận phản ứng từ Bộ Y tế, Hà Nội và TP.HCM cho thấy các công tác chống dịch đang trở lại quyết liệt hơn.

Người dân cần bình tĩnh, không quá hoang mang trước biến chủng mới Omicron và cần lưu ý dù biến chủng nào thì cũng lây qua đường hô hấp nên phải tuân thủ nghiêm biện pháp 5K. Bên cạnh đó tiếp tục tiêm vắc xin, giảm nguy cơ chuyển bệnh nặng và tử vong.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng

Kích hoạt nhiều quy trình xử lý dịch

Tại TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã giao Sở Y tế phối hợp với Bộ tư lệnh TP và Công an TP xây dựng thế trận y tế, tăng cường giám sát, quản lý người nhập cảnh...

Từ đó Sở Y tế đã có yêu cầu khẩn tất cả các bệnh viện cần củng cố và chuyển đổi khu cách ly thành đơn vị COVID-19 để sẵn sàng tiếp nhận điều trị người mắc COVID-19, đảm bảo giường bệnh có oxy, thuốc, trang thiết bị y tế...

Mỗi đơn vị COVID-19 có số giường tối thiểu bằng 10% tổng số giường của cả bệnh viện (chưa bao gồm số giường của khoa đơn vị hồi sức COVID-19). Trong đó lưu ý các bệnh viện phân bổ nguồn nhân lực tham gia điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19 không được đùn đẩy hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.

Chia sẻ về sự chuẩn bị này, ông Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho hay trước yêu cầu khẩn của Sở Y tế, bệnh viện đã lên kế hoạch trưng dụng khoa truyền nhiễm (sốt xuất huyết, sởi...) trở thành nơi tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 trong tình hình mới. Những bệnh nhân ở khoa này sẽ được điều chuyển đến khoa khác để tiếp tục điều trị.

Theo ông Khanh, hiện bệnh viện có tổng cộng 560 giường, với yêu cầu của sở phải trưng dụng 10%, bệnh viện sẽ "trích ra" 65 giường. Ngoài ra từ những đợt dịch trước, bệnh viện đã có phòng áp lực âm và nhiều trang thiết bị y tế điều trị bệnh nhân COVID-19.

Bà Nguyễn Lan Anh - phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức - cho biết bệnh viện vẫn đang hoạt động theo mô hình "bệnh viện tách đôi". Mô hình này bệnh viện đã chủ động đề nghị Sở Y tế xây dựng từ giữa tháng 7. Hiện số giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 đã đầy, với 1.200 - 1.300 bệnh nhân.

Hôm qua 3/12, quận Phú Nhuận cũng đã kích hoạt bệnh viện điều trị COVID-19 số 3B với quy mô 350 giường. Đây là bệnh viện được cải tạo, sửa chữa từ cơ sở thu dung cách ly trước đó của quận, trở thành bệnh viện tầng 2 và 3.

Bên cạnh đó, quận này cũng đã tái kích hoạt 13 trạm y tế lưu động, các tổ phản ứng nhanh và tổ quản lý cung cấp oxy. Các tổ này có chức năng nhiệm vụ thường trực, sẵn sàng các tình huống khẩn cấp.

Đoàn lãnh đạo TP.HCM kiểm tra các khu vực của Bệnh viện điều trị COVID-19 Phú Nhuận số 3B - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Thiết lập thế trận ứng phó nếu chủng Omicron xâm nhập

Với giải pháp đối phó với biến chủng Omicron, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa có văn bản báo cáo UBND TP.HCM, đồng thời đề nghị ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 các quận, huyện, TP Thủ Đức cùng các sở, ban, ngành chủ động xây dựng các biện pháp.

Đặc biệt lần này ngành y tế, công an và quân đội đang cùng nhau phối hợp bàn thế trận sẵn sàng ứng phó nếu chủng Omicron xâm nhập. Ba đơn vị đã họp lần cuối vào ngày hôm qua 3/12 để thống nhất trình phương án ứng phó.

Trong đó, việc đầu tiên cần làm là phải ngăn chặn không cho chủng virus này xâm nhập TP.HCM bằng việc giám sát được tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam và TP.HCM thông qua các con đường chính thức cũng như trái phép.

"Tất cả những người sau khi nhập cảnh bắt buộc phải cách ly lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR ngay. Trong trường hợp dương tính, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) sẽ phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để giải trình tự gene, đánh giá có phải là biến chủng Omicron hay không để có giải pháp cách ly phù hợp" - đại diện Sở Y tế TP.HCM cho hay.

Bên cạnh đó, ngành y tế TP cũng đang tính toán các phương án xử lý cách ly như thế nào nếu biến chủng virus này xâm nhập. Việc có nên cách ly chung với các F0 hiện nay hay không cũng là vấn đề được bàn bạc cân nhắc để thống nhất, bởi chủng này hoàn toàn mới và có tốc độ lây nhiễm cao hơn các biến chủng lưu hành tại VN.

Về nguy cơ chủng virus này xâm nhập vào TP.HCM, vị đại diện này dẫn chứng Singapore đã phát hiện 2 ca dương tính với chủng virus Omicron và cho rằng đó là điều đáng lo ngại bởi nước này khá gần với TP.HCM.

"Nguy cơ biến chủng này xâm nhập là rất lớn, không phải là chuyện gì quá xa vời. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, dù chủng này lây nhiễm nhanh nhưng chưa có bằng chứng làm tăng diễn biến nguy kịch do đó tạm yên tâm phần nào; song song đó TP.HCM đã và đang chuẩn bị đầy đủ các phương án thiết lập thế trận ứng phó nếu biến chủng này xâm nhập" - vị này nói.

Hai em Thảo Nhi và Trúc Hân khoe giấy chứng nhận đã tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

F0 được tiếp cận y tế nhanh nhất

Đề cập công tác chống dịch thời gian tới tại buổi kiểm tra ở quận Phú Nhuận ngày 3/12, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế - cho biết chiến lược quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19 vẫn là bệnh nhân F0 được tiếp cận y tế nhanh nhất. "Việc thiết lập trở lại các bệnh viện điều trị COVID-19 ở mỗi quận là bước chuẩn bị quan trọng để ứng phó với tình hình dịch bệnh sắp tới. Đặc biệt, các giường hồi sức đều được trang bị đầy đủ hệ thống oxy, chuẩn bị sẵn sàng các máy thở khi cần thiết, công tác tiếp nhận bệnh nhân trong thời gian tới phải luôn sẵn sàng" - bà Mai chia sẻ.

Về việc điều chuyển nhân sự, bà Mai cho biết Sở Y tế sẽ cùng các bệnh viện và trung tâm y tế điều phối lực lượng nhân sự để các trạm y tế hoạt động thật linh hoạt và hiệu quả. Một trạm có thể quản lý từ 50 - 100 F0 điều trị tại nhà, số lượng trạm sẽ tùy thuộc vào số F0 trên địa bàn.

Đề cập biến chủng mới Omicron, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng về mức độ gây bệnh nặng ở biến chủng mới Omicron, hiện các nhà khoa học vẫn còn đang tranh cãi nhưng số liệu ban đầu từ bác sĩ ở Nam Phi chữa những bệnh nhân đầu tiên nhiễm biến chủng Omiron cho biết là nhẹ so với biến chủng cũ (đau cơ, mệt mỏi, nhức đầu nhưng không bị khó thở).

"Nếu điều này xảy ra thì rất tốt vì biến chủng mới lây lan nhiều hơn, từ đó "chiến thắng" chủng Delta nhưng lại ít gây chết người và trở thành chủng "hiền lành". Tuy nhiên số liệu hiện nay vẫn chưa đầy đủ để chứng minh điều này" - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, các quốc gia đều thống nhất nếu biến chủng Omicron thật sự lây lan nhiều thì dù có biện pháp phòng dịch nào cuối cùng chúng cũng xâm nhập, vấn đề là chậm hay nhanh vì không có biện pháp nào ngăn chặn hoàn toàn. Vì thế đây là khoảng thời gian quý giá để chuẩn bị mọi thứ để nếu không may có dịch thì có thể chủ động ứng phó hơn./.

Bảo vệ người có bệnh nền

Một động thái khác của ngành y tế TP.HCM là trong ngày 3/12 đã lên kế hoạch triển khai chiến dịch tăng cường bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền hoặc trên 50 tuổi, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế). Dự kiến chiến dịch này thực hiện từ nay đến 31/12.

Căn cứ vào danh sách từ các phường, xã, thị trấn, trung tâm y tế quận, huyện triển khai xét nghiệm nhanh COVID-19 cho từng thành viên của các hộ gia đình. Nếu phát hiện F0 không thuộc nhóm nguy cơ thì khuyến khích người F0 đi cách ly tập trung để giảm nguy cơ lây lan cho người khác trong hộ gia đình, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ.

Nếu phát hiện F0 thuộc nhóm nguy cơ, có bệnh nền ổn định, có đủ điều kiện cách ly tại nhà thì cấp phát thuốc kháng virus cho người F0 và cách ly tại nhà (nếu người F0 có nguyện vọng).

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết