Tiếng Việt | English

07/02/2020 - 20:15

Phòng, chống dịch bệnh do chủng mới virus Corona

Siết chặt quản lý, bảo vệ động vật hoang dã

Các hộ kinh doanh động vật hoang dã tại chợ nông sản Thạnh Hóa, tỉnh Long An sẽ phải chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các loại động vật. Trường hợp chủ kinh doanh không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.


Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Thạnh Hóa tiến hành kiểm tra liên tục 2 lần/ngày đối với các hộ kinh doanh động vật hoang dã trong thời gian qua

Siết chặt quản lý nguồn gốc, xuất xứ

Từng là điểm kinh doanh động vật hoang dã có tiếng của khu vực miền Tây, nhiều năm qua, khu vực buôn bán nông sản huyện Thạnh Hóa, cặp Quốc lộ N2 cũng là nơi gây nhiều nhức nhối trong việc kinh doanh các loại chim trời cũng như gây phản cảm trong việc giết mổ, bày bán và khiến các cơ quan nhà nước mất nhiều công sức trong công tác quản lý. Thời gian gần đây, mặc dù tình trạng này đã được chấn chỉnh, tuy nhiên, đa số các loại động vật hoang dã được kinh doanh tại đây đều không có nguồn gốc, xuất xứ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm H5N1.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Tạo, sau nhiều năm chợ tự phát nông sản Thạnh Hóa hoạt động gây phản cảm, đến nay khu vực này đã được thay thế bằng trạm dừng chân khang trang hơn, các hộ kinh doanh cũng không còn bày bán động vật hoang dã phản cảm như trước. Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh động vật hoang dã không có nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn diễn ra. “Trước tình trạng này, huyện chỉ đạo cho đoàn liên ngành thường xuyên tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và cho các hộ kinh doanh ký cam kết. Đặc biệt, sau ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh vào chiều ngày 04-02-2020 về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời điểm tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra đang diễn biến phức tạp và đề phòng dịch cúm gia cầm H5N1, huyện đã chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện thường xuyên kiểm tra hoạt động mua bán của các hộ kinh doanh động vật hoang dã tại điểm bán hàng nông sản trong khu vực trạm dừng chân. Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện sẽ tập trung thông tin, tuyên truyền kết hợp kiểm tra, nhắc nhở đối với các hộ kinh doanh để chấp hành nghiêm về việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật hoang dã, nguy cấp, tuyệt đối không được buôn bán các loài động vật không có nguồn gốc, xuất xứ” - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Tạo cho biết.

Đoàn liên ngành huyện Thạnh Hóa kiểm tra, nhắc nhở kết hợp tuyên truyền các hộ kinh doanh chấp hành các quy định liên quan đến kinh doanh động vật hoang dã

Kiên quyết xử lý các hộ kinh doanh động vật không có nguồn gốc, xuất xứ 

Theo Hạt phó Hạt Kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa -Tân Thạnh - Lê Hồng Vương, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, lực lượng liên ngành của huyện liên tục tiến hành kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh động vật hoang dã tại điểm bán hàng nông sản Thạnh Hóa. Mỗi ngày, lực lượng liên ngành đều tiến hành kiểm tra 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều đối với các hộ kinh doanh. Qua kiểm tra, lực lượng đã vận động các hộ kinh doanh thả về tự nhiên 12 cá thể cò trắng, 8 cá thể cò ốc và 2 cá thể cồng cộc. Bên cạnh đó, năm 2019, trong quá trình kiểm tra, lực lượng Kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa-Tân Thạnh cũng phát hiện 2 trường hợp kinh doanh động vật doang dã nguy cấp nhưng không có người thừa nhận, gồm 1 cá thể chim công, 24 chim trĩ và 3 cá thể rùa mu vàng để bàn giao cho vườn thú Mỹ Quỳnh, huyện Đức Hòa và Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, huyện Tân Hưng. Tuy nhiên, theo Hạt Kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa-Tân Thạnh, trong quá trình kiểm tra các hộ kinh doanh động vật hoang dã vẫn có những trường hợp hộ kinh doanh không nhận hàng của mình hoặc có hộ đóng cửa né tránh khi biết có lực lượng kiểm tra.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND huyện Thạnh Hóa, trước mắt, Đoàn liên ngành gồm Hạt Kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa-Tân Thạnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Truyền thanh huyện sẽ tập trung tuyên truyền đến các hộ kinh doanh động vật hoang dã ký cam kết không kinh doanh các mặt hàng không có nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động gây nuôi động vật hoang dã đăng ký mã số cơ sở nuôi, lập sổ theo dõi hoạt động nuôi theo đúng quy định của pháp luật, tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc động vật hoang dã tại các cơ sở nuôi để quản lý. 

Thống kê của Hạt Kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa-Tân Thạnh cho thấy, đến thời điểm hiện tại, khu vực buôn bán nông sản Thạnh Hóa chỉ còn 31 hộ kinh doanh các mặt hàng động vật hoang dã, so với năm 2019 đã giảm 6 hộ. Các mặt hàng động vật hoang dã được kinh doanh tại đây đa số là rắn, các loại chim cảnh, gà tre, chuột đồng, le le, vịt trời, cu đất,… Tuy nhiên, theo Đoàn liên ngành huyện Thạnh Hóa, trừ một số vật nuôi thuần chủng, đa số các loài động vật kinh doanh tại đây được các hộ kinh doanh thu mua lại từ người dân và mối lái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. “Từ sau ngày 07-02, trường hợp hộ kinh doanh không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ các loại động vật hoang dã (trừ các động vật nuôi thuần chủng), đoàn sẽ xử lý nghiêm theo quy định” - Hạt phó Hạt Kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa-Tân Thạnh - Lê Hồng Vương cho biết./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết