Tiếng Việt | English

09/03/2020 - 19:56

Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao - “Chìa khóa” thay đổi tư duy sản xuất

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) hướng đến nông nghiệp sạch là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Long An. Xác định mục tiêu trên, thời gian qua, tỉnh phát triển trên 2.000ha rau ƯDCNC và nhiều mô hình được nhân rộng, thay đổi tập quán sản xuất của người dân.

1. Tại Cần Đước, Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC mang lại nhiều kết quả phấn khởi, nhất là qua công tác tuyên truyền đã góp phần chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân; có nhiều mô hình hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa, niềm tin cho người dân. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện - Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Nhiều hộ sau khi tham quan, học tập đã tự đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch, sử dụng phân hữu cơ thay thế dần phân hóa học,…; bước đầu sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn, nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm sạch cho các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh được thực hiện; sản phẩm của người dân được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Đến nay, huyện chủ động triển khai 2 mô hình trình diễn nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm và có 495ha đã ƯDCNC trong sản xuất rau, đạt 70,71% kế hoạch”.

Sản xuất rau công nghệ cao tăng thu nhập cho người dân

“Đến nay, huyện có 19 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó có 6 HTX chuyên canh rau, 6/6 HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 27,35ha; 5 tổ hợp tác trồng rau ƯDCNC và 1 liên hiệp HTX Cần Đước. Bên cạnh đó, huyện đã củng cố và xây dựng được 3 chuỗi rau an toàn hoạt động hiệu quả: HTX Rau an toàn Phước Hòa, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thuận Giàu, HTX Rau an toàn Mười Hai, cung ứng cho thị trường TP.HCM, với tổng doanh thu gần 25 tỉ đồng/năm, lợi nhuận 2,5 tỉ đồng/năm” - ông Chương chia sẻ thêm.

Năm 2019, HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê) được chọn làm HTX điểm của tỉnh thuộc Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy thông tin: “Đến nay, HTX có 31 thành viên với quy mô sản xuất 10ha rau ƯDCNC. HTX đang tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và tham gia thực hiện Đề án OCOP (mỗi làng một sản phẩm) của huyện với cây cải bẹ xanh là mặt hàng chủ lực và đa dạng hóa sản phẩm (bột rau) nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và chủ động được đầu ra sản phẩm rau của HTX”. Theo ông Giấy, thực hiện mô hình kinh tế tập thể mang lại nhiều thuận lợi cho nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên hiện nay, nông dân còn gặp một số khó khăn nên địa phương tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, kỹ thuật cho HTX, tổ hợp tác; tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương đầu tư vào lĩnh vực sản xuất rau theo hướng CNC.

Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết: “Phấn đấu năm 2020, toàn huyện có 700ha rau được trồng theo quy trình ƯDCNC, từng bước nâng cao sản lượng, chất lượng, hướng đến nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Năm 2020, huyện tiếp tục xây dựng 3 mô hình điểm diện tích 0,2ha/mô hình, tại 3 xã: Tân Trạch, Mỹ Lệ, Phước Vân; đồng thời, tổ chức nhân rộng mô hình với 205ha, tập trung tại các xã: Long Khê, Long Trạch, Long Hòa, Phước Vân, Tân Trạch, Mỹ Lệ. Thông qua các danh mục đã được phê duyệt và thực hiện kế hoạch đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị, huyện đã thi công các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất vùng rau với kinh phí trên 21,4 tỉ đồng; thực hiện 18 công trình điện với kinh phí trên 19 tỉ đồng và trong năm nay tiếp tục thi công 14 công trình điện trung, hạ áp có giá trị 7,4 tỉ đồng. Ngoài ra, huyện đầu tư nhiều công trình đường giao thông nông thôn, đường liên xã, từng bước đáp ứng yêu cầu ứng dụng cơ giới hóa, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi”. 

2. Thời gian qua, huyện Cần Giuộc triển khai thực hiện Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả phấn khởi. Người dân dần thay đổi tập quán canh tác, có ý thức trong việc sử dụng phân hữu cơ, xây dựng hệ thống tưới tự động, thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng nhà màng, nhà lưới, sản phẩm làm ra có chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay, huyện có khoảng 960ha trồng rau ƯDCNC, đạt 96% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó có 44ha trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, 775ha trồng rau sử dụng phân hữu cơ.

Sản xuất rau công nghệ cao tăng thu nhập cho người dân

Nông nghiệp ƯDCNC được xem như là hướng đi đúng đắn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất trong thời đại khoa học - kỹ thuật tiên tiến đòi hỏi phải ứng dụng các công nghệ mới phục vụ sản xuất. Giám đốc HTX Phước Thịnh (xã Phước Hậu) - Đặng Duy Dũng cho biết: “HTX hoạt động theo hướng đa năng, đa nghề, trực tiếp cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, trang thiết bị, tổ chức sản xuất cho thành viên. HTX còn là nơi tập kết các sản phẩm rau sau thu hoạch, tiến hành sơ chế, làm sạch rau và đóng gói. Qua 7 năm đi vào hoạt động, HTX đang có 60 thành viên, sản xuất rau CNC theo hướng an toàn trên diện tích 30ha, trong đó có 7,2ha rau đạt chuẩn VietGAP với các tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường”.

“Để phát huy hiệu quả sản xuất, ngay từ khi thành lập, HTX đã phát triển theo hướng hiện đại, tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bảo đảm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao để phục vụ thị trường” - ông Dũng cho biết thêm.

Không chỉ mang lại lợi ích cho thành viên, HTX Phước Thịnh còn là "điểm tựa" sản xuất cho hơn 80 hộ dân liên kết trên địa bàn. Bên cạnh hỗ trợ về kỹ thuật, tổ chức sản xuất, HTX còn cung cấp phân bón, trang thiết bị phục vụ sản xuất với giá thành hợp lý, có hỗ trợ trả chậm cho các hộ dân. Bà Trần Thị Mười, ngụ xã Phước Hậu, vui mừng nói: “Thay vì lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón như trước, hiện các thành viên HTX đã nắm chắc các nguyên tắc phòng trừ dịch hại an toàn, biết cách sử dụng thiên địch, thuốc trừ sâu sinh học chế từ tỏi, ớt,… để trừ sâu, bệnh, vừa gia tăng giá trị kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm
vệ sinh, an toàn thực phẩm. Sản xuất rau hữu cơ bảo vệ môi trường, trồng rau trong nhà màng, nhà lưới, nhà kính, sản xuất rau theo phương pháp thủy canh,... đang là định hướng phát triển xuyên suốt của địa phương trong những năm qua. Trong quá trình thực hiện, các HTX là một trong những đầu tàu dẫn dắt nông dân”.

Cùng với HTX Phước Thịnh, trên địa bàn huyện Cần Giuộc đang hình thành hàng loạt HTX, tổ hợp tác phát triển trong lĩnh vực trồng rau an toàn. Theo số liệu thống kê, toàn huyện hiện có 16 HTX, 1 liên hiệp HTX, 22 tổ hợp tác, nhóm nông hộ chuyên sản xuất rau an toàn, với trên 730 nông dân tham gia; trên 1.800ha chuyên canh rau màu, trong đó có 341ha sản xuất rau an toàn. Thực hiện Chương trình nông nghiệp ƯDCNC, huyện đã có 6 HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP.Sự ra đời của các HTX cũng là “chìa khóa” thay đổi tư duy sản xuất của người dân tại các địa phương trên địa bàn huyện. Qua đó, tạo nên sức bật cho các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. “Nhờ áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, 100% thành viên HTX đã chuyển từ sản xuất nhỏ, canh tác lạc hậu sang sản xuất tập trung, xây dựng các vùng rau chuyên canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm” - ông Dũng nói./.

Huỳnh Phong - Kim Thoa

Chia sẻ bài viết