Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.337.523 ca mắc COVID-19, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.567 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.332.216 ca, trong đó có 1.008.839 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (480.448), Bình Dương (285.134), Đồng Nai (90.094), Long An (38.883), Tây Ninh (34.211).
Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã chữa khỏi trên 1 triệu ca mắc COVID-19, trong số các ca đang điều trị có hơn 7.000 bệnh nhân nặng
Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.011.656 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.019 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 4.666 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.388 ca; Thở máy không xâm lấn: 180 ca; Thở máy xâm lấn: 770 ca; ECMO: 15 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 202 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.700 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 12/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 27.170.274 mẫu cho 70.146.808 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 128.675.533 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 73.663.229 liều, tiêm mũi 2 là 55.012.304 liều.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 8/12 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 267.272.123 ca COVID-19, trong đó có 5.285.104 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 545.300 và 6.806 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 240.692.473 người, 21.294.546 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 87.737 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 76.736 ca; Pháp đứng thứ hai với 59.019 ca; tiếp theo là Đức (51.592 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.182 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ (1.075 ca) và Ba Lan (504 ca tử vong).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 50.226.957 người, trong đó có 811.522 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.656.506 ca nhiễm, bao gồm 473.757 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.157.726 ca bệnh và 616.018 ca tử vong.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 82,7 triệu ca, tiếp đến là châu Âu với trên 76,23 triệu ca; Bắc Mỹ ghi nhận gần 59,98 triệu ca; Nam Mỹ là trên 39,12 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 8,85 triệu ca và châu Đại Dương trên 380.000 ca.
|
42 tỉnh, thành phố điều trị có kiểm soát thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng
Lãnh đạo Cục Khoa học- Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết đến ngày 7/12 số tỉnh thành điều trị có kiểm soát bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà là 42 địa phương (tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 11).
Như vậy đến thời điểm này, Bộ Y tế đã cung cấp miễn phí khoảng gần 250.000 liều thuốc bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho người bệnh sử dụng.
Bộ Y tế mới đây cũng công bố các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ do Bộ triển khai tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lê bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%;
Tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.
Ca COVID-19 cộng đồng không giảm, nhiều tỉnh, thành miền Tây "đổi màu" cấp độ dịch COVID-19
Tại Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ban hành Quyết định 527/QĐ-UBND về việc cập nhật, công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và áp dụng bổ sung Quy định tạm thời thắt chặt một số hoạt động trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao liên tục trong nhiều ngày. Theo đó, từ ngày 7/12, Bạc Liêu ở cấp độ dịch là cấp độ 3 - nguy cơ cao (vùng cam).
Tại Cà Mau, trong 10 ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) tăng nhanh, với số ca mắc đã vượt 2.000 ca, trong đó hơn 50% là ca trong cộng đồng.
Để ứng phó với tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP Cà Mau hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị thành phố phải thực hiện cấp độ 3 tăng cường.Theo đó, thành phố cần áp dụng nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tình trạng người dân ra đường khi không thật sự cần thiết; Thủ trưởng cơ quan nhà nước tính toán giảm số lượng người làm việc xuống còn tối đa 50%; khuyến cáo các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" hay "1 cung đường, 2 điểm đến"; tăng cường kiểm tra, kiểm soát người ra vào chợ; phương tiện hành khách khi lưu thông phải giảm số lượng người theo quy định; không để tình trạng người dân tập trung ở nơi công cộng.
Ngoài ra, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cần rà soát nguy cơ dịch bệnh để tham mưu nâng lên cấp độ 3, 4 theo từng địa bàn để khống chế ngay những nơi nguy cơ cao, không để lây lan.
Cần Thơ ghi nhận 898 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng số ca mắc lên 34.007 ca, đã điều trị khỏi 15.994 người; tổng số ca tử vong 261.
Đồng Tháp ghi nhận 697 ca mắc COVID-19 mới, trong đó, 250 ca cộng đồng. Tổng số ca mắc cộng dồn là 26.612 ca, đã điều trị khỏi 18.656; có tổng cộng 312 ca tử vong.
Sóc Trăng có 617 ca mắc COVID-19, trong đó có 412 ca cộng đồng. Số ca cộng dồn 23.346, đã điều trị khỏi 15.124; tổng số tử vong là 134 ca.
Vĩnh Long ghi nhận 529 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 283 ca cộng đồng.
Kiên Giang phát hiện 422 F0, trong đó 176 ca cộng đồng. Tổng số ca mắc cộng dồn 22.856, ca điều trị khỏi 19.332.
Bến Tre ghi nhận thêm 394 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 388 ca cộng đồng. Tổng số ca mắc cộng dồn 11.863, ca điều trị khỏi 5.390; Số ca tử vong cộng dồn 71.
Tiền Giang có 340 ca F0, trong đó 38 ca cộng đồng, 302 ca trong khu cách ly. Đến nay, tỉnh này đã ghi nhận 26.413 ca mắc COVID-19, đã điều trị khỏi 20.843 trường hợp; 608 ca tử vong.
An Giang ghi nhận 279 trường hợp mắc COVID-19 trong đó có, 169 ca cộng đồng. Tổng số F0 từ ngày 15/4 đến nay là 25.702 trường hợp; điều trị khỏi 19.819 ca; lũy kế bệnh nhân tử vong là 526 ca.
Trà Vinh ghi nhận 254 ca mắc COVID-19, gồm 137 ca cộng đồng. Đến nay, địa phương này đã ghi nhận 9.966 ca mắc Covid-19 (có 42 ca nhập cảnh), đã điều trị khỏi 3.514 trường hợp, có 60 trường hợp tử vong.
Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh quy định cách ly đối với F1
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ca bệnh cộng đồng và các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với F0) có chiều hướng gia tăng; để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19 ở các cấp độ, đồng thời giảm áp lực tại các cơ sở cách ly tập trung, ngày 7/12 Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã hướng dẫn bổ sung nội dung theo dõi sức khỏe của các trường hợp F1 sau khi đã hoàn thành cách ly y tế tập trung hoặc cách ly y tế tại nhà theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, cụ thể như sau:
Ảnh minh hoạ
- Đối với các trường hợp đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm 1 mũi nhưng đã qua 14 ngày được đi làm nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp như 5K; "Một cung đường hai điểm đến"; Quét QR code và kiểm tra thân nhiệt tại cổng cơ quan, doanh nghiệp; Chú ý khoảng cách an toàn, hạn chế tiếp xúc khi làm việc, sản xuất; Khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở…phải thông báo ngay cho y tế cơ quan, địa phương hoặc các bộ phận liên quan để xử trí kịp thời theo quy trình.
- Đối với trường hợp chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày theo quy định.
Ngày 7/12, Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận thêm 491 ca mắc COVID-19, trong đó 193 ca phát hiện ngoài cộng đồng. TP Vũng Tàu vẫn là địa phương ghi nhận F0 ngoài cộng đồng cao nhất tỉnh.
Tính từ ngày 28/6 đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận hơn 19.200 ca mắc COVID-19, tỷ lệ F0 đã điều trị khỏi bệnh đạt 60%.
Trước diễn biến gia tăng ca mắc COVID-19 của tỉnh, Bộ Y tế đã điều động BV Việt Đức vào hỗ trợ Bà Rịa- Vũng Tàu./.
Theo SK&ĐS