Tiếng Việt | English

13/08/2019 - 09:24

Sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ kênh Nước Mặn

Hiện nay, tình trạng sạt lở 2 bên bờ kênh Nước Mặn (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Mặc dù chính quyền địa phương, người dân chủ động triển khai một số giải pháp nhằm khắc phục hậu quả nhưng vẫn chỉ là xử lý tạm thời.

Trình trạng sạt lở hai bên bờ kênh Nước Mặn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Sống trong nỗi lo sợ

Mỗi khi mùa mưa, bão đến, bà Huỳnh Thị Xíu, ngụ ấp Chợ, xã Long Hựu Đông, lo lắng căn nhà nhỏ có nguy cơ rớt xuống sông bất cứ lúc nào. Nhìn ra phía dòng kênh Nước Mặn đang cuồn cuộn chảy, bà Xíu thở dài: “25 năm về trước, căn nhà của tôi nằm cách bờ kênh này hàng chục mét. Do sạt lở, sụp lún, tôi phải đôn nền, dời nhà lùi vô mấy lần. Bây giờ, phần đất của gia đình bị thu hẹp, chỉ còn đủ chỗ để ở, không còn đất sản xuất”.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, ngụ cùng ấp, trăn trở: “Nạn sạt lở ngày càng xảy ra nghiêm trọng nên nhiều hộ dân ở ấp Chợ phải chuyển đến nơi khác làm ăn, sinh sống. Một số hộ còn “cầm cự” trong những ngôi nhà tạm bợ ven sông là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền mua đất cất nhà nên chưa biết di dời đi đâu”.

Cùng chung số phận với người dân ấp Chợ, mấy năm gần đây, nhiều hộ gia đình ấp Long Hưng, xã Long Hựu Tây đối mặt với nạn sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống, tính mạng của người dân. Gia đình ông Trà Văn Khôi vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến căn nhà lọt thỏm xuống kênh. “Đang nằm ngủ, chúng tôi nghe tiếng nứt răng rắc thì giật mình tỉnh giấc và nhanh chóng thoát ra ngoài. Toàn bộ đất và khu nhà ở phía sau của gia đình (trên 80m2) bị nước cuốn phăng trong tích tắc. Rất may trước đó vài ngày, thấy có dấu hiệu bất thường, chúng tôi di dời một số tài sản ra khỏi nhà” - ông Khôi nhớ lại.

Kênh Nước Mặn chảy qua địa bàn 2 xã Long Hựu Tây và Long Hựu Đông. Theo ông Kiều Trung Dũng, ngụ ấp Chợ, xã Long Hựu Đông, con kênh này do con người đào cách đây hơn 100 năm với chiều rộng khoảng 15m. Trải qua thời gian, hiện kênh thành một con sông lớn, rộng khoảng 160m, là tuyến giao thông huyết mạch, mỗi ngày có cả ngàn lượt sà lan, xuồng, tàu chở hàng hóa từ các tỉnh, thành phố miền Tây lên TP.HCM và ngược lại. “Lòng kênh ngày càng mở rộng đồng nghĩa với sạt lở. Hàng trăm hộ dân sinh sống khu vực này nơm nớp lo sợ một ngày không còn đất để sinh sống” - ông Kiều Trung Dũng thổ lộ.

Vẫn là bài toán kinh phí

Theo ghi nhận của chúng tôi, cặp kênh Nước Mặn, đoạn qua địa bàn xã Long Hựu Đông hiện có nhiều đoạn đang lún, xói mòn, sụp cả đường đi, thậm chí còn đe dọa đến những căn nhà mới được xây dựng khang trang. Người dân sinh sống ven kênh nhận định, sạt lở ngày càng diễn ra nghiêm trọng là do lượng tàu, thuyền qua lại kênh Nước Mặn mỗi ngày hơn 2.000 lượt, sóng đánh dập vào hai bên bờ, ngày càng khoét sâu dẫn đến sụp lún.

Chủ tịch UBND xã Long Hựu Đông - Nguyễn Văn Khắc cho biết: “Để đối phó với tình trạng sạt lở, người dân mua đá, đỗ đal, cừ kè dọc bờ kênh nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Địa phương nhiều lần kiến nghị với UBND huyện, tỉnh về những ý kiến, đề xuất của người dân để có biện pháp khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để”.

Người dân mong ngành chức năng sớm có giải pháp đầu tư kè kiên cố để không còn sông trong cảnh nơm nớp lo sợ trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng

Thông tin từ UBND huyện Cần Đước, địa phương nắm bắt được sự bức xúc của người dân nhưng với tổng chiều dài hai bên bờ gần 4km, ước tính kinh phí khoảng hơn 30 tỉ đồng nên huyện không có khả năng đầu tư. Liên quan đến vấn đề này, địa phương kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (đoạn kênh này do Bộ Giao thông Vận tải quản lý) để có biện pháp hỗ trợ trong thời gian tới.

Được biết, năm 2012, dự án xây dựng bờ kè kênh Nước Mặn được Chính phủ bàn tính và dự kiến thực hiện nhưng đến nay, mọi việc vẫn còn là dự tính. Trong khi đó, thời gian gần đây, nạn sạt lở xảy ra ngày càng thường xuyên, nghiêm trọng trên tuyến kênh này. Chính quyền địa phương và người dân 2 xã cù lao mong ngành chức năng sớm có giải pháp đầu tư kè kiên cố để không còn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết