Tiếng Việt | English

26/08/2020 - 09:37

Sẽ xây dựng Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam

Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam sẽ được coi là một diễn đàn khu vực để cùng chia sẻ kiến thức và thông tin liên quan đến rác thải nhựa và ô nhiễm rác thải nhựa...


Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. (Ảnh Wired)

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Quyết định rà soát, cụ thể hóa 5 nội dung triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Trong số đó, trọng tâm là đẩy mạnh các hoạt động áp dụng mô hình 5R về gia hạn, từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; chuẩn bị đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam…

Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, việc quan trọng hàng đầu trong việc hạn chế rác thải đại dương là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương.

Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong mỗi giai đoạn sẽ nghiên cứu, xây dựng và thực hiện dự án truyền thông về tác hại của các sản phẩm nhựa sử dụng một lần như túi nylon khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người.

Cùng với đó là việc thực hiện có hiệu quả phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy;” kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong phong trào giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các đợt tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động áp dụng mô hình 5R (Renew, Refuse, Reduce, Reuse, Recycle), tức là gia hạn, từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế trong vận hành, sản xuất dịch vụ, cuộc sống thường ngày để thay đổi lối sống và hoàn thiện chính sách.

So với mô hình 3R (reduce, reuse, recycle-giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) trước đây, mô hình 5R lần này được nhận định sẽ hạn chế việc thải rác nhựa nhiều hơn.

Chính vì thế, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương khuyến khích xây dựng và thực hiện các hoạt động, phát động phong trào khởi nghiệp, các sáng kiến xanh về tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Ngoài ra, để triển khai mạnh mẽ việc hạn chế rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức chiến dịch thu gom rác thải, làm sạch một số bãi biển quy mô quốc gia, tối thiểu một năm hai lần; điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa từ đất liền ra biển và từ các hoạt động trên biển, hải đảo.

[Se xay dung Trung tam quoc te ve rac thai nhua dai duong tai Viet Nam hinh anh 2] Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Trọng Đạt/TTXVN)

Bộ này cũng sẽ thực hiện việc điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo, lồng ghép với các giải pháp, biện pháp quản lý tổng hợp lưu vực sông, các đô thị ven biển, cửa sông; tăng cường kiểm soát, quản lý việc xả thải vào nguồn nước.

Đẩy mạnh hợp tác liên vùng, liên quốc gia

Một nội dung ưu tiên khác được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào kế hoạch triển khai là hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải, bởi rác thải nhựa đại dương có tính liên vùng, liên quốc gia.

Để triển khai nội dung này, việc đầu tiên cần làm là duy trì và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế; triển khai các sáng kiến của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương; xác định các đối tác ưu tiên, tiềm năng cần đẩy mạnh phát triển hợp tác phù hợp với năng lực, trình độ trong nước về công nghệ.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng và triển khai dự án chuẩn bị đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam; xây dựng, vận hành, quản lý hệ thống quan trắc, giám sát rác thải nhựa đại dương; phân tích thí nghiệm phục vụ nghiên cứu về rác thải nhựa đại dương, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển…

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương; khởi động nghiên cứu về vai trò và trách nhiệm pháp lý của ngành bao bì trong quản lý rác thải tại Việt Nam với mục tiêu xây dựng khung trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, từ đó xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sử dụng các sản phẩm xanh, tái chế và thân thiện với môi trường.

Nhiệm vụ cuối cùng của kế hoạch là tổ chức triển khai, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 theo định kỳ hằng năm và 5 năm để tổng hợp, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Mục tiêu đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết