Tiếng Việt | English

14/07/2020 - 15:04

Sáng mãi truyền thống thanh niên xung phong

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, gần 300.000 nam, nữ thanh niên xung phong (TNXP) làm nhiệm vụ trên các chiến trường, trong đó có gần 10.000 người đã hy sinh, 46.000 người bị thương, trên 10.000 người bị nhiễm chất độc hóa học đioxin. Trong giai đoạn hiện nay, lực lượng TNXP tiếp tục đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Cựu thanh niên xung phong chăm lo kinh tế gia đình

Thời chiến dũng cảm hy sinh

Ngày 15/7/1950, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam tổ chức một đội thanh niên tập trung dài ngày phục vụ chiến dịch, lấy tên là Đội TNXP công tác cho phù hợp với đặc điểm của thanh niên là luôn hăng hái đi đầu trong mọi nhiệm vụ. Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, gồm 225 cán bộ, đội viên.

Từ Đội TNXP công tác Trung ương, lực lượng TNXP đã không ngừng phát triển, trưởng thành theo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, TNXP đã hoạt động ngày đêm, sát cánh cùng các đơn vị lực lượng vũ trang, giao thông - vận tải, dân công,… hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ quan trọng: Phục vụ chiến đấu, chiến đấu, mở đường, đảm bảo giao thông, rà phá bom mìn, vận chuyển và chăm sóc thương, bệnh binh,…

Những chiến công của lực lượng TNXP trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã góp phần làm nên những kỳ tích lịch sử mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào xâm lược miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, ở miền Bắc, hàng chục vạn thanh niên từ phong trào “3 sẵn sàng” đã hăng hái tham gia các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước.

Với ý chí “Tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”, “Sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trên 200.000 TNXP đã nêu cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong sản xuất và chiến đấu, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Từ phong trào “5 xung phong”, hàng vạn thanh niên đã gia nhập lực lượng TNXP giải phóng miền Nam và các đơn vị TNXP ở các quân khu, quân đoàn và địa phương, cơ sở, vừa làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vừa tham gia công tác xây dựng nông thôn, chuẩn bị chiến trường, xây dựng làng, xã chiến đấu, chống càn, xung kích vào những việc khó khăn, nguy hiểm ở địa phương.

Nhiều gương chiến đấu dũng cảm hy sinh của TNXP giải phóng miền Nam như chị Võ Thị Rậm, dù bị thương vẫn ôm chặt thương binh trên tay đến lúc hy sinh. Anh Hồ Văn Minh một mình chiến đấu đánh lạc hướng và tiêu diệt 15 tên địch để đồng đội chuyển thương binh thoát ổ phục kích của giặc; chị Hoàng Anh (Nguyễn Thị Bé) đụng địch giữa bãi trống nhưng vẫn chiến đấu dũng cảm diệt 4 tên Mỹ, rồi đè mình lên trái lựu đạn mở chốt sẵn, hy sinh anh dũng không để chúng bắt. Lê Hùng Minh chiến đấu đến viên đạn cuối cùng,... Tiểu đoàn 2 TNXP Quảng Đà do chị Nguyễn Thị Thao làm Tiểu đoàn trưởng, trong 4 năm liền đã vận chuyển trên 9.000 tấn hàng, bình quân mỗi người vận chuyển trên 6 tấn/năm, trên chặng đường đi bộ 600km, đạt danh hiệu “Gương mẫu đảm đang, chân đồng vai sắt”.

Ngày nay, những địa danh lịch sử ghi dấu chiến công của lực lượng TNXP cả nước như Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, cầu Hàm Rồng, Cổng Trời, đường 20 quyết thắng, cua chữ A, phà Xuân Sơn,… mãi mãi là niềm tự hào, là sự cổ vũ lớn lao đối với thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.

Thời bình sống mẫu mực

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, lực lượng TNXP lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Một số địa phương đã thành lập các đội TNXP tập trung xung kích khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng các vùng kinh tế mới, góp phần giữ vững an ninh - quốc phòng, phát triển KT-XH.

Hiện nay, cả nước có nhiều tỉnh, thành phố và một số doanh nghiệp nhà nước có tổ chức TNXP với gần 100 đơn vị cơ sở, sử dụng trên 5 vạn lao động là thanh niên. Các đơn vị TNXP đang là lực lượng xung kích thực hiện những nhiệm vụ chính trị khó khăn của địa phương, xây dựng những mô hình phát triển KT-XH có hiệu quả, được đánh giá cao như tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh, đảo Thanh niên Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ, xây dựng làng thanh niên, khu kinh tế thanh niên.

Với những chiến công, thành tích đã đạt, lực lượng TNXP Việt Nam được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1978; Huân chương Hồ Chí Minh năm 1997; danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1997; 53 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; hơn 100 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động;…

Nhiều cựu TNXP đã thành đạt trên các mặt: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững và phát huy truyền thống phẩm chất TNXP, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ, kinh nghiệm vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống được tập trung đẩy mạnh nhằm khơi dậy niềm tự hào, vẻ vang của lực lượng TNXP, nhất là những tấm gương anh dũng chiếu đấu, hy sinh, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Hội Cựu TNXP tỉnh đã phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Long An xây dựng thành công 3 bộ phim tư liệu: Mãi mãi tuổi 18 nói về tấm gương chiến đấu anh dũng của liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Bé (tức Hoàng Anh); Chiếc cầu Nam bộ của đơn vị TNXP cơ sở xã Thạnh Lợi, xã Bình Đức, huyện Bến Lức nói về thành tích xây dựng, chiến đấu bảo vệ cây cầu trên tuyến giao thông huyết mạch cho bộ đội hành quân và đã bắn rơi máy bay F105 của Mỹ và TNXP Long An nhìn lại những chặng đường tạo sự lan tỏa tốt trong lực lượng hội viên, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh.

Cựu TNXP luôn gương mẫu tham gia thực hiện quy ước cộng đồng dân cư, hưởng ứng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát động thi đua của Trung ương hội Thời chiến dũng cảm hy sinh, thời bình sống mẫu mực, tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở; góp tiền, ngày công, hiến đất xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, đời sống. Đa số cán bộ, hội viên tham gia Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Người cao tuổi, làm nòng cốt sinh hoạt trong các tổ dân cư. Nhiều gia đình cán bộ, hội viên chăm lo con cháu học hành, tạo việc làm, thành đạt. Đó là những nỗ lực, thể hiện tinh thần tích cực của đông đảo cựu TNXP tỉnh nhà trong thời gian qua.

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập TNXP Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2020), mỗi cựu TNXP chúng tôi luôn tự hào về một thời tuổi trẻ tươi đẹp, góp phần không nhỏ trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác Hồ đã dạy./.

Trần Huy Phước(Cựu TNXP Liên đội 2, Tổng đội TNXP Long An)

Chia sẻ bài viết