Tiếng Việt | English

03/08/2024 - 09:13

Sau tăng lương, thuế thu nhập cá nhân càng bất hợp lý

Lương cơ bản, lương tối thiểu vùng vừa được điều chỉnh tăng trong khi các quy định về thuế thu nhập cá nhân vẫn đứng yên, càng bộc lộ nhiều bất hợp lý.

Nộp thuế nhiều, người lao động tìm cách né?

Theo Tổng cục Thuế, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Có 12/21 khoản thu sắc thuế đạt trên 55% dự toán như thuế thu nhập doanh nghiệp ước đạt 68,9%, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ước đạt 61,9%, thu khác ngân sách ước đạt 63,4%... Nhưng ở một mặt khác, Cục Thuế TP.HCM cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, cơ quan này đã tiếp nhận 174.478 hồ sơ đề nghị hoàn thuế TNCN, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, có 52.049 hồ sơ không được hoàn thuế, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Những trường hợp này chủ yếu rơi vào cá nhân có nhiều nguồn thu nhập nhưng khai sót nên bị trả hồ sơ…

Quy định về thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu so với đời sống người dân sau nhiều năm áp dụng. (Ảnh: Ngọc Dương)

Trong một diễn biến khác, từ đầu tháng 7, tiền lương bình quân chung của nhiều người lao động được tăng khoảng 30%, kèm theo đó là số thuế TNCN cũng lên theo. Chị Ngọc Anh (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay với thâm niên làm việc ở một doanh nghiệp tính theo hệ số lương nhà nước đã 24 năm, lương tháng 7 vừa qua chị được tăng thêm gần 2,3 triệu đồng so với trước đó. Thế nhưng, chưa kịp mừng thì số thuế TNCN bị tạm thu cũng tăng thêm gần 1,4 triệu đồng so với trước.

"Số thuế tăng thêm lên hơn 50% so với số lương tăng thêm nên thấy niềm vui chẳng còn bao nhiêu. Đó là chưa kể có khi quyết toán cả năm nay vì số lương tăng thêm đó mà nhảy bậc thuế cao hơn thì càng mệt nữa. Có khi thà đừng tăng lương", chị Ngọc Anh lo lắng.

Các quy định về thuế TNCN hiện đã trở nên rất bất cập, không theo kịp đời sống của người dân VN sau nhiều năm áp dụng. Sự vô lý này đã được phản ảnh nhiều lần, các đại biểu Quốc hội cũng đã nhiều lần kiến nghị cần phải sửa đổi thuế TNCN khi nhiều quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn nhưng chưa có kết quả.

Vì thế, nhiều người cho rằng thực trạng nhiều cá nhân khai sót nguồn thu như nói trên, phải chăng họ tìm cách né để giảm số thuế phải nộp? PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, không loại trừ khả năng này do quy định về thuế TNCN hiện nay quá bất hợp lý. Nhiều người lao động đã rơi vào diện phải đóng thuế TNCN (sau khi giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc) nhưng thực tế thu nhập không đủ chi tiêu, nhất là ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội. Luật Thuế TNCN được ban hành năm 2007 và áp dụng từ đầu năm 2009. 

Lần sửa luật gần nhất là vào cuối năm 2012, đến nay đã 12 năm. Trong đó, đầu tháng 7/2020, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực nên mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) được điều chỉnh lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc. Thế nhưng, hiện giá cả thực tế đã tăng cao hơn nhiều. Hay nói cách khác, những người lao động đang phải đóng thuế ở bậc 1 (thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng) hay bậc 2 hiện nay chỉ ở mức đủ sống.

"Khi luật Thuế TNCN được áp dụng vào năm 2009 thì mức nộp thuế cho thu nhập đến 5 triệu đồng là thấy cao. Nhưng nay thu nhập tính thuế 5 triệu hay 10 triệu đồng là không đáng kể. Hay giữa mức 5 triệu đồng và 10 triệu đồng cũng không khác biệt nhau. Đời sống người dân đã tăng gấp 4 - 5 lần. Đồng nghĩa trước đây chỉ có thu nhập 5 triệu đồng/tháng thì sống được nhưng nay một người ở các thành phố lớn phải có thu nhập 15 - 20 triệu đồng mới gọi là đủ. Thế nhưng các quy định về thuế TNCN như GTGC, thu nhập vãng lai… đều đứng yên không thay đổi thì quá lạc hậu", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Cần sửa ngay từ gốc

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, phân tích: Các quy định trong luật Thuế TNCN được chỉ ra là quá vô lý, lạc hậu nhiều năm gần đây. Trong đó, đáng chú ý nhất là quy định mức GTGC chỉ được điều chỉnh khi CPI tăng từ 20% trở lên. Tuy nhiên, nhiều năm qua, với sự điều hành linh hoạt, ổn định của Chính phủ thì lạm phát ở VN chỉ tăng ở mức thấp nên không đạt đến mức 20%. Trong khi đó, chỉ số CPI lại không phải để áp dụng cho việc ra chính sách thuế mà việc thu thuế TNCN cần phải được tính toán dựa trên mức sống của người dân. 

Cụ thể hơn, mức GTGC trong thuế TNCN nên áp dụng theo mức lương tối thiểu vùng là tốt nhất. Mức lương tối thiểu vùng đã được Chính phủ xem xét cụ thể, cân đối hài hòa giữa thu nhập bình quân của người lao động và lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và sau đó sẽ có điều chỉnh. Thời gian qua, lương cơ sở, lương tối thiểu đã được Chính phủ tăng nhiều lần nhằm đảm bảo đời sống của người dân. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, lương tối thiểu vùng đã trải qua 8 lần điều chỉnh với mức tăng từ 5,5 - 15% mỗi năm và mới nhất từ đầu tháng 7 tăng thêm gần 6%. 

Tổng cộng, ví dụ mức lương tối thiểu vùng I hiện nay là 4,96 triệu đồng/tháng, cao gần gấp đôi so với năm 2024. Vậy tại sao mức GTGC cho người nộp thuế vẫn phải neo cố định ở mức 11 triệu đồng/tháng? Tương tự, quy định người có thu nhập từ 1 triệu đồng/tháng trở lên không được tính là người phụ thuộc được đề cập từ thời điểm mức GTGC cho người nộp thuế ở mức 4 triệu đồng/tháng, tương ứng 25%. Thế nhưng mức GTGC hiện nay được điều chỉnh tăng lên 11 triệu đồng/tháng mà quy định này vẫn duy trì ở mức 1 triệu đồng/tháng. Nhìn rộng ra, mức thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng cũng chưa bằng khoảng 30% mức lương tối thiểu vùng thấp nhất mà Chính phủ quy định. Điều này có nghĩa với nhiều người dù thu nhập không đủ sống nhưng cũng không được tính là người phụ thuộc.

"Chính phủ cần đề xuất sửa ngay từ gốc về thuế TNCN. Đó là đề xuất Quốc hội bỏ mức chỉnh sửa GTGC theo CPI. Thay vào đó, mức GTGC trong luật Thuế TNCN phải được tính theo mức 4 - 5 tháng lương tối thiểu vùng. Vì vậy, khi áp dụng trong thực tế sau nhiều năm vẫn không bị lạc hậu. Lương tối thiểu vùng đã được Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá và xem xét kỹ dựa trên nhiều yếu tố nên phù hợp hơn. Quy định thuế vô lý sẽ triệt tiêu động lực của người lao động, không nuôi dưỡng nguồn thu và cũng khiến cho người dân tìm cách né thuế", luật sư Trần Xoa nói.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra đã có rất nhiều ý kiến phân tích về sự vô lý trong luật Thuế TNCN hiện hành. Đó là mức GTGC thấp, quy định nộp thuế khi có thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên là quá ít cũng như các bậc thuế quá dày… Chẳng hạn, người có thu nhập tính thuế ở mức 80 triệu đồng/tháng, nếu cộng thêm mức GTGC cho bản thân và người phụ thuộc thì tổng thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng cũng không phải là quá giàu nhưng phải nộp thuế cao nhất là 35%. Thuế suất này cao hơn mức thuế TNCN của nhiều nước trong khu vực trong khi thu nhập bình quân của VN vẫn thuộc hàng thấp. Vì vậy, theo ông Đinh Trọng Thịnh, Bộ Tài chính, Chính phủ cần xem xét chỉnh sửa ngay chứ không phải kéo dài thêm hay chờ theo lộ trình sửa luật. /.

Các quy định nộp thuế TNCN phải dựa trên mức sống của người dân. Đó là những chi phí thực tế mà người lao động phải bỏ ra cho cuộc sống hằng ngày của bản thân và gia đình. Nếu cần thiết, các cơ quan nhà nước phải có thống kê xem mức sống trung bình hiện nay ở các thành phố lớn là bao nhiêu? Hoặc căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng thì sẽ hợp lý hơn, giúp người lao động yên tâm và tuân thủ quy định nộp thuế.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Tăng lương cơ sở 30% từ 1/7, những chế độ nào tăng theo? 

Từ 1/7, dự kiến tăng lương cơ sở 30%, nhiều chế độ cũng được tăng lên như trợ cấp thất nghiệp, thai sản, mai táng…

Theo thanhnien.vn

Nguồn: https://thanhnien.vn/sau-tang-luong-thue-thu-nhap-ca-nhan-cang-bat-hop-ly-185240802223755617.htm

Chia sẻ bài viết